+
Aa
-
like
comment

Chính sách “Ngoại giao vaccine” thất bại của Trung Quốc

30/12/2020 09:59

Trong giai đoạn đầu đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19), Trung Quốc đã gửi các hộp đựng khẩu trang và các thiết bị bảo hộ để hỗ trợ các quốc gia khác đối phó với dịch bệnh. Những mặt hàng này đã đến nhiều các quốc gia khác nhau cùng với hình ảnh của lá cờ Trung Quốc, trong một chiến dịch được gọi bằng cái tên: “ngoại giao khẩu trang”. Đây từng được xem là “cơ hội vàng” để Trung Quốc tái định hình câu chuyện về cách quốc gia này đã có những xử lý sai lầm trong giai đoạn ban đầu của đại dịch, đồng thời là cách để Bắc Kinh khẳng định vị trí lãnh đạo toàn cầu ở thời điểm đặc biệt nhạy cảm.

Một nhân viên y tế Peru đang tiêm vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh chụp ngày 9/12/2020

Chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” thất bại

Tuy nhiên, từ thời điểm đó, chiến dịch “quan hệ công chúng” này đã thất bại. Hàng loạt thông tin về các công ty tư nhân “vô đạo đức” của Trung Quốc bán khẩu trang, các bộ dụng cụ xét nghiệm và máy thở kém tiêu chuẩn chất lượng đã làm hoen ố nỗ lực cải thiện hình ảnh. Và giờ đây, khi việc thử nghiệm vaccine COVID-19 đang gần hoàn tất, Trung Quốc đang có cơ hội thứ hai để sửa chữa hình ảnh trên trường quốc tế và định vị bản thân như một nhân tố không thể thiếu trong giải pháp toàn cầu trước đại dịch COVID-19.

Về lý thuyết, Bắc Kinh có vẻ đang ở vị trí thuận lợi để mở rộng sức mạnh mềm và tầm ảnh hưởng của mình. Với việc kiểm soát được các ca lây nhiễm trong phạm vi biên giới, Trung Quốc có nhiều không gian hơn để phân phối vaccine ra bên ngoài, khác với Mỹ, quốc gia ưu tiên tiêm chủng cho người Mỹ trước. Tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết vaccine của Trung Quốc sẽ là “hàng hóa toàn cầu”, và Trung Quốc sau đó đã tham gia Sáng kiến Covax do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn giúp đảm bảo phân phối công bằng các loại vaccine COVID-19 trên khắp thế giới.

Giáo sư Steve Tsang, làm việc tại Viện SOAS Trung Quốc, London, khẳng định rõ ràng “Bắc Kinh đang cố gắng sử dụng việc cung ứng vaccine để thúc đẩy quyền lực mềm”. Theo ông Tsang, rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào việc quá trình này diễn ra như thế nào, và khó có khả năng vaccine do Trung Quốc sản xuất sẽ được cung cấp miễn phí sau khi hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng.

Bắc Kinh chắc chắn đã học được từ những sai lầm trước đó, song chiến dịch “ngoại giao vaccine” có lẽ sẽ không dễ dàng như người Trung Quốc nghĩ.

Trung Quốc sử dụng vaccine như là “quyền lực mềm”

Truyền thông nhà nước Trung Quốc trong tháng này đưa tin rằng khoảng 500 triệu liều vaccine do Trung Quốc sản xuất đã được các quốc gia từng cho phép thử nghiệm mặt hàng này trước đó đặt hàng. Các nước phát triển cũng đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu sản xuất và thu mua vaccine, để lại khoảng trống đáng kể trong tại các nước đang phát triển, thị trường mà giới chuyên gia đánh giá sẽ là nơi mà Trung Quốc tìm cách lấp đầy khoảng trống đó.

