Choáng ngợp với những ‘ngôi làng Euro’
Dọc các huyện nằm sát quốc lộ 1 qua tỉnh Nghệ An, có những ngôi làng được gọi bằng tên rất Tây: ‘làng Euro’. Nhiều người khi vô tình đi lạc vào các ngôi làng này đều choáng ngợp trước những ngôi nhà bề thế, không khác gì toà lâu đài.
Thế nhưng đằng sau sự hào nhoáng, giàu có ấy là một câu chuyện dài về hành trình xuất ngoại “chui” mưu sinh đầy bất trắc.
Nhà nhà, người người “xuất ngoại”
Xã Đô Thành thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An neo bên con đường dẫn từ quốc lộ 1 lên các huyện miền Tây xứ Nghệ. Dù là một xã thuần nông, nhưng khó có thể tả được vẻ sầm uất của vùng đất này.
Chúng tôi về Đô Thành ngay trong thời điểm mà cả xã gần như phải dành hết thời gian để nghe ngóng thông tin về chuyến xe định mệnh chở 39 lao động nhập cư trái phép vào Anh và gặp nạn. Sự âu lo, sốt ruột hằn hiện trên từng nét mặt không chỉ của những người thân có con em còn mất liên lạc mà ngay cả những cán bộ xã.
Ông Nguyễn Văn Hà – chủ tịch UBND xã Đô Thành nói hiện toàn xã có hàng ngàn lao động đang toả ra khắp thế giới để bán sức kiếm tiền gửi về xây dựng quê hương. Trong số này lượng lao động đi các nước khối châu Âu, trong đó có Anh lên tới gần 1.500 người.
“Một số thì đi theo diện chính ngạch nhưng thực tế thì đi chui, đi theo đường dây trái phép cũng không ít. Dù đi ở xa có tiền gửi về nhưng ở quê hương người thân luôn âu lo, thấp thỏm”, ông Hà nói.
Khi làn sóng đi xuất ngoại làm ăn đem về những món tiền lớn, vào những năm 2005-2009 lũ lượt thanh niên Đô Thành ôm khăn áo lên đường ra nước ngoài làm ăn. Hầu như mỗi hộ gia đình ở xã này đều có người thân đi xuất khẩu lao động.
“Trước đây đích đến của người dân là Đài Loan, Hàn Quốc nhưng nay là Đức, Anh. Trong các nước khối châu Âu, Anh là đích đến được nhiều con em lựa chọn nhất bởi thu nhập cao, nếu mọi việc suôn sẻ thậm chí một năm mỗi lao động có thể kiếm được cả tỉ đồng”, ông Hà nói.
Từ Đô Thành tới…. đô thành
Không ai biết con số chính xác nguồn thu nhập mà người dân ở xã Đô Thành đã tạo ra từ nguồn đi lao động ở nước ngoài. Thế nhưng nhìn vào bộ mặt bên ngoài của các ngôi làng thì rất dễ bị choáng ngợp.
Từ một vùng quê nghèo với những mái nhà ngói xỉ cũ, tường vôi nằm lụp xụp dọc các cánh đồng, Đô Thành này chẳng khác gì chốn…đô thành. Những cái tên như xóm Đông Thị, xóm Gia Mỹ…luôn gợi lên trong đầu người dân ở xã về những vùng sầm uất, những ngôi nhà không khác gì toà lâu đài.
“Đông Thị là xóm giàu có nhất của toàn xã, những ngôi nhà xây vài ba tỉ đồng không hiếm. Trước đây Đô Thành được xem như vùng “bờ xôi ruộng mật”, một vựa lúa 4 mùa của tỉnh Nghệ An thì nay đã rất khác.
Những cánh đồng bị bỏ hoang, dân chỉ cày cấy 2 vụ thay vì 4 vụ như trước đây. Mà người làm ruộng cũng không hẳn là vì cuộc sống, nhiều hộ làm chỉ để… cho khuây khoả, cho có “hương vị nhà nông”, ông Phan Trọng Nguyên – trưởng xóm Đông Thị nói.
Vị trưởng xóm này cũng cho biết, có đến 99% trong tổng số gần 500 hộ gia đình của xóm có con em đi nước ngoài, gia đình ông cũng có một người con hiện đang làm ăn ở một nước châu Á.
Giọng đượm buồn, ông Nguyên nói rằng hầu hết thanh niên lớn lên đều đi làm ăn xa nên người trong xóm bây giờ toàn trẻ con, người già. Đó cũng là lý do mà có những ngồi nhà xây khang trang dù trong đó chỉ vài người ở, hoặc quanh năm chủ nhà mới về nước và mở cửa ở một lần tại Đô Thành.
“Người dân ở xã Đô Thành không hiếm gia đình phải thuê “ôsin” y hệt như các gia đình sống tại thành phố”, ông Nguyên cười nói.
Chủ tịch UBND xã Đô Thành nói rằng thấy dân giàu có, khấm khá thì ai cũng mừng. Vào nhà nào cũng nhà lầu, nhiều hộ sắm được xe hơi, mua được đất ở thành phố thì tự hào lắm nhưng âu lo cũng không ít. “Không ít các trường hợp đã dứt áo ra đi tìm xứ người và ngày về của họ nằm trong các chai lọ, di ảnh”, ông Hà trăn trở.
Những ngày dài hơn thế kỷ
Xã Đô Thành là một trong hai tâm điểm chú ý của cả thế giới trong những ngày xảy ra vụ việc 39 thi thể trong thùng container ở Anh. Ba hộ gia đình ở đây có con em bị “mất liên lạc”. Có nhiều manh mối và thông tin cho rằng những lao động kém may mắn này nằm trong thùng container của chuyến xe chở người di cư vào Anh bất hợp pháp ấy.
Từ khi có con em bị mất liên lạc, nỗi âu lo nặng nề bủa xuống các hộ gia đình. Những bàn thờ “gió” kèm di ảnh của người chưa rõ sống chết đã được lập lên. Đó là những giây phút đau đớn, trĩu nặng và ngày dài hơn thế kỷ – phản ánh một bức tranh rất khác đằng sau những mất – được của làn sóng xuất khẩu lao động tại các vùng quê như Đô Thành.
(Theo Tuổi Trẻ)