Chính thức cán mốc 8,23 tỷ USD, xuất siêu cao kỷ lục
Trong tháng 7/2020, xuất siêu cả nước lên tới 2,77 tỷ USD, đưa thặng dư thương mại lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7 lên mức 8,23 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều với mức ước tính trước đó.
Trước đó, mức suất siêu ước tính được Tổng cục Thống kê đưa ra là 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên thực tế, mức xuất siêu cao hơn con số này rất nhiều.
Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7 đạt 46,96 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng 7/2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 24,87 tỷ USD, tăng 10,2% so với tháng 6, kim ngạch nhập khẩu đạt 22,09 tỷ, tăng 6,7% so với tháng trước đó.
Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 7, cả nước xuất khẩu được 147,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2019; kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 129,21 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ 2019.
Những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; dệt may; giày dép… Trong tháng 7, giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đã tăng trở lại, vượt qua nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện để trở thành nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam.
Sở dĩ, mặt hàng xuất khẩu này tăng trưởng cao trong tháng qua do Samsung đã ra mắt mẫu điện thoại thông minh mới Galaxy Note20 và chính thức bán ra toàn cầu trong tháng này.
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, thành tích xuất siêu là một điểm cộng. Xuất siêu cũng mang lại những tác động tích cực nhiều mặt về kinh tế vĩ mô. Dự trữ ngoại hối ổn định đã góp phần ổn định tỷ giá, tạo niềm tin thị trường cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước còn yếu so với sản xuất như hiện nay thì việc tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu sẽ có tác động kích cung, tức kích thích sản xuất trong nước.
Tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương với vai trò quản lý nhà nước về hoạt động xuất khẩu cũng đang rốt ráo triển khai hàng loạt giải pháp như đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử; tích cực tuyên truyền về các FTA sắp có hiệu lực; yêu cầu các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện tối đa trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp tục cắt giảm các thủ tục xuất nhập khẩu không cần thiết; yêu cầu các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm thị trường mới cho hàng hóa Việt… Từ đó, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỷ USD cho cả năm nay.
Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ công bố danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 2020 vào ngày 20/8 tới. Đây là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng của Bộ Công Thương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác nước ngoài tìm hiểu và xúc tiến giao thương với doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với đối tác nước ngoài, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Bảo Ngọc/Công thương