Choáng ngợp trước thảm hoa tím ngợp trời ở Tà Chì Nhù
Hình ảnh thảm hoa tím ở Tà Chì Nhù trải dài bất tận, mênh mông và hút mắt chẳng thua kém gì những cánh đồng hoa oải hương ở Pháp.
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng xôn xao về thông tin một loài hoa đẹp không tên mọc ở Tây Bắc, hoa có màu tím thơ mộng giống như lavender mọc bạt ngàn ở ven những triền dốc trên đường lên đỉnh núi Phú Lương, hay còn được giới du lịch bụi gọi là Tà Chì Nhù (Trạm Tấu, Yên Bái). Đây là ngọn núi cao thứ 7 Việt Nam với độ cao 2979m.
Thảm hoa tím ngợp trời được mọi người biết đến sau khi một người dùng Facebook có tên là Minh Quân công bố trên hội leo núi. Trước đây, khi hỏi đồng bào người Mông được thuê làm hướng dẫn viên về tên loài hoa này thì chỉ nhận được câu trả lời là “Chi Pâu” tiếng Mông nghĩa là không biết.
Có khá nhiều câu chuyện về “sự tích” loài hoa Chi Pâu được chia sẻ trên mạng, tuy nhiên vẫn chưa có ai xác nhận được sự thật của những câu chuyện này, thậm chí có người còn cho rằng đó chỉ là một nguồn gốc do vị khách du lịch vui tính nào đó “sáng tác” nên mà thôi.
Theo như tìm hiểu, loài hoa này có tên chính xác là Swertia hoặc cỏ Mật Rồng hay Đại Tử Đương Dược (nghĩa là cây thảo dược có hạt lớn), là một chi thuộc họ Long đởm thảo-Gentianaceae.
Theo đó, loài hoa này được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1883, là một loại thuốc dân gian truyền thống ở vùng Tây Tạng, Vân Nam và Quý Châu (Trung Quốc).
Ở Việt Nam, họ Long đởm mọc rất phổ biến ở khu vực núi cao phía Bắc, là một họ thực vật có hoa chứa khoảng 99 chi và khoảng 1.740 loài, đặc trưng nhận dạng là hoa của chúng có hình tia đối xứng và lưỡng tính với các đài hoa, cánh hoa liền và các nhị hoa trên tràng so le với các thùy tràng hoa, được sử dụng trong y học cổ truyền và làm hương liệu.
Tại Tà Chì Nhù, do mọc nhiều, vào mùa hoa nở tạo nên một thảm thực vật màu tím vô cùng đẹp mắt nên đã nhận được sự chú ý của rất nhiều người.
Vân Anh/PT