Chịu sức ép khổng lồ từ Mỹ: TQ ngậm ngùi “bỏ rơi” dự án dầu mỏ 5 tỉ USD với đối tác lâu năm
Sức ép từ cấm vận Mỹ đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại và thỏa thuận hợp tác đầu tư của Trung Quốc với các nước khác.
Bất ngờ rút lui
Ngày hôm qua (6/10), Bộ trưởng Dầu mỏ Iran cho biết Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã rút khỏi thỏa thuận trị giá 5 tỉ USD trong dự án phát triển South Pars khu khai thác khí ga thiên nhiên ngoài biển của Iran.
Đây được coi là tổn thất mới nhất của hai phía Iran – Trung Quốc sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với nhóm P5 1. Vụ việc cũng xảy ra giữa thời điểm Bắc Kinh và Washington vẫn chưa kết thúc cuộc chiến tranh thương mại dai dẳng, khiến hàng loạt hàng hóa của Trung Quốc và Mỹ chịu hàng tỉ USD thuế quan.
Hãng tin SHANA dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh cho biết, CNPC đã “không còn tham gia dự án”.
Ông không đưa ra lí do hoặc nguyên nhân cụ thể và các quan chức Bắc Kinh cũng chưa phản hồi về quyết định này. Trong khi đó, trang web của CNPC chưa thông tin về việc rút khỏi dự án ở Iran.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 6/10, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã phàn nàn về sức ép từ phía Mỹ đối với Tehran và ảnh hưởng của động thái này đối với đầu tư nước ngoài tại Iran.
“Chúng tôi đang gặp nhiều vấn đề về đầu tư khai thác dầu khí do chính sách áp lực tối đa của Mỹ. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết,” ông Zarif trả lời trước quốc hội.
Nhà phân tích chính trị Saeed Leilaz nhận định, mặc dù Trung Quốc rút khỏi dự án nói trên nhưng “Trung Quốc vẫn sẽ là đối tác thương mại chủ chốt của Iran”.
Ông Leilaz cho biết một phần lớn doanh thu bán dầu khí sang Trung Quốc từ giai đoạn trước đây vẫn chưa được chuyển tới Iran. Nhờ đó, Tehran có thể mua hàng hóa cần thiết từ Trung Quốc mà không phải chuyển tiền từ Iran sang, giúp hệ thống ngân hàng Iran tránh vi phạm cấm vận Mỹ.
Được biết, Iran là quốc gia có mỏ khí ga thiên nhiên lớn thứ 2 thế giới và có mỏ dầu lớn thứ 4 thế giới.
Hầu hết khí ga thiên nhiên ở nước này đều tới từ mỏ South Pars. Iran và Qatar đều cùng khai thác ở khu vực này. Kế hoạch ban đầu để phát triển khai thác South Pars bao gồm việc xây dựng 20 giếng khai thác khí và 2 giàn đầu giếng. Khi hoàn thành, dự án có thể khai thác 56 triệu m2 khí thiên nhiên mỗi ngày.
Iran bị “bủa vây”
Theo thỏa thuận ban đầu, tập đoàn dầu mỏ Total (Pháp) nắm 50,1% cổ phần, CNPC nắm giữ 30% và công ty Petropars của Iran có 19,9% cổ phần.
Sau khi Total rút lui, CNPC chịu trách nhiệm đầu tư cả phần của tập đoàn Pháp. Tuy nhiên, nếu thông báo về việc CNPC rút khỏi dự án là thật, thì công ty Iran sẽ phải “tự lực cánh sinh” trong việc phát triển khu mỏ này.
Tập đoàn Total lần đầu tiên rút khỏi Iran vào năm 2006 sau khi cấm vận của Liên Hợp Quốc bắt đầu có hiệu lực do lo ngại các chương trình hạt nhân Iran có thể dẫn tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Tehran khẳng định rằng chỉ sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Iran hủy bỏ một thỏa thuận khác với CNPC vào năm 2012 giữa bối cảnh hàng loạt cấm vận quốc tế khác được tăng cường trước khi các bên đạt được thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran hơn 1 năm trước, Mỹ đã áp một cấm vận khắc nghiệt đối với Iran, cấm nước này bán dầu mỏ ra nước ngoài. Đòn “tấn công” của Mỹ đã khiến nền kinh tế Iran bị suy thoái nghiêm trọng.
Vì lý do đó, Iran đã bắt đầu phá vỡ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân. Cuối tháng 9, Mỹ cấm vận một số hãng vận tải Trung Quốc vì cho rằng những công ty này đang vận chuyển trái phép dầu thô Iran.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đổ lỗi và cáo buộc Iran đứng đằng sau các vụ tấn công trên khắp khu vực Trung Đông. Căng thẳng đạt đỉnh điểm vào ngày 14/9, khi một tên lửa và một drone tấn công cơ sở sản xuất dầu mỏ của Ả Rập Saudi, khiến giá dầu tăng đột biến với tỉ lệ cao nhất từ sau Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Mặc dù lực lượng Houthi của Yemen nhận trách nhiệm nhưng Ả Rập Saudi vẫn khẳng định rằng “Iran rõ ràng đã tài trợ cho vụ tấn công”.
Iran phủ nhận trách nhiệm, cảnh báo bất kì đòn tấn công trả đũa nào nhằm vào Iran cũng sẽ dẫn tới một “chiến tranh toàn diện”.
Hồng Anh/Soha News