Theo Liên minh Vaccine Nhân dân (PVA), một mạng lưới gồm các tổ chức như Tổ chức Ân xá Quốc tế, Oxfam và Global Justice Now, các quốc gia giàu có đã mua gần như tất cả nguồn cung cấp trong năm tới của hai công ty dẫn đầu về phát triển vaccine là Pfizer-BioNTech và Moderna. PVA ước tính 9 trong số 10 người ở 67 quốc gia đang phát triển – như Campuchia, Lào và Pakistan – có rất ít cơ hội được tiêm phòng COVID-19 vào năm tới. Rõ ràng là đối với những quốc gia này, vaccine của Trung Quốc là một “cứu cánh”.

Ngay trong tháng 12, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã trở thành hai quốc gia đầu tiên cấp phép đầy đủ cho vaccine do công ty nhà nước Sinopharm Trung Quốc sản xuất, ngay cả trước khi người ta công bố đầy đủ các kết quả thử nghiệm lâm sàng.

Bắc Kinh bác bỏ những thông tin cho rằng họ sử dụng vaccine như một công cụ để tạo ảnh hưởng toàn cầu, đồng thời khẳng định cam kết chia sẻ vaccine với thế giới, song không khó để nhận ra rằng những chính sách về vaccine luôn song hành với các mục tiêu đối ngoại. Tiến sỹ Huang Yanzhong, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, New York, cho rằng Bắc Kinh đang nỗ lực thể hiện hình ảnh “một cường quốc hiền lành” cung cấp giải pháp về vaccine cho các nước khó có cơ hội tiếp cận nguồn cung đa dạng, qua đó mở rộng thị phần cho các loại vaccine nội địa tại các nước đang phát triển, do sản phẩm của phương Tây hầu như chỉ mới hướng đến việc phục vụ các thị trường phát triển.

Theo ông Huang, khi nhìn vào các quốc gia mà Trung Quốc muốn ưu tiên tiếp cận vaccine, đa số là các nước đang phát triển và nằm trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Một số thậm chí còn được coi là những quốc gia quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh, như Pakistan hay Indonesia.

Thiếu minh bạch trong các vấn đề khoa học về sản xuất vaccine

Có một thực tế là sự “khan hiếm dữ liệu” về các loại vaccine tiềm năng của Trung Quốc đang gây không ít lo ngại. Cả Pfizer và Moderna đều công bố rằng vaccine của họ có hiệu quả khoảng 95%, trong khi vaccine do Đại học Oxford và AstraZeneca sản xuất có hiệu quả lên tới 90%. Trong khi đó chưa có bất kỳ loại vaccine nào của Trung Quốc công bố dữ liệu sơ bộ chính thức từ các thử nghiệm giai đoạn ba.

Các cơ quan y tế Trung Quốc tuyên bố khoảng 1 triệu người Trung Quốc đã được tiêm vaccine thử nghiệm theo phác đồ sử dụng khẩn cấp mà không có bất kỳ phản ứng phụ nào. Tuy nhiên, nếu không có dữ liệu minh bạch về vaccine, Bắc Kinh sẽ khó có thể khơi dậy lòng tin vào những gì nước này cung cấp.

Hàng loạt vụ bê bối vaccine trước đây ở Trung Quốc đã làm mất niềm tin trên toàn cầu, chẳng hạn như vụ việc năm 2018, khi một nhà sản xuất vaccine hàng đầu bị phát hiện đã sản xuất vaccine phòng dại với các sản phẩm hết hạn sử dụng. Theo Tiến sỹ Huang, vaccine do Trung Quốc sản xuất không có “danh tiếng tốt” ở các nước phát triển, và với hồ sơ trong nước cũng không mấy sáng sủa, rõ ràng nhiều quốc gia có lý do để hoài nghi sản phẩm từ Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, để có thể thúc đẩy quyền lực mềm, vaccine của Trung Quốc phải được chứng minh là có hiệu quả và có căn cứ khoa học xác đáng.

