Chống dịch ở TP.HCM: Giáo sư nói chi nghe lạ?
Trên trang BBC tiếng Việt vừa xuất hiện một bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn về vấn đề chống dịch ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Ngay từ đoạn đầu tiên của bài đăng, ông Nguyễn Văn Tuấn đã quy chụp TP.HCM “đang lúng túng” trong việc tìm ra phương án đối phó hiệu quả với tình hình dịch bệnh. Dưới góc nhìn của giáo sư, đó là sự lúng túng, nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực thì đó là sự thay đổi, ứng phó linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh. Trước những diễn biến liên tục và phức tạp của dịch bệnh, thành phố đã nhanh chóng thực thi các biện pháp chống dịch nghiêm túc theo Chỉ thị 12 về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16, sát với tình hình. Đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp, tư vấn của hàng chục giáo sư, chuyên gia trong ngành y để góp thêm vào phương án chống dịch thành phố.
Nếu theo dõi tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM thì chúng ta có thể thấy được tín hiệu đáng mừng. Mặc dù số ca nhiễm còn cao nhưng so với những ngày hơn 5000-6000 ca mắc Covid-19 thì hiện nay con số này đã giảm xuống còn khoảng trên dưới 2000 ca mắc. Đó là kết quả của của sự chung sức, đồng lòng, nghiêm túc thực hiện quy định chống dịch của toàn bộ chính quyền và nhân dân TP.HCM.
Với góc nhìn tiêu cực thì giáo sư Nguyễn Văn Tuấn luôn cho rằng TP.HCM “đang lúng túng” nhưng nhìn tích cực hơn thì chúng ta có thể thấy có hàng chục, hàng trăm trái tim và khối óc của rất nhiều giáo sư khác đang giúp thành phố chống dịch. Đó là điều đáng quý nhất ở thời điểm này chứ không phải sự bi quan, tiêu cực, chê bai. Chúng ta cứ ngỡ giáo sư Dịch tễ học ở Úc thì sẽ chỉ ra những phương án hay ho để giúp đất nước chống dịch, đằng này những thứ ông ấy nói toàn là những điều mà ai cũng đã biết và đã làm từ lâu.
Đơn cử như việc ông ấy nói “TP.HCM phải ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế, người già trên 65 tuổi”. Trong khi, chúng ta đã tiêm toàn bộ cho nhân viên y tế trước tiên, kể cả lực lượng tuyến đầu chống dịch. Với người già trên 65 tuổi, chúng ta cũng đã ưu tiên tiêm chủng từ cả tháng trước. Chưa kể, hiện nay, TP.HCM đang tiến hành tiêm chủng cho toàn bộ dân số trên 18 tuổi và sẽ mở rộng ra nhiều tỉnh/thành khác. Không hiểu sao BBC tiếng Việt có thể đăng tải nội dung phỏng vấn mà có cảm giác như giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đang nói những lời vô nghĩa, thậm chí ông ấy đang đi sau cả công tác chống dịch?
Dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải thừa nhận một điều, Việt Nam chưa bao giờ phải đối mặt với dịch bệnh như thế này. Và không chỉ riêng nước ta mà hàng chục quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm do biến chủng Delta gây ra. Ngay cả các nước có nền kinh tế và hệ thống y tế vững mạnh, tiên tiến cũng phải chứng kiến sự ngã xuống của biết bao nhiêu người dân.
Có một điểm bất ngờ nữa, mặc dù đang sống và làm việc tại Úc nhưng giáo sư Nguyễn Văn Tuấn vẫn chê công tác chống dịch của đất nước này ở biện pháp lockdown thành phố và đề nghị Việt Nam không nên bắt chước theo Úc vì họ hiện khá khắt khe. Gần như 50% tổng số ngày của năm 2020 là nước Úc trong tình trạng lockdown, bước sang năm 2021, Úc vẫn duy trì biện pháp này để chống dịch.
Như thành phố Melbourne, chỉ cần có hai ca nhiễm thôi thì ngay lập tức, toàn thành phố sẽ lockdown 7 ngày, người lao động làm việc tại nhà. Cách chống dịch nghiêm khắc này đã giúp cho Úc trở thành một trong số ít quốc gia có kết quả chống dịch thành công nhất thế giới. Vậy mà ông giáo sư ĐH New South Wales, một chuyên gia dịch tễ từ thành phố Sydney, Úc vẫn chê là dở thì thật khó hiểu.
Những ai đọc được bài trả lời phỏng vấn của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trên trang BBC tiếng Việt có lẽ không tránh khỏi sự thất vọng. Bởi đó toàn là những câu hỏi móc xỉa từ BBC tiếng Việt và đáp lại toàn là những thông tin, phương án chống dịch cũ mèm, góc nhìn tiêu cực của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Ông ấy không đưa ra được bất kỳ phương án nào mà chỉ có những lời chê. Vậy thì có phải chúng ta đã lãng phí thời gian cho một bài phỏng vấn vô ích như vậy không?
Đặc biệt, TP.HCM và nhiều tỉnh/thành khác đã và đang rất vất vả chiến đấu với dịch bệnh mà giáo sư lại ở tận trời Úc phát biểu những câu “thêm dầu vào lửa” như vậy. Rốt cuộc ông Nguyễn Văn Tuấn và trang BBC tiếng Việt đang muốn nhìn thấy kết quả chống dịch nào ở TP.HCM và Việt Nam? Khó khăn, đau thương và tổn thất do dịch bệnh đã chồng chất như núi, hãy giữ trái tim tốt, suy nghĩ tốt để cổ vũ nhân dân chống dịch.
Đặng Trường