Chống dịch, hậu cần bệnh viện đi… bốc vác, hứng cả ủng mồ hôi mỗi ngày
Là nhân viên của phòng công tác xã hội Bệnh viện Đà Nẵng, anh Nguyễn Đình Quốc không ngờ có thời điểm mình lại ngày ngày ở cạnh những bệnh nhân nhiễm virus corona.
Anh em luôn trong tâm thế sẵn sàng, mọi nhu cầu cá nhân đều phải gạt bỏ mỗi khi bắt đầu vào ca làm việc.
Anh NGUYỄN ĐÌNH QUỐC
Cuộc chiến chống COVID-19 ở Đà Nẵng đổi thay từng ngày, buộc các nhân viên y tế phải thích ứng trong tâm thế sẵn sàng ra trận.
Chọn ở lại
Ngày Bệnh viện Đà Nẵng bị phong tỏa, khoảng 1/3 số lượng nhân viên y tế ở đây được đưa đi cách ly y tế tại các khách sạn ven biển Đà Nẵng. Anh Quốc chọn ở lại vì muốn ưu tiên cho những người đồng nghiệp nữ có điều kiện được cách ly tốt hơn. Đồng thời vì nghề công tác xã hội, quen chạy những công việc hậu cần, anh nghĩ sẽ tốt hơn nếu mình ở lại cùng làm việc với mọi người.
Công việc hậu cần trong hình dung ban đầu cũng không khác mấy với thực tế trong những ngày cách ly. Thực chất anh cùng đội của mình làm công việc hậu cần ở vòng ngoài, lo tiếp tế lương thực, thuốc men cho hơn 1.000 bác sĩ, bệnh nhân và người nhà trong thời gian đầu bệnh viện bị phong tỏa.
Thế nhưng chỉ sau vài ngày, một điều bất ngờ không ai nghĩ tới chính là tấm lòng của người dân thành phố dành cho những thầy thuốc quá lớn, thành ra hàng từ bên ngoài gửi vào chất cao như núi.
Trong gần nửa tháng, cuộc gọi nào cho anh cũng nghe tiếng thở dốc vì “đang đi bốc vác em ơi”.
Anh Quốc nói rất nhiều hàng tiếp tế được gửi từ những bệnh nhân các tỉnh miền Trung đã từng điều trị ở đây. Khi nghe tin bệnh viện bị phong tỏa, họ mua vội những lon sữa, lọ nước yến để gửi về những người thầy thuốc đã cứu mình.
“Có nhiều người điều trị ở đây đã lâu gửi hàng về, nhưng bác sĩ đã chuyển sang các khoa phòng khác, mình phải phân chia lại. Nhận cả chục tấn hàng mỗi ngày nên để làm cho trôi việc thì phải làm nghiệp vụ bưu điện để không thất lạc, vì ở đây có tới hơn 20 khoa phòng” – anh Quốc nói.
Mỗi ngày mang một đôi ủng nước
Có 8 năm làm kỹ thuật viên chạy thận trước khi được phân về làm nhân viên phòng công tác xã hội Bệnh viện Đà Nẵng, anh Quốc ít nghĩ mình có cơ hội trở lại công việc cũ. Làm hậu cần vòng ngoài, anh càng không nghĩ đến việc mình có cơ hội đối mặt bệnh nhân COVID hằng ngày.
Thế nhưng diễn biến thay đổi quá nhanh, Bệnh viện Đà Nẵng liên tiếp ghi nhận những bệnh nhân COVID-19 mới có liên quan đến khoa thận nhân tạo gồm cả bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế.
Lực lượng khoa thận nhân tạo bị “sứt mẻ”, trong khi đơn vị chạy thận mới ở bệnh viện dã chiến huyện Hòa Vang được thành lập để lọc máu cho 30 bệnh nhân COVID-19 ở đây.
Anh Quốc lần đầu tiên “tham chiến” trực tiếp vì là nhân lực “sạch”. Công việc mỗi ngày của anh và êkip tại trung tâm chạy thận ở đây là ở cùng các bệnh nhân mỗi ngày hai ca, mỗi ca từ 3-4 tiếng trong căn phòng lọc máu.
Quá trình này, những kỹ thuật viên như anh phải túc trực bên cạnh vừa để lo “set up” máy móc, từ luồn kim, đo huyết áp và theo dõi mọi diễn biến của bệnh nhân. Cả nhóm phải căng mắt dõi theo những thông số trên máy, bởi người chạy thận không những mang “bệnh kép” mà còn rất nhiều bệnh nền do tổn thương thận gây ra.
“Cũng không có gì khó khăn, vì đây là nghề của mình, nhưng mỗi tội căng thẳng vì mang đồ bảo hộ nóng quá. Ngày hai ca, trước khi vào ca, mình uống 4 chai nước điện giải, nhưng hết ca không muốn đi vệ sinh. Vì sao ư? Vì mồ hôi theo đồ bảo hộ xuống cả một ủng” – anh Quốc kể.
TRƯỜNG TRUNG/TT