+
Aa
-
like
comment

Chống đối thu phí vỉa hè của TP.HCM là đi ngược lợi ích chung

Đông Duy - 29/09/2023 14:24

Từ tháng 1/2024, các tổ chức, cá nhân sử dụng lòng đường vào 3 mục đích và sử dụng vỉa hè với 5 mục đích ở TPHCM phải được cấp phép và nộp phí. Quan điểm của TPHCM không nhằm mục đích tăng thu ngân sách mà thông qua việc thu phí để chỉnh trang lại đường phố. Nhưng để tránh chuyện lợi ích nhóm từ việc thu phí này thì quá trình triển khai cần công khai, minh bạch.

Nhiều quán nhậu trên trục đường Song Hành (phường An Phú, quận 2, TPHCM) đua nhau lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.
Nhiều quán nhậu trên trục đường Song Hành (phường An Phú, quận 2, TPHCM) đua nhau lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.

Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch UBND Quận 1 – cho biết, do ở trung tâm nên quận có đặc thù hầu hết căn nhà vị trí mặt tiền đều là cơ sở, hộ kinh doanh dịch vụ, mua bán có nhu cầu để xe phía trước hoặc tận dụng một phần diện tích phía trước nhà để trưng bày hàng hóa, phục vụ kinh doanh.

Hiện Quận 1 đã rà soát trên địa bàn có 75 tuyến đường có vỉa hè rộng đủ điều kiện làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa và 44 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện trông giữ xe 2 bánh có thu phí.

Tương tự, đại diện UBND Quận 3 cho hay, đang đề xuất 36 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m đến 10m đủ điều kiện cho thuê. Đồng thời, có 3 tuyến đường rộng có thể làm điểm giữ xe dưới lòng đường.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND Quận Bình Tân Vũ Chí Kiên, quận có 3 tuyến đường: Vành Đai Trong, Tên Lửa, đường số 7 được đề xuất sử dụng một phần vỉa hè cho kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa và trông giữ xe.

Ngoài ra, Quận Bình Tân đề xuất thêm 352 tuyến đường được sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng, trong đó có 19 tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý của Sở GTVT TPHCM.

Đại diện các địa phương trên khẳng định, đang chờ UBND TPHCM ban hành kế hoạch thực hiện và Sở GTVT TPHCM có văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể.

Trước thực trạng lấn chiếm lòng, lề đường tràn lan trong nhiều năm nay, một trong những điều vẫn luôn khiến người ta băn khoăn là thiệt hại kinh tế. Rõ ràng, rất nhiều người dân làm ăn trên vỉa hè, nhưng thành phố lại thiệt hại khi không thu được ngân sách, mà còn tiêu tốn để cải tạo, bảo trì vỉa hè. Cấm hoàn toàn sử dụng vỉa hè để kinh doanh là biện pháp cực đoan, tước đi sự mưu sinh của nhiều người và thiếu nhân văn. Cho thuê vỉa hè vì thế là giải pháp dung hòa giữa lợi ích của hai bên, cũng là cách để đảm bảo việc sử dụng vỉa hè không còn bát nháo, người đi đường vẫn còn chỗ để đi.

Thế nhưng, lại có những cái nhìn tiêu cực về việc cho thuê vỉa hè của TP.HCM, từ những lý lẽ khôi hài như “tăng ùn tắc, tai nạn giao thông, chết người…” cho đến “tận thu, lạm thu”. Hãy nhìn nhận thực tế việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh là nhu cầu hiện hữu, dù thế nào cũng đang xảy ra. Thay vì để bát nháo, tiền “vào túi” một số cá nhân nào đó, hay là để việc sử dụng được quy hoạch bài bản, đảm bảo được nhu cầu lưu thông lẫn kinh doanh, vừa giúp tăng ngân sách. Mà ngân sách đó cũng sẽ là lợi ích cho người dân chứ đi đâu?

TP.HCM cũng chẳng phải chính quyền địa phương “khai sinh” ra việc cho thuê vỉa hè, mà đó là mô hình được nhiều thành phố lớn áp dụng, chẳng hạn như New York, thành phố vừa kết nghĩa với TP.HCM. Cho rằng cách làm này là sai, chẳng phải là đang cho rằng các thành phố tiên tiến của những nước phát triển – phương trời mơ ước của những người bất mãn với đất nước mình – là sai sao?

Đông Duy

Bài mới
Đọc nhiều