+
Aa
-
like
comment

Chọn nhân sự Đại hội Đảng XIII: Muốn tường minh phải dựa vào nhân dân

30/10/2020 15:27

Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau), tại Đại hội Đảng, hình thức để các đại biểu dự Đại hội tiếp cận thông tin về nhân sự được đề cử phải được đổi mới hơn. Làm sao thông tin về nhân sự được công khai rộng rãi hơn, đầy đủ hơn để đại biểu có điều kiện nghiên cứu, lựa chọn.

LTS: Tiếp tục loạt bài “Lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng XIII: Làm sao loại bỏ những cán bộ ‘thấy đỏ tưởng chín’?”, PV có trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) xung quanh vấn đề này.

Bài 4: Muốn tường minh phải dựa vào nhân dânThưa ông, nhìn từ kinh nghiệm Đại hội XII của Đảng, công tác nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương cũng được chuẩn bị bài bản qua các bước, nhưng vẫn có trường hợp mắc vi phạm khuyết điểm lọt vào, sau đó bị xử lý. Đó là bài học quan trọng trong việc lựa chọn nhân sự vào Trung ương nhiệm kỳ mới này?

Lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng XIII: Muốn tường minh phải dựa vào nhân dân - Ảnh 1.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: Lương Kết)

Phải chịu trách nhiệm từ lá phiếu giới thiệu- Đến nay, khâu chuẩn bị nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đến những vòng cuối cùng. Có thể nói kỳ này, công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được triển khai rất bài bản, chặt chẽ và thận trọng. Tuy nhiên từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy không loại trừ khả năng để lọt những người không xứng đáng, có vi phạm khuyết điểm tiếp tục luồn sâu, leo cao, trong đó có những người từng bị xử lý kỷ luật nhưng bằng nhiều cách, nhiều chiêu, họ tiếp tục tham gia các nấc thang quyền lực.

Cho nên vấn đề đặt ra đó là tính chịu trách nhiệm ở mỗi khâu trong công tác nhân sự, càng về giai đoạn sau tính chịu trách nhiệm càng phải cao. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, từng thành viên làm sao phải chịu trách nhiệm trong việc giới thiệu nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa sau.

Cơ chế đó chính từ kỹ thuật nhận diện các lá phiếu, khi cần thiết phải truy cứu trách nhiệm. Lá phiếu này phải chia làm hai phần, một phần là cuống phiếu, phần lá phiếu, khi cần truy cứu trách nhiệm thì hồi phiếu lại thì biết ngay người nào đã bỏ phiếu ủng hộ, giới thiệu người không xứng đáng, giới thiệu người đã mắc vi phạm khuyết điểm, từ đó quy trách nhiệm tới cùng dù người giới thiệu đã “hạ cánh an toàn” hay không.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: Quốc hội)

Khi làm ráo diết, mạnh mẽ, nghiêm khắc thì mới đủ sức răn đe đối với người lạm dụng quyền lực, lộng hành quyền lực mà bỏ qua những lợi ích của Đảng, của dân tộc, khi cố tình hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giới thiệu người không xứng đáng vào bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: Quốc hội)
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: Quốc hội)

Một điều rất quan trọng nữa là phát huy tính dân chủ, dân chủ thì đương nhiên sẽ chọn được đúng người, ít nhất cũng sẽ gần đúng, đó là quy luật. Dân chủ nghĩa là để cho người dân trong giới hạn một số lượng đông đảo hay một số lượng nhất định; nói dân chủ là công khai, minh bạch, mở rộng cho nhiều người được tham gia vào việc lựa chọn.

Dân chủ cũng để cho người được lựa chọn thực hiện quyền của họ một cách đàng hoàng, không phải làm chiếu lệ hay bị thúc ép.

