+
Aa
-
like
comment

Chịu tác động lớn nhưng kinh tế TP.HCM sẽ phục hồi nhanh hơn 13 tỉnh ĐBSCL

27/09/2021 06:01

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định như vậy và cho rằng, trước các khó khăn, đứt gãy của hàng loạt chuỗi ngành hàng nông sản ở ĐBSCL, các tỉnh ĐBSCL cần có một cách làm mới tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp.

Mặc dù chịu tổn thất rất lớn vì dịch Covid 19 nhưng TP.HCM sẽ phục hồi kinh tế nhanh hơn 13 tỉnh ĐBSCL do TP.HCM là một thực thể nên dễ dàng đưa ra một chiến lược phát triển, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc.

“Đây là dịp để 13 tỉnh ĐBSCL thử thách tư duy liên kết vùng trong một điều kiện đặc biệt. Nghị quyết 120 trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đặt ra cho chúng ta phải liên kết vùng. Ban Kinh tế Trung ương và Bộ NN-PTNT đang chuẩn bị sơ kết Nghị quyết 120. Nghị quyết này là liên kết vùng nhưng nhiều khi các địa phương chỉ mường tượng là đề nghị chính phủ đầu tư đường giao thông mà quên rằng, còn một cái lớn hơn là phát triển không gian kinh tế vùng. Không gian kinh tế thì không có địa giới hành chính” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và dẫn chứng: Một miếng cá tra phile xuất khẩu ra nước ngoài qua bao nhiêu công đoạn, con người… xuất phát từ bao nhiêu địa phương thì chúng ta chưa rõ. Bây giờ chúng ta có nhiệm vụ từng doanh nghiệp phải vẽ ra được một ma trận trong chiến lược phát triển sau đại dịch của mình”.

Các tỉnh ĐBSCL có rất nhiều ngành hàng lớn nhưng lại chưa có sự liên kết chặt chẽ (ảnh minh hoạ)
Các tỉnh ĐBSCL có rất nhiều ngành hàng lớn nhưng lại chưa có sự liên kết chặt chẽ (ảnh minh hoạ)

Từ thực tế vận hành của các tỉnh trong vùng ĐBSCL, lại có thời gian làm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan hiểu rõ những gì đang xảy ra đối với các hoạt động sản xuất nông sản ở ĐBSCL và khẳng định: “Sau đại dịch, TP.HCM sẽ phục hồi kinh tế nhanh hơn 13 tỉnh ĐBSCL, mặc dù TPHCM chịu tổn thất rất lớn vì dịch Covid 19. Vì sao? Vì TP.HCM là một thực thể nên dễ dàng đưa ra một chiến lược phát triển, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc. Nếu ĐBSCL vẫn tiếp tục tư duy như là 13 thực thể thì chúng ta sẽ bị cắt rời. Một chuỗi ngành hàng cá tra thôi chúng ta đã thấy lộ ra những vấn đề đó rồi. Chuỗi ngành hàng tôm, gạo, trái cây… cũng y như vậy”.

Vậy làm thế nào để biến thành 1 thực thể trong khi nó là 13 thực thể kinh tế? Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ông đã báo cáo Thủ tướng để Bộ NN-PTNT tạm thời giữ vai trò kết nối, liên kết để 13 tỉnh ĐBSCL trở thành một thực thể kinh tế.

Dẫn dắt câu chuyện về thành công của một số sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Nhiều người không hiểu được tại sao, Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Công Thương làm thành công nhiều đợt xúc tiến thương mại cho vải thiều Bắc Giang, vải Hải Dương, cho nhãn Hưng Yên. Bà con ở ĐBSCL thắc mắc sao không làm được cho nhãn, xoài cho ĐBSCL? Một lần nữa chúng ta bị cái bẫy cắt rời các thực thể. Bởi vải nằm trong Bắc Giang thôi, vải sớm hơn thì của Hải Dương, nó chỉ nằm trong một địa giới, một không gian, một thực thể. Còn chúng ta muốn đi lên mà rất nhiều thực thể thế này ai làm đầu mối? Chỉ trái xoài thôi mà Đồng Tháp, Tiền Giang; nhãn thì từ Cần Thơ qua Đồng Tháp, xuống Bến Tre cũng có. Các địa phương có hùn tiền làm sự kiện xúc tiến không chừng cũng phải mất 6 tháng mới làm được. Còn 1 tỉnh người ta đơn giản lắm. Nếu chúng ta không giữ vai trò điều phối của Bộ NN-PTNT và chính tư duy của chính các lãnh đạo địa phương là làm gì cũng phải nghĩ đến ông bạn hàng xóm của mình thì chúng ta không thể thành công.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm: “Thời tôi làm Bí thư Đồng Tháp cũng vậy, lâu lâu tỉnh lên liên kết với TP.HCM. TP.HCM là cái chỗ mà ai cũng chạy lên liên kết. Vậy tại sao 13 tỉnh không cùng đi với nhau? Mấy Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài họ phản hồi về là các tỉnh đừng đi chào hàng, xúc tiến thương mại như xưa nay vẫn làm nữa, không hiệu quả đâu. Một tỉnh đi qua Nhật, tỉnh khác đi qua Australia đều không hiệu quả. Tư duy chúng ta đã cắt khúc rồi. Các anh ở sứ quán nói, sao 13 tỉnh không cùng đi, một ngành hàng đi cùng nhau vì một tỉnh đi thì sản lượng có bao nhiêu đó, rồi mai các ông tỉnh khác cũng tính sản lượng của địa phương mình rồi đi chào hàng.

Bộ trưởng tiếp tục câu chuyện của mình: “Tôi đi nhiều tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp hay Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách nông nghiệp trong phần báo cáo chắc chắn có mấy câu: lúa bao nhiêu ha, sản lượng bao nhiêu, cá bao nhiêu ha, sản lượng bao nhiêu, trái cây cũng vậy. Các địa phương nghĩ rằng đó là tài sản của mình, đó là kinh tế của mình. Nhưng theo tôi, con tôm, con cá ở dưới ao, lúa trên đồng, trái trên cây thì chưa thể hiện bức tranh kinh tế của địa phương đó. Chừng nào nó đến được thị trường thì mới tạo ra giá trị tăng trưởng cho địa phương. Mà muốn các sản phẩm này đến được thị trường thì nó trải qua một hệ thống chằng chịt các khâu từ nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, đến nhà máy, chưa kể đầu ra là logistics, bến cảng, xuất khẩu… Trong lúc này các địa phương đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc xây dựng kịch bản hay đề án phục hồi kinh tế thì nhân dịp này tư duy lại vấn đề này”.

“Bộ NN-PTNT chỉ giữ vai trò chỉ đạo sản xuất, đó là chức năng lớn nhất. Tôi có trao đổi với Thứ trưởng Trần Thanh Nam – Tổ trưởng tổ 970 về kết nối tiêu thụ nông sản, trong vùng dịch vừa qua mới thấy rằng, chỉ đạo sản xuất không phải là cái quyết định mà chuỗi thị trường mới là quyết định cả hệ sinh thái” – người đứng đầu ngành nông nghiệp cho hay.

An Nhi 

Bài mới
Đọc nhiều