Với độ phủ vaccine Covid-19 ngày càng tăng lên, kinh tế Việt Nam có cơ hội phục hồi ấn tượng trong năm 2022, có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5 – 7% và lạm phát tăng so với năm 2020 nhưng được kiểm soát ở mức 3,4 – 3,7%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chỉ có thể xảy ra khi Việt Nam thiết kế và thực hiện tốt Chiến lược phòng, chống dịch phù hợp, linh hoạt, thích ứng và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 – 2023. Trong đó, chính sách tài khóa phải là trụ cột để tạo ra động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới.
Trước tác động của đại dịch Covid-19, các quốc gia đều thực hiện đồng thời nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, hạn chế tổn thất cho nền kinh tế và hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có sự ứng phó khác nhau. Đối với chính sách tài khóa, hầu hết các quốc gia đều dành lượng ngân sách đáng kể để hỗ trợ tiền trực tiếp cho người lao động, hộ gia đình, sinh viên. Đối với doanh nghiệp, các nước thực hiện miễn, giảm thuế, hoãn thanh toán nợ gốc, lãi ngân hàng, giảm lãi suất cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến hết tháng 10/2021, các gói hỗ trợ tài khóa toàn cầu đã lên đến hơn 11.280 tỷ USD, tương đương hơn 10% GDP toàn cầu năm 2020.
Tại Việt Nam, tính từ đầu năm 2020 đến nay, tổng các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam đạt khoảng 231 nghìn tỷ đồng, gần 3% GDP đã điều chỉnh của năm 2020. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đánh giá chính sách tài khóa hỗ trợ sau Covid-19 của Việt Nam còn quá ít và quá thận trọng. Chưa kể, chính sách hỗ trợ của Việt Nam vẫn chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính cho doanh nghiệp, người lao động, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế.
Để theo kịp nhịp hồi phục của thế giới, Việt Nam cần có gói chính sách phục hồi kinh tế đủ lớn, khả thi và hiệu quả để thúc đẩy quá trình phục hồi, giúp nền kinh có sức chống chịu các cú sốc trong tương lai.
Biện pháp “tiếp máu” cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo. Việc chủ động nâng mức bội chi ngân sách năm nhằm đối phó khủng hoảng là cần thiết để tạo ra nguồn lực cho việc thực thi chính sách.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Việt Nam có thể tăng chi hỗ trợ từ 0,2 lên đến 3% GDP (tương đương 260 nghìn tỷ đồng) mà không gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh bất thường, cần có những giải pháp nhanh chóng, kể cả vượt ngoài khuôn khổ thông thường. Song cũng cần lưu ý là các giải pháp tình thế chỉ nên có tính chất ngắn hạn, việc duy trì tính kỷ luật và bền vững của cân đối ngân sách dài hạn luôn luôn phải được tôn trọng, không để tạo sự méo mó của thị trường, tránh việc tăng cạnh tranh không lành mạnh và rủi ro vi phạm các thỏa thuận quốc tế.
Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công cần tiếp tục được thực hiện để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam. Việc quy định rõ ràng về trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và phân cấp quản lý chi đầu tư chính luôn là hết sức cần thiết. Đây cũng là những bài học từ việc giải ngân vốn đầu tư năm 2020.
Để thực hiện tái cơ cấu kinh tế cho giai đoạn 2021-2025, Việt Nam cần xem xét các gói chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Do đó, gói hỗ trợ lãi xuất có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi xuất thấp hơn khoảng 2-3% so với thị trường. Nhưng cần xác định đây không phải là hạ mức chuẩn tín dụng, đối tượng tiếp cận phải đủ điều kiện vay tín dụng. Cũng có thể xem xét đối với đối tượng không đủ điều kiện tín dụng nhưng có khả năng phục hồi hoặc thuộc lĩnh vực ưu tiên, phát triển thời gian tới như kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục, hạ tầng số.
Dù cân nhắc chính sách tài khóa hỗ trợ đối với đối tượng nào, quy mô ra sao thì một điều quan trọng nữa là phải sớm hoàn thiện thiết kế chính sách để ban hành. Bởi khi các quốc gia đi vào chu kỳ phục hồi mà lúc đó Việt Nam mới bắt đầu đưa ra và thực hiện các chính sách tài khóa này thì sẽ muộn vì áp lực lạm phát ngày càng tăng cả trong nước và quốc tế. Như vậy, bài toán đang đặt ra với các cơ quan tham mưu, xây dựng chương trình phục hồi kinh tế là phải tăng cường hiệu quả của các chính sách tài khóa và các gói hỗ trợ, góp phần sớm phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo động lực tăng trưởng mới trong dài hạn. Có thể cần chấp nhận nợ công, thâm hụt ngân sách tăng và khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong tầm kiểm soát.
Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ, tín dụng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách ở mức độ hợp lý và từ năm 2024 có thể quay trở lại quỹ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát cán cân này lành mạnh hơn khi kinh tế phục hồi vững chắc. Do đó, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cần đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, có tính khả thi và hiệu quả, vừa hỗ trợ tăng trường, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát và quan trọng là sớm được ban hành và đưa vào triển khai để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp phục hồi với thế giới.
Thực hiện: Diệu Hương
Đồ họa: M.N