Cho tới hiện tại, tiêm vaccine vẫn là phương pháp tối ưu chống lại Delta và Omicron
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trước khi có những phương pháp mới thì vaccine là giải pháp then chốt giúp ngăn ngừa biến chủng Delta và Omicron.
Ngày 4/12, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến “Tăng cường công tác an toàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19” với các cơ sở y tế tại 800 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.
Vaccine thay đổi cục diện chống dịch ở Việt Nam
Mở đầu buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh đây là hội nghị quan trọng, diễn ra trong thời điểm nhạy cảm. Bởi nguy cơ từ biến chủng nCoV mới xuất hiện, trong nước cũng xảy ra một số tình huống tai biến sau tiêm.
Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh: “Vaccine là giải pháp then chốt ngăn ngừa Covid-19. Theo khuyến cáo của WHO, tiêm chủng vaccine là phương pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng Covid-19, kể cả các biến chủng mới, bao gồm Delta và mới đây là Omicron”.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhắc lại thời điểm làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 (từ ngày 27/4). Lúc này, Việt Nam chỉ mới đạt độ bao phủ khoảng 30% dân số trên 18 tuổi tiêm mũi 1.
Tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, Chính phủ đã áp dụng tinh thần Nghị quyết 86 và Chỉ thị 16 tại các địa phương, từ Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, sau đó là TP.HCM và 19 tỉnh, thành phía Nam.
Đến ngày 1/10, với tỷ lệ phủ vacicne đạt mức cơ bản, tuyến y tế cơ sở được nâng cấp, đặc biệt là các trạm y tế lưu động được hình thành, việc phát hiện, chăm sóc F0 tại nhà tốt hơn, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 128 với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát Covid-19 hiệu quả.
Song song đó, Việt Nam cũng tăng cường công tác mua sắm trang thiết bị y tế, nguồn hỗ trợ vaccine từ Covax Facility, đặc biệt là chiến lược “ngoại giao vaccine” từ các lãnh đạo Nhà nước đã mang về lượng vaccine khổng lồ.
Điều này giúp Việt Nam tổ chức chiến dịch tiêm chủng diễn ra đồng loạt tại các địa phương. Đến đầu 3/12, cả nước đã tiêm khoảng 130 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt khoảng 93% và mũi 2 là 57%.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh số ca mắc Covid-19 đang có chiều hướng tăng nhanh trở lại ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều sự lo lắng, đó là số ca mắc bùng phát trở lại ở nhiều nước trong đó có Việt Nam, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng mới như Omicron khiến lo lắng hơn.
“Tuy nhiên, chúng ta biết rằng giải quyết lo lắng hiệu quả khi phối hợp hài hòa các giải pháp, trong đó, vaccine vẫn là công cụ quan trọng nhất để vượt qua sự lo lắng này”, ông Kidong Park nhấn mạnh.
Trưởng đại diện WHO chỉ ra 5 công cụ hiệu quả trong phòng, chống đại dịch Covid-19, gồm: Vaccine, biện pháp công cộng xã hội (5K của Việt Nam), quản lý ca bệnh và quy trình chăm sóc bệnh nhân, giám sát, kiểm soát đường biên giới.
Trong số công cụ này, ông Kidong Park nhấn mạnh vaccine tạo ra sự thay đổi cục diện dịch, khi phối hợp 5K sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất bảo vệ tính mạng con người trong đại dịch.
Giảm tối thiểu sự cố sau tiêm
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết từ khi bắt đầu triển khai tiêm vaccine đến nay, Bộ Y tế đã hơn 4 lần tổ chức buổi tập huấn về an toàn tiêm chủng.
Theo ông, công tác an toàn tiêm chủng có sự tham gia của chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, tim mạch, huyết học, dược.
Nhiệm vụ của các chuyên gia là cập nhật, sửa đổi các quy định khám sàng lọc trước tiêm, hướng dẫn xử lý bất lợi sau tiêm. Đồng thời, các chuyên gia cũng hỗ trợ xử lý các sự cố bất lợi sau tiêm chủng, đào tạo cho các tuyến y tế từ trung ương đến địa phương.
Thứ trưởng nhấn mạnh ngành y tế cần nhận thức, có kỹ năng xử lý nếu có phản ứng bất lợi tai biến xảy ra sau tiêm. Thông thường, chúng ta luôn có Hội đồng chuyên môn để đánh giá, kết luận kịp thời. Đây là việc rất quan trọng mà trong thời gian qua, các địa phương đã làm rất tốt.
“Tuy nhiên, gần đây, đã có những sự cố đau thương, có tình huống phản ứng phản vệ sau tiêm khi triển khai chương trình vaccine hồi đầu tháng 11 với trẻ em. Trong đó, ghi nhận 3 trường hợp tử vong ở Hà Nội, Bắc Giang và Bình Phước”, Thứ trưởng Sơn nói.
Ông cho rằng sau khi phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến sốc phản vệ và công tác cấp cứu ở cơ sở tiêm chủng, việc tập huấn để có thể tăng cường năng lực xủ lý an toàn tiêm chủng là điều cần thiết.
“Chúng ta cần tăng cường kỹ năng, kiến thức chuyên môn để làm sao giảm tối đa trường hợp tử vong do sốc phản vệ, gây ảnh hưởng lớn đến chương tiêm chung quốc gia. Sau buổi tập huấn này, các địa phương cần rút kinh nghiệm đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn, hiệu quả”, ông Sơn nói.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh song song việc đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine, việc đảm bảo sự an toàn cần đặc biệt được chú trọng để duy trì sự tin tưởng của người dân với chương trình tiêm chủng.
“Chúng ta cần rút kinh nghiệm và cải thiện hơn nữa trong việc phát hiện xử trí biến cố bất lợi như sốc phản vệ, hội chứng giảm tiểu cầu huyết khối, viêm cơ tim”, ông Kidong Park nói.
Tính đến hết ngày 2/12, tổng số vaccine được tiêm tại Việt Nam là 125.857.027 liều. Trong đó, tiêm mũi 1 là 72.632.858 liều, tiêm mũi 2 là 53.224.169 liều. Tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 đạt 95% và mũi 2 là 70%.
Tiểu Ca