Chính sách lạ của Putin phát tác hiệu tại Đông Bắc Á
Sự bùng nổ trong giao thương và hợp tác đầu tư giữa Nga với Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2018 cho thấy tác hiệu chính sách ‘xây đối tác’….
Quan hệ hợp tác giữa Nga với Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển mạnh trong thời cấm vận
Ngày 7/11, trả lời phỏng vấn Giám đốc điều hành TASS Serge Mikhaylov tại cuộc họp của Tổ chức các Cơ quan Tin tức Châu Á-Thái Bình Dương, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng thương mại Nga-Hàn Quốc sẽ tiếp tục bùng nổ.
“Chúng tôi sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm tới. Tôi hy vọng vào thời điểm đó tổng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt 30 tỷ USD”, RT tường thuật.
Hàn Quốc là một trong những đối tác lớn của Nga ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc bày tỏ sự hài lòng sâu sắc với thực tế là sự hợp tác và trao đổi kinh tế của hai nước đã được mở rộng trong những năm gần đây.
Năm 2017, Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất Chính sách phương Bắc mới, nhằm tạo ra một không gian kinh tế chung giữa Bán đảo Triều Tiên và vùng Viễn Đông của Liên bang Nga.
Từ đó đến nay, hợp tác và giao thương Nga-Hàn tăng mạnh, đặc biệt bùng nổ vào năm 2018, khi kim ngạch thương mại song phương tăng vọt tới gần 30%, đạt 24,8 tỷ USD, trong đó trao đổi giữa vùng Viễn Đông với Hàn Quốc chiếm 1/3.
Đáng lưu ý là Tổng thống Putin và Tổng thống Moon Jae-in đã đồng ý hợp tác xúc tiến thành lập khu vực thương mại tự do giữa Hàn Quốc với Liên minh kinh tế Á-Âu, hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế Á-Âu, trọng tâm là hợp tác Nga-Hàn.
Như vậy, quan hệ hợp tác giữa Nga với Hàn Quốc – một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Đông Bắc Á – đã được nâng tầm chiến lược, thể hiện ở cả quy mô lẫn phương thức hợp tác, ngay trong thời kỳ nước Nga bị Mỹ và đồng minh cấm vận.
Đặc biệt, Nga đang hoàn tất dự án tiền khả thi xây dựng đường ống dẫn khí đốt nối Nga với bán đảo Triều Tiên, đáp ứng lời kêu gọi của Hàn Quốc, mà khi thực hiện dự án sẽ kích thích mạnh mẽ quan hệ hợp tác Nga-Hàn.
Không chỉ với Hàn Quốc, quan hệ hợp tác giữa Nga với một đồng minh chiến lược khác của Mỹ ở Đông Bắc Á là Nhật Bản cũng phát triển mạnh mẽ, dù rào cản cấm vận của Mỹ và rào cản lịch sử chưa được dỡ bỏ.
Cụ thể, vào tháng 5/2016, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe đã công bố một cách tiếp cận mới đối với Nga. Tokyo quyết tạo ra cơ sở vững chắc cho quan hệ kinh tế và chính trị Nga-Nhật, sau đó sử dụng làm nền tảng giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Là một phần của phương pháp mới này, Thủ tướng Abe đã chọn 8 lĩnh vực cho hợp tác Nga-Nhật, gồm y tế, quy hoạch đô thị, doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lượng, công nghiệp, phát triển vùng Viễn Đông, công nghệ và trao đổi nhân đạo.
Đến nay, hoạt động giao thương giữa Nga và Nhật Bản đã tăng mạnh trở lại, sau thời gian bị sụt giảm do tác động của cấm vận. Năm 2018, trao đổi thương mại Nga-Nhật đã đạt 23,1 tỷ USD.
Dù chưa tái lập kỷ lục thương mại song phương trị giá là 34,8 tỷ USD được thiết lập năm 2013 – ba năm trước khi Thủ tướng Abe công bố Kế hoạch 8 điểm, nhưng rõ ràng bộ đôi Putin-Abe đã thành công trong việc vượt rào cản kép: lịch sử-cấm vận.
Điều đó đã tạo động lực cho hợp tác Nga-Nhật. Tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok hồi tháng 9, Tập đoàn Mitsui & Co và Tập đoàn Dầu khí và Luyện kim Nhật Bản (JOGMEC) đã ký thoả thuận đầu tư vào Dự án LNG-2 Bắc Cực.
Theo thỏa thuận, phía Nhật Bản mua 10% cổ phần của dự án với chi phí 2 tỷ USD. Đây là khoản đầu tư khá lớn của Nhật Bản vào Nga trong những năm gấn đây. Nó đã tạo ấn tượng tốt đẹp cho quan hệ hợp tác Nga-Nhật ngay trong thời cấm vận.
Chính sách ‘xây đối tác’ của Putin phát tác hiệu mạnh ở Đông Bắc Á
Dựa trên quan điểm Nga là thực thể kế thừa Liên Xô nên phải kế thừa luôn cả sự thù địch của Mỹ-phương Tây đối với chế độ Xô Viết, Washington đã áp dụng chính sách ‘kết đồng minh’ để cô lập Nga, buộc Moscow phải hướng tâm vào trục Mỹ.
Washington đã thành công khi đưa nước Nga thời Yeltsin vào trong túi Mỹ, rồi từ đó chiếm lĩnh gần trọn mặt bằng sân khấu chính trị thế giới mà Nga kế thừa của Liên Xô. Song khi ông Putin nắm quyền, chính sách của Washington dần bị Moscow vô hiệu.
Vị tổng thống thứ 2 của nước Nga thời hậu Xô Viết đã vô hiệu chính sách “kết đồng minh” của Washington bằng chíến lược đối ngoại ‘chỉ ưu tiên xây đối tác, không chú trọng kết đồng minh’.
Chính sách ‘xây đối tác’ của Putin khi vô hiệu chính sách ‘kết đồng minh’ của Mỹ đã gây ra sự phân hoá trong nội bộ ‘phe Mỹ’, và từ đó biến nhiều đồng minh chiến lược của Mỹ thành ‘đối tác tốt’ của Nga.
Vì Tổng thống Putin chỉ chủ trương ‘xây đối tác’, nên các đồng minh của Mỹ không lo ngại công hiệu của “cây gậy Mỹ”, còn Washington cũng không thấy cần phải sