+
Aa
-
like
comment

Chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều: Làm cho có, đối phó dư luận?

17/11/2020 09:50

‘Đọc tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều, tôi có cảm giác Nhà xuất bản (NXB) ĐH Sư Phạm TP.HCM chỉ làm cho có, đối phó với dư luận đang vô cùng bức xúc về nội dung của cuốn sách này’.

Chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều: Làm cho có, đối phó dư luận? - Ảnh 1.
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới bộ Cánh Diều có nhiều sai sót cần chỉnh sửa – Ảnh: Quang Định

Cô N.T.Thúy, giáo viên lớp 1 ở TP.HCM, nhận định. Cô Thúy cho rằng có rất nhiều nội dung không phù hợp mà dư luận đã phản ánh trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua nhưng chưa được chỉnh sửa.

Những nội dung “rối não”

Cô Thúy nói thêm: “Phụ huynh lớp tôi rất bức xúc với bài số 25, trang 49, SGK Tiếng Việt 1, tập 1. Bài tập đọc như sau: “Nhà sẻ có sẻ bé. Sẻ ca “ri…ri…”. Phía xa là nhà quạ. Quạ la “quà…quà…”. Sẻ bé sợ quá. Sẻ bố dỗ: Sẻ ca ri ri. Quạ la quà quà. Bé sợ gì!”. Tôi không hiểu được tại sao các nhà biên soạn sách lại đưa những câu từ trúc trắc, khó hiểu, xa lạ với cuộc sống các em học sinh 6 tuổi như vậy. Vậy mà NXB chỉ sửa từ “quà…quà” thành “quạ…quạ” mà thôi”.

Giáo viên này phân tích bài đọc trên có sẻ bé, sẻ bố đã rất khó hiểu với học sinh rồi. “Đã vậy, ngay cả bản thân tôi từ đó tới giờ cũng chỉ biết là chim sẻ hót, chim sẻ kêu chứ tôi chưa nghe “sẻ ca” bao giờ. Trong tiết dạy bài này, tôi đã bắt tay lên miệng, giả như con chim và kêu “ri ri” nhưng cả lớp vẫn ngớ người ra. Tương tự, thay vì ghi “quạ la” sao không sửa lại là “quạ kêu” cho dễ hiểu. Ngay cả cái phần chim sẻ bố dỗ con cũng như đánh đố học sinh” – cô Thúy bức xúc.

Không những thế, cô P. – giáo viên lớp 1 ở một trường vùng ven TP.HCM – còn đề xuất: “Bài tập đọc trang 119 dù cho NXB có sửa nhưng chỉ sửa ở phần câu hỏi tìm hiểu bài, phần nội dung bài đọc không sửa. Đó là: “Lớp Hà có tiết tập viết. Hà viết rất cẩn thận. Thế mà bạn Kiên xô bàn làm chữ “biển” của Hà xiên đi. Hà nhăn mặt. Kiên thì thầm: “Tớ lỡ mà”. Hà chả giận bạn. Em viết thêm chữ “biển” thật đẹp. Cô nhìn chữ em, khen: “Chữ Hà đẹp lắm”!”.

Cô P. nhận định nội dung như vậy không ổn: “Kiên xô bàn làm cho Hà viết chữ xấu thì câu đầu tiên phải là xin lỗi bạn mới đúng với thực tế mà chúng tôi đang rèn giũa cho học sinh lớp 1 phải biết nói lời cảm ơn và xin lỗi. “Hà chả giận bạn” – dùng từ “chả” nghĩa là gây khó cho cả giáo viên và học sinh vì đây là từ cổ, không gần gũi với cuộc sống của học sinh. Vậy tại sao NXB không sửa?”.

Làm quá sơ sài

Cô N.T.T.V. – giáo viên lớp 1 ở TP.HCM – cũng nhận định: “Tôi thấy tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều làm quá sơ sài. Có nhiều chi tiết sai, khiên cưỡng, không phù hợp với thực tế cuộc sống mà trước đây chúng tôi đã phản ánh nhưng không hiểu sao không thấy sửa”.