Thủ tướng Hun Sen cho biết Campuchia sẽ đặt hàng lô vắc xin Covid-19 đầu tiên thông qua sáng kiến COVAX nhưng ông không chọn vắc xin của Hãng Sinovac từ Trung Quốc. Ông Hun Sen nói ông chỉ tin tưởng và chấp nhận các loại vắc xin đã được WHO phê duyệt. “Campuchia không phải thùng rác và không phải là nơi để thử nghiệm vắc xin”.

Dùng vaccine để đổi lấy các lợi ích chính trị

Theo nhà nghiên cứu Lye Liang Fook, làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS Yusof Ishak), nhiều ý kiến lo ngại rằng chiến dịch vaccine Trung Quốc có thể sẽ đem đến những tác động rất lớn trong khu vực.

Việc phụ thuộc vào vaccine của Trung Quốc có thể khiến các quốc gia phải hạ thấp giọng điệu chỉ trích Trung Quốc khi nói đến đến các xung đột lãnh thổ. Ông Lye chỉ ra rằng nhiều nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Malaysia, Philippines và Indonesia đã có ý thức về việc không chỉ dựa vào vaccine do Trung Quốc sản xuất, và xúc tiến việc ký thỏa thuận với nhiều công ty khác như Pfizer, AstraZeneca và Viện Gamaleya của Nga.

Nhiều người còn lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng việc cung cấp vaccine làm đòn bẩy nhằm đạt được các mục tiêu địa chính trị trong khu vực, hoặc cắt nguồn cung cấp nếu bất đồng nảy sinh. Căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Canada được cho là lý do khiến chính quyền Trung Quốc cản trở công ty CanSino Biologics, có trụ sở tại Thiên Tân, vận chuyển vaccine thử nghiệm đến Canada vài tháng trước đây.

Khoảng trống miễn dịch

Những lo ngại không dừng ở đó. Một số chuyên gia, trong đó có Tiến sỹ Huang nhận định rằng chương trình tiêm chủng vaccine rộng rãi được tiến hành tại các nước phương Tây như Mỹ và Anh trong tháng 12 này có thể đặt ra thêm những sức ép đối với Bắc Kinh để nước này ưu tiên vaccine cho người dân trong nước. Người ta đã nhắc đến khả năng về một “khoảng trống miễn dịch”, khi các quốc gia phương Tây đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng trước Trung Quốc, có nghĩa là các quốc gia này sẽ có thể trở lại trạng thái bình thường, trong khi Bắc Kinh sẽ phải duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với chi phí kinh tế đáng kể.

Theo Tiến sỹ Huang, điều này không chỉ là tiêu cực về mặt dịch tễ học đối với Trung Quốc, mà còn nguy hiểm về mặt chính trị, bởi Trung Quốc sẽ không còn có thể chỉ ra sự kém hiệu quả của các nước phương Tây trong việc xử lý sự bùng phát dịch bệnh để nhằm “thể hiện tính ưu việt của hệ thống chính trị” của mình.

Các cơ quan y tế cho biết Trung Quốc có thể sản xuất khoảng 610 triệu liều vaccine trong năm nay và 1 tỷ liều nữa vào năm sau, nhưng khoảng 500 triệu liều vaccine đã được chuẩn bị để chuyển ra nước ngoài.

Nếu muốn đi trước các nước phương Tây trong việc đạt được miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc có thể sẽ phải đánh đổi bằng cam kết đưa ra trước đó với các nước đang phát triển.Tiến sỹ Huang cho rằng nếu không cung cấp đủ số lượng vaccine như đã cam kết, hình ảnh của Bắc Kinh sẽ càng hoen ố. Đây là một tình thế khó xử mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong tương lai gần.

Nếu muốn đi trước các nước phương Tây trong việc đạt được miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc có thể sẽ phải đánh đổi bằng cam kết đưa ra trước đó với các nước đang phát triển.Tiến sỹ Huang cho rằng nếu không cung cấp đủ số lượng vaccine như đã cam kết, hình ảnh của Bắc Kinh sẽ càng hoen ố. Đây là một tình thế khó xử mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong tương lai gần.

Tôn Thất Bảo Quốc

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều