Chính trường Ukraine: Mỹ ra đòn “chưa từng có” với Nga?
Một khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ sẽ dùng công cụ trừng phạt khắc nghiệt nhất là đưa một số cá nhân và công ty Nga vào danh sách Công dân bị chỉ định đặc biệt (SDN).
Nhà Trắng ngày 20-2 xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý về mặt nguyên tắc để tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Putin xoay quanh vấn đề Ukraine, miễn là Moscow không tấn công Kiev.
“Chúng tôi luôn sẵn lòng tham gia các giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẵn sàng trừng phạt mạnh tay và nhanh chóng nếu Nga chọn chiến tranh” – Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố.
Theo tạp chí Politico, các lực lượng do Nga hậu thuẫn hôm 20-2 tăng cường pháo kích vào nhiều khu vực của Ukraine giữa lúc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt các lực lượng của họ vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Những diễn biến trên xuất hiện trong lúc 190.000 binh sĩ Nga tiếp tục di chuyển về biên giới Ukraine từ gần như mọi phía, theo tình báo Mỹ. Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng khẳng định với đài ARD (Đức) rằng “mọi dấu hiệu” cho thấy Nga đang lên kế hoạch tấn công toàn diện Ukraine, bởi Nga đang điều thêm binh sĩ đến biên giới Ukraine chứ không phải rút bớt như tuyên bố.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba thể hiện lập trường cứng rắn với Moscow khi nhấn mạnh Ukraine quyết không từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO. Ông Kuleba đồng thời cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu Nga tấn công Ukraine bởi khi đó, lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ được áp đặt “ngay tức thì” và Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tiết lộ một vài chi tiết liên quan đến gói trừng phạt được sử dụng trong trường hợp Moscow tấn công Kiev.
“Nga về nguyên tắc sẽ bị loại khỏi các thị trường tài chính quốc tế” – bà von der Leyen khẳng định, đồng thời cho biết lệnh trừng phạt cũng sẽ nhằm vào “tất cả hàng hóa chúng tôi sản xuất mà Nga đặc biệt cần để hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế của họ”.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã chuẩn bị. Reuters dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết trong khuôn khổ gói trừng phạt đầu tiên, các tổ chức tài chính Mỹ có thể bị cấm xử lý giao dịch cho các ngân hàng lớn của Nga.
Washington còn lên kế hoạch sử dụng công cụ trừng phạt khắc nghiệt nhất của Mỹ để đưa một số cá nhân và công ty Nga vào danh sách Công dân bị chỉ định đặc biệt (SDN) – đồng nghĩa với việc loại họ khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ, cấm họ giao thương với công dân Mỹ và đóng băng tài sản của họ ở Mỹ.
Theo luật sư người Mỹ Kay Georgi, những biện pháp trừng phạt nêu trên có thể khiến kinh tế Nga chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là khi phần lớn giao dịch thương mại toàn cầu được thực hiện bằng USD.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định gói trừng phạt “khắc nghiệt chưa từng có” của Washington chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Putin “chùn tay”. “Lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân, tổ chức tài chính sẽ gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế Nga và chính phủ của họ” – Phó Tổng thống Harris tuyên bố tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức.
Dù vậy, bà Harris thừa nhận người dân Mỹ có thể chịu một phần tác động, bởi Nga là quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Cảnh báo trên được đưa ra giữa lúc giá cả hàng hóa và dịch vụ Mỹ leo thang vì lạm phát cao kỷ lục trong 40 năm trở lại đây.
Thị trường thế giới nhạy cảm
Các chỉ số chứng khoán khu vực châu Á – Thái Bình Dương biến động hôm 21-2 khi các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình căng thẳng ở Ukraine.
Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 0,78% cuối phiên giao dịch hôm 21-2 trong khi chỉ số Topix giảm 0,71% và chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm nhẹ xuống mức 2.743,80 điểm. Ở những nơi khác, chỉ số S&P/ASX 200 của Úc tăng hơn 0,16% cuối phiên hôm 21-2 trong khi chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) giảm 0,3%. Theo đài CNBC, tâm lý của các nhà đầu tư trong khu vực có thể đã được cải thiện sau khi nghe tin về hội nghị thượng đỉnh tiềm năng giữa Mỹ và Nga.
Các đồng tiền châu Á như baht (Thái Lan), peso (Philippines) và đô la Singapore tăng giá nhờ hưởng lợi từ tia hy vọng mà hội nghị thượng đỉnh nói trên mang lại. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại khiến các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước bất kỳ diễn biến nào ở Ukraine, cùng với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt.
Rủi ro địa chính trị gia tăng kết hợp với lo ngại lạm phát diện rộng đã đè thêm áp lực lên thị trường châu Á trong những tuần gần đây. Trong khi đó, các nhà phân tích tại ngân hàng Brown Brothers Harriman (Mỹ) nhận định đồng USD sẽ tăng giá nếu khủng hoảng biên giới Nga – Ukraine tiếp diễn trong tuần này.
Với hy vọng về một giải pháp ngoại giao, các chỉ số quan trọng của Mỹ như S&P 500 tăng 0,4% và Nasdaq tăng 0,2%. Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau lên điểm với chỉ số EUROSTOXX 50 tăng 0,3% và chỉ số FTSE (Anh) đi ngang.
Trong khi đó, giá vàng được giao dịch ở mức cao nhất trong 9 tháng qua, có lúc chạm 1.900 USD/ounce. Nỗ lực ngoại giao nói trên cũng góp phần đẩy giá dầu Brent có lúc tăng lên 93,79 USD/thùng và giá dầu thô WTI của Mỹ tăng lên 91,42 USD/thùng.
Tùng Anh