Cô V. dẫn chứng nổi cộm nhất chính là SGK đã dùng những từ đơn một cách vô tội vạ, sai ngữ pháp. Ví dụ như trang 16 có hình cái cặp da nhưng SGK chỉ ghi mỗi chữ “da”; trang 19 có hình cây đa nhưng chỉ có mỗi chữ “đa”; trang 48 có hình cây si nhưng chỉ ghi mỗi chữ “si”; trang 44 có hình con ngựa đang phi nhưng có mỗi chữ “phi”; trang 54 có hình cá trê nhưng có mỗi chữ “trê”, hình con chim trĩ nhưng chỉ có chữ “trĩ”; trang 56 có hình con chim cú nhưng có mỗi chữ “cú”; trang 58 có hình đôi đũa mà có mỗi chữ “đũa”; trang 68 có ảnh thắp nến nhưng có mỗi chữ “thắp”… là không đúng.

“Trong buổi họp tổ chuyên môn tháng vừa rồi, chúng tôi đã mang việc này ra bàn và nhiều giáo viên lo ngại rằng nếu cứ dạy học sinh theo SGK e rằng sẽ tập cho các em cách nói trống không, chưa kể việc giáo viên giảng dạy, giải thích cũng rất khó khăn” – cô V. nêu ý kiến.

Lo âu “tài liệu bổ sung”

Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Q.Tây Hồ (Hà Nội) cho biết đã đọc kỹ ngữ liệu trong tài liệu bổ sung, chỉnh sửa của sách Tiếng Việt 1 nhóm Cánh Diều vừa công bố. So với ngữ liệu trong các sách Tiếng Việt cách đây 30-40 năm thì ngữ liệu này không hay, không có cảm xúc, khó đọng lại với trẻ.

“Dĩ nhiên tôi cũng chia sẻ với nhóm tác giả vì các bài thay thế nhằm phục vụ việc dạy học các âm, vần nên không tránh khỏi trúc trắc khi phải cố nắn để đưa những âm, vần đang học vào đoạn ngữ liệu. Nhưng nếu nhóm tác giả chắt lọc từ nguồn ngữ liệu của sách cũ, hay trong kho tàng văn học Việt Nam, có thời gian để nghiên cứu, trau chuốt thì sẽ tốt hơn. Tôi cảm giác tài liệu thay thế này được biên soạn trong thời gian ngắn để giải quyết yêu cầu trước mắt nên chưa được đầu tư, chuẩn bị tốt” – vị này nói.

Còn cô H.T. – giáo viên tiểu học ở Hà Nội – lại băn khoăn: “Tài liệu chỉ ghi cung cấp ngữ liệu bổ sung để giáo viên có thể sử dụng thay thế ngữ liệu không phù hợp. Nếu nói thế thì có nghĩa các ngữ liệu được phản ánh là chưa phù hợp trong sách Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều không nhất thiết phải thay thế? Nhóm tác giả chỉ cung cấp thêm ngữ liệu bổ sung, việc có thay thế hay không tùy thuộc giáo viên. Nhưng theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT thì nhóm tác giả phải sửa chữa, điều chỉnh”.

Cô H.T. cũng chia sẻ SGK là tài liệu chính thức sử dụng trong quá trình dạy học. Nhưng Bộ GD-ĐT cho rằng giáo viên chủ động chọn ngữ liệu thay thế. “Bộ yêu cầu tác giả sách sửa chữa, thay thế ngữ liệu không phù hợp nhưng nhóm tác giả chỉ bổ sung ngữ liệu, có nghĩa vẫn khẳng định quan điểm giữ nguyên ngữ liệu được cho là không phù hợp trong sách đã phát hành. Việc này đang chưa rõ ràng nên sẽ khó khăn cho giáo viên khi thực hiện” – cô H.T. đặt vấn đề.

Không thể sửa theo kiểu chắp vá

Trao đổi thêm về cách “tiếp thu” của nhóm Cánh Diều trong việc cung cấp tài liệu bổ sung, thay thế, PGS Nguyễn Hữu Đạt – viện trưởng Viện Ngôn ngữ và văn hóa phương Đông, nguyên chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) – vẫn khẳng định quan điểm: muốn dùng SGK Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều thì phải biên soạn lại chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá. Bởi những sai sót trong sách không thể coi là “sạn” mà là những lỗi sai cơ bản cả về phương pháp biên soạn, ngữ liệu, tri thức về ngôn ngữ học, về mục đích dạy tiếng Việt… Nếu nói “sạn” là những lỗi nhỏ, những thiếu sót mang tính không cơ bản, nhưng ở đây là do phương pháp biên soạn chưa chuẩn.

HOÀNG HƯƠNG – VĨNH HÀ/NLD

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều