+
Aa
-
like
comment

Chợ đầu mối TP.HCM về hàng thấp kỷ lục?

25/09/2021 08:44

Hiện, lượng hàng về các chợ rất thấp do lo ngại dịch bệnh, nhiều quy định nghiêm ngặt… khiến tiểu thương các chợ đầu mối TP.HCM không muốn tham gia điểm trung chuyển. 

Là một trong 4 thương nhân kinh doanh trái cây đăng ký tham gia điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Thủ Đức, chị Phượng Hùng cho hay: “Vì lượng khách hàng ổn định sẵn từ trước nên khi tham gia điểm trung chuyển tôi không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một số quy định, thủ tục khiến lao động làm việc tại vựa gặp không ít vất vả”, chị nói.

Theo chị Hùng, khách đến chở hàng, chủ vựa và lao động đều phải có đủ giấy tờ, làm đủ thủ tục như xét nghiệm, đăng ký trước theo thời gian quy định mới được trung chuyển tại chợ. “Số lượng hàng giảm rất nhiều so với trước”, tiểu thương này nói.

Nhằm đảm bảo lượng hàng cung cấp cho người dân thành phố, từ đầu tháng 9, cả 3 chợ đầu mối: Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền đã mở điểm tập kết, trung chuyển hàng. Tuy nhiên, đến nay số lượng tiểu thương và hàng hóa về chợ rất hạn chế. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, ngày 22/9, lượng hàng về chợ vỏn vẹn chưa tới 1 tấn.

Hiện, cả 3 chợ đầu mối ở TP.HCM đã mở điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Ảnh: Chí Hùng.

Nhiều quy định gây khó

Anh Võ Văn Tèo Em, thương nhân kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối Bình Điền cho biết anh không đăng ký tham gia điểm trung chuyển tại chợ. “Thông thường thịt heo giết mổ xong vận chuyển về chợ phải được treo lên. Tuy nhiên điểm tập kết tổ chức tại sân giữa hai nhà lồng nên các thương nhân bán thịt heo như tôi không thể đăng ký tham gia được”, anh nói.

Tương tự, anh Lê Văn Chiến, thương nhân kinh doanh mặt hàng rau củ Đà Lạt tại chợ này cũng cho biết hiện nay chợ truyền thống chưa mở cửa, điểm trung chuyển không cho người dân đến mua nên dù đăng ký mở điểm trung chuyển anh cũng không biết bán cho ai.

“Trước đây vựa của tôi chủ yếu bán cho khách lẻ đến mua. Điểm tập kết trung chuyển chỉ phù hợp với người buôn bán sỉ cho khách số lượng lớn”, anh chia sẻ.

Với mặt hàng hải sản, chị Thủy, thương nhân kinh doanh tại chợ Bình Điền cũng cho rằng tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp, chưa có nhiều nguồn hàng để nhập. “Tôi cũng đã đăng ký với ban quản lý chợ nhưng sẽ chờ đến cuối tháng nghe ngóng tình hình như thế nào rồi mới quyết định”, chị nói.

Theo chị Thủy, hiện tại chỉ có mở quán ăn, uống, chợ truyền thống thì tiểu thương như chị mới có thể quay trở lại hoạt động nhiều hơn.

Trong khi đó, chị Lan, kinh doanh mặt hàng rau củ quả tại chợ đầu mối Hóc Môn cho biết để đăng ký hoạt động tại chợ chị phải đăng ký số lượng tiểu thương, xe hàng trước 12 tiếng, xét nghiệm 3 ngày/lần trước khi ra vào, chỉ xe tải mới được vào chợ… “Chưa kể, từ khi chợ đóng cửa đến nay tôi cũng chủ động bán hàng trực tiếp cho các mối nên cũng không có dự định đăng ký điểm trung chuyển”, chị nói.

Nhiều thương nhân cho rằng có quá nhiều quy định bắt buộc, trong khi chợ truyền thống chưa mở cửa khiến họ chưa muốn tham gia. Ảnh: Chí Hùng.

Đồng thời quy định đăng ký chậm nhất 12 tiếng trước giờ tập kết bao gồm thông tin chủng loại, số lượng hàng hóa, số xe tải, thương lái, giờ vào chợ để công ty bố trí, sắp xếp khiến nhiều tiểu thương gặp khó trong việc tập kết vì không thống nhất được giờ giấc với xe container chở hàng.

Theo dự kiến ban đầu, 16 thương nhân đăng ký hoạt động tại điểm trung chuyển chợ đầu mối Hóc Môn sẽ cung cấp cho thị trường TP.HCM khoảng 100-200 tấn rau củ quả mỗi ngày.

Tuy nhiên, ngày 20/9, đêm đầu tiên lượng hàng về chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 132 tấn nhưng xuất ra chỉ được 22 tấn, đêm thứ 2 giảm mạnh còn 5 tấn và đêm thứ 3 còn khoảng 300 kg hàng nhập chợ.

Bên ngoài nhộn nhịp, bên trong vắng vẻ

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ Đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho rằng vì nhiều quy định khó khăn khiến các thương nhân không mặn mà với việc đăng ký điểm trung chuyển.

