+
Aa
-
like
comment

Chống dịch linh hoạt sẽ mở cửa được nền kinh tế

Diệu Hương - 01/10/2021 15:55

Dịch bệnh đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Chính vì thế, chiến lược chống dịch đã thay đổi từ chỗ quyết tâm chiến thắng sang thích ứng an toàn, linh hoạt. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược này thì phải có biện pháp, bước đi phù hợp để vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp

Lần đầu tiên chỉ trong vòng 2 tháng vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần đối thoại để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể những chuyến thị sát vào thẳng tâm dịch phía Nam để hiểu hơn những khó khăn, vất vả mà cộng đồng doanh nghiệp phải gánh chịu. Từ đó, có những chỉ đạo quyết liệt trên tình thần nhanh chóng ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Cùng thời gian này, Chủ tịch Quốc hội cũng triệu tập 2 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bất thường và tổ chức tham vấn của các chuyên gia để đưa ra những chính sách chưa từng có, cho phép Chính phủ được vận dụng một số cơ chế đặc thù phục vụ công tác chống dịch, hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và phục hồi sản xuất.

Điều đó cho thấy, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế thấp nhất những tổn thương cho người dân trước tác động của dịch bệnh luôn là mục tiêu cao nhất được đặt ra trong chính sách phòng chống dịch. Mặc dù, ai cũng hiểu rằng để làm được điều này là một việc vô cùng khó khăn. Khi hơn 85.500 doanh nghiệp trong nước rút khỏi thị trường, riêng TP.HCM có tới 24.000 doanh nghiệp. Có nơi như Cần Thơ, hơn 95% doanh nghiệp đóng cửa, là những con số mà dù người lạc quan nhất cũng không khỏi lo lắng. Nhưng với thông điệp thích ứng an toàn với dịch bệnh của Thủ tướng Chính phủ sẽ là thay đổi mang tính chiến lược, là cơ sở để những bế tắc của doanh nghiệp được khơi thông, những rào cản liện quan đến Covid-19 được tháo gỡ, giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.

Những chốt chống dịch ở Hà Nội hay TP.HCM và các địa phương đã đang được tháo gỡ không chỉ trả lại vẻ bình yên vốn có của cuộc sống, mà còn là tinh thần quyết tâm, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để mở cửa trở lại. Nhưng phục hồi nền kinh tế không đơn giản như việc bung ra hay khép lại cái hàng rào chốt kiểm dịch. Công cuộc đầy kỳ vọng này đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao độ và sự chung tay trên dưới một lòng từ Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp. Những gói trợ cấp của Chính phủ cần đến tay người dân và doanh nghiệp nhanh nhất có thể để không chỉ giúp người lao động vượt qua khó khăn, mà còn kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế. Đó cũng là cách để thu hút người lao động trở lại nhà máy, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng. Cùng với đó là các chính sách về tài chính, ngân hàng cũng cần phải điều chỉnh linh hoạt, giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh gượng dậy khi đại dịch đi qua.

Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm rất cao khi yêu cầu giải ngân 240 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chỉ trong 3 tháng cuối năm với kỳ vọng lấy đây là cú hích để nền kinh tế phục hồi. Bởi ai cũng biết rằng, cứ một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của xã hội. Đầu tư công từng đóng góp đến 53,3% tăng trưởng cho nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020. Đây là một thách thức rất lớn khi chỉ 3 tháng mà phải giải ngân bằng 9 tháng trước đó. Nhưng cho dù là thách thức thì dứt khoát phải để cho những đồng vốn đầu tư công thực đúng nghĩa là đòn bẩy để dẫn dắt tăng trưởng cho nền kinh tế nhanh chóng khôi phục và phát triển như kỳ vọng.

Cả nước đang hướng tới mục tiêu thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của từng người dân và mỗi tổ chức, doanh nghiệp, để chúng ta sớm vượt qua đại dịch, từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều