Chính sách “vượt rào” nhân văn của TP.HCM
Thời gian gần đây, khi mà truyền thông và mạng xã hội gần như “bội thực” với thông tin các vụ án tham ô, tham nhũng, sai phạm nghìn tỷ thì có một câu chuyện “nghìn tỷ” khác lại tạo được hiệu ứng tích cực trong dư luận.
Là một trong những địa phương bị thiệt hại nhiều nhất do đại dịch Covid-19 và hiện nay kinh tế mới đang dần hồi phục, đời sống của người dân ở TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn. Bước vào năm học mới nhiều phụ huynh phải đối mặt với những khoản chi mới cho con đến trường. Với nhiều người đây là bài toán nan giải trong bối cảnh nhiều người vẫn còn loay hoay nỗi lo “cơm áo gạo tiền” bủa vây. Trong bối cảnh đó, gói hỗ trợ hơn 1.500 tỷ đồng làm nhẹ bớt gánh nặng cho phụ huynh.
Trước đó, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP cũng quy định các điều khoản tăng mức hỗ trợ chi phí học tập từ ngân sách nhà nước, cùng các điều khoản miễn giảm trong điều kiện thiên tai dịch bệnh. Các địa phương có thể căn cứ theo tình hình để đưa ra các giải pháp đặc thù phù hợp. Gói hỗ trợ của TP. HCM khá đặc biệt ở chỗ đây là gói hỗ trợ lớn theo cơ chế riêng và hoàn toàn chưa có cơ sở pháp lý, vì vậy UBND Thành phố đã phải làm Tờ trình gửi Thường trực HĐND TP đề nghị xây dựng một nghị quyết chính sách về nội dung này. Theo đó, mỗi học sinh bậc mầm non có thể được hỗ trợ lên tới 140.000 đồng/tháng, cấp 2 tối đa 240.000 đồng/tháng và cấp 3 tối đa 180.000 đồng/tháng.
Có thể mức hỗ trợ trên với mỗi học sinh là không đáng kể so với nhiều chi phí khác, nhưng với không ít học sinh nghèo, gia cảnh khó khăn thì một đồng cũng quý. Thành phố dẫu đang phát triển từng ngày, với những tòa cao tầng và đại lộ rộng mênh mông nhưng cũng không thiếu những tấm lòng và quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau. Có người từng đặt câu hỏi “Tiền nhiều để làm gì?” và ở đây trong câu chuyện nghìn tỷ của TP.HCM, chắc hẳn ai cũng đồng tình rằng nó đã được sử dụng đúng đắn đến từng đồng lẻ. Quan trọng hơn là chính quyền Thành phố đã để thiện tinh thần lắng nghe người dân, đúng lúc, đúng thời điểm.
Điểm đáng nói khác là về bản chất gói hỗ trợ: đặc thù và chưa có cơ sở pháp lý, nhưng mạnh dạn làm. Việc các địa phương căn cứ tình hình cụ thể, đưa ra các đề xuất giải pháp hợp tình, hợp lý là hết sức đáng khích lệ và nếu đề xuất tốt thì có thể hoàn toàn áp dụng cho cả nước. Trong nhiều cuộc họp của Quốc hội, chúng ta thường thấy một số địa phương hoặc cơ quan ban ngành “than thở” về việc khó thực hiện công việc do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ. Nhưng làm sao có thể tháo gỡ các “nút thắt” này nếu như thiếu đi tinh thần quyết liệt làm việc, mạnh dạn đề xuất giải pháp, cơ chế mới, trên cơ sở vì lợi ích chung?
Có thể thấy, gói hỗ trợ học phí 1.500 tỷ vừa có tính nhân văn lại vừa mang tính đột phá, sáng tạo, xứng đáng với vị thế của một thành phố hàng đầu đất nước.
An Diễm