“Trong khi đó, theo yêu cầu của cơ quan chức năng, cán bộ quản lý, bảo vệ hỗ trợ thương nhân vẫn phải duy trì xét nghiệm… khiến chi phí duy trì chợ bị đội lên cao”, ông nói.

Đặc biệt, ông Dũng cho hay hiện nay nhiều thương nhân chủ yếu tập kết bán hàng nhộn nhịp ở các khu vực bên ngoài chợ như dọc quốc lộ 22, Nguyễn Thị Sóc. “Bởi ở các khu vực này, tiểu thương tự do buôn bán thoải mái không cần phải xét nghiệm, không cần đăng ký trước cũng không có ai kiểm soát”, ông nói và cho biết điều này khiến nhiều thương nhân không muốn mang hàng tới điểm tập kết.

Theo giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, chính quyền địa phương phải ra quân mạnh tay xử phạt, dẹp bỏ việc buôn bán tự phát này mới giúp thương nhân quay trở lại chợ, từ đó lượng hàng về điểm trung chuyển sẽ tăng lên.

Tất cả người ra vào chợ phải xét nghiệm Covid-19 âm tính 3 ngày một lần. Ảnh: Y Kiện.

Cùng tình cảnh, tại điểm trung chuyển chợ đầu mối Thủ Đức ngày 17/9, tức ngày đầu mở lại, số lượng hàng nhập chợ khoảng 110 tấn nhưng chỉ xuất ra được gần 75 tấn. Những ngày sau đó, lượng hàng về chợ cũng chỉ dao động khoảng 60-70 tấn, tất cả đều chỉ là mặt hàng trái cây.

Ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức cho biết nhiều tiểu thương muốn bán trở lại nhưng do nhiều quy định trước khi vào chợ khiến họ ngại tham gia. Một số khác, do điều kiện cá nhân và tâm lý lo sợ dịch bệnh nên cũng chưa muốn đăng ký hoạt động.

Tương tự, chợ đầu mối Bình Điền ngày 7/9 mở điểm trung chuyển. Dự kiến chợ này sẽ cung ứng khoảng 210 tấn hàng/đêm nhưng sau gần 3 tuần đi vào hoạt động lượng hàng về chợ vẫn rất thấp, chỉ quanh mức 90-100 tấn/đêm.

Phải cố gắng duy trì hoạt động chợ đầu mối

Ngày 24/9, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết 3 chợ đầu mối sau khi được TP chủ trương đã tổ chức 3 điểm tập kết trung chuyển, hàng hóa. Đầu tiên là chợ Thủ Đức đến chợ Bình Điền và cuối cùng là chợ Hóc Môn.

Theo ông, số lượng hàng đưa về các chợ này có thời điểm tăng cao cũng có thời điểm giảm. Trong đó nguyên nhân chính do thị trường đầu ra của hàng hóa.”Thông thường, hàng về 3 chợ đầu mối được luận chuyển về các chợ truyền thống là chính nhưng hiện nay, hệ thống chợ ngừng hoạt động nên đầu ra gặp nhiều khó khăn. Thời gian này, các thương nhân tập kết hàng hóa tại 3 chợ chủ yếu đưa về các bếp ăn tập thể, bệnh viện, rất ít cửa hàng thực phẩm…”, lãnh đạo Sở cho biết.

Quan trọng nhất là phải cố gắng duy trì các điểm trung chuyển hàng hóa và từng bước mở rộng dần. Để tới đây khi thành phố mở rộng hoạt động chợ truyền thống, chúng ta sẽ có bước chuẩn bị để có thể đưa hàng hóa về nhanh chóng, phục vụ người dân.

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM.

Bên cạnh đó, do dịch diễn biến chưa lường hết nên một số thương nhân còn e ngại, chưa muốn quay lại kinh doanh. “Một số nhà cung cấp, người lao động của thương nhân ở các địa phương chưa quay về thành phố được do một số quy định cũng ảnh hưởng tới việc tổ chức nhân sự để hoạt động”, ông nhìn nhận.

Đồng thời, các quy định khi vào điểm trung chuyển này phải xét nghiệm, giãn cách, công tác kiểm tra khá chặt chẽ dẫn đến tâm lý e ngại, muốn chờ đợi các chợ mở lại bình thường mới quay lại hoạt động.

Các thương nhân hoạt động chỉ mới ở mức độ thăm dò thị trường. “Chính vì vậy, tinh thần là Sở Công Thương và địa phương có chợ đầu mối hoạt động sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cho các đơn vị này hỗ trợ thương nhân hoạt động”, ông nói.

“Quan trọng nhất là phải cố gắng duy trì các điểm này và từng bước mở rộng dần, chúng ta phải tìm hiểu đặc điểm của từng chợ, các khó khăn và nguyên nhân để có hướng giải quyết phù hợp. Để tới đây khi thành phố mở rộng hoạt động chợ truyền thống, chúng ta sẽ có bước chuẩn bị để có thể đưa hàng hóa về nhanh chóng, phục vụ cho người dân”, ông Phương nhấn mạnh.

Thanh Thương

Bài mới
Đọc nhiều