Nhân dân là “lưới lọc” cán bộ tốt nhất

Mới đây tại Đại hội Đảng bộ Gia Lai, 2 lãnh đạo là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, sau khi bị kỷ luật Đảng nhưng vẫn có tên trong danh sách ứng cử vào Ban Chấp hành nhưng bị trượt. Sở dĩ Đại hội không lựa chọn nhân sự đã mắc khuyết điểm vì họ có thông tin. Từ câu chuyện trên, theo ông để Đại hội phát huy dân chủ và ý thức trách nhiệm của từng đảng viên dự Đại hội trong việc lựa chọn nhân sự, các Đại biểu phải được tiếp cận nhiều thông tin về các ứng cử viên?

– Thực chất để nắm bắt được nhân sự và quyết định bỏ phiếu lựa chọn hay không thì đại biểu phải có đầy đủ thông tin. Thông tin đó phải thực sự công khai, minh bạch, chứ không phải thông tin dưới dạng tài liệu mật. Tôi cũng từng đi dự Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, thấy hình thức đó cần phải được đổi mới, làm sao thông tin về nhân sự được công khai rộng rãi hơn, đầy đủ hơn để đại biểu có điều kiện nghiên cứu kỹ hơn.

Có người nêu ý kiến tôi thấy cũng xác đáng, đó là công khai danh tính, lý lịch những trường hợp được đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới để cho Đại hội lựa chọn (công khai tại địa phương và nơi làm việc của ứng viên-PV). Trước thời điểm Đại hội có thể công khai cho nhân dân biết để họ góp ý cho những đại biểu đi dự Đại hội Đảng. Đảng ta là Đảng của nhân dân, vì nhân dân, công việc của Đảng cũng là việc của nhân dân nên để nhân dân tham gia. Nhân dân không chỉ tham gia góp ý cho dự thảo Văn kiện của Đại hội mà góp ý cả về công tác nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương.

Tại sao Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân quy định chậm nhất trước ngày bầu cử 25 ngày, Hội đồng bầu cử phải lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội được, mà danh sách chính thức những người ửng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khoá mới lại không thể công bố trước để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến?

Từ thực tiễn này, cơ quan của Đảng có thể xem xét, nghiên cứu. Có như thế, các đại biểu dự Đại hội sẽ tự tin hơn, họ nhận diện được và quyết định lá phiếu lựa chọn người xứng đáng.

Đi kèm với đó, điều rất quan trọng là phải có cơ chế để bảo vệ và ngăn chặn hành vi phá hoại, gây rối, lợi dụng tính công khai để phá hoại, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo, nói xấu nhân sự. Việc tố cáo phải có bằng chứng, không sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhưng tôi tin nếu như chúng ta công khai danh tính những nhân sự do Ban Chấp hành Trung ương đề cử cho khóa mới thì có thể người dân sẽ giúp phát hiện ra những mặt trái mà các cơ quan của Đảng qua các vòng sàng lọc có thể chưa phát hiện ra.

Không có điều gì qua được tai, mắt được người dân, muốn tường minh phải dựa vào dân, lưới sàng lọc từ nhân dân sẽ giúp cho Đảng lựa chọn những nhân sự xứng đáng.

Việc công khai nhân sự Trung ương ra toàn dân là điều lý tưởng nhưng với điều kiện hiện nay, một việc vô cùng hệ trọng, nhạy cảm và phức tạp như vậy khó có thể thực hiện ngay mà cần thời gian. Theo ông hiện nay danh tính nhân sự được đề cử vào Trung ương có thể công khai trong nội bộ Đảng được không, để các đảng viên cùng đánh giá, sàng lọc người tương xứng?

– Việc công khai công tác nhân sự hiện nay có thể trong phạm vi nội bộ của Đảng, còn nếu công khai ra toàn dân là tốt nhưng cơ chế phòng ngừa hiện nay chúng ta chưa xây dựng được thì chỉ nên công khai trong nội bộ Đảng. Nghĩa là danh sách nhân sự đó được gửi xuống từng chi bộ để cho các đảng viên ở các chi bộ Đảng, các tổ chức cơ sở Đảng cùng giúp đánh giá, sàng lọc, lựa chọn người xứng đáng. Theo tôi đây là một hình thức chúng ta có thể thực hiện được.

Xin cảm ơn ông (!)

“Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền…”.

Trích bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12 khóa XII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Lương Kết – Thành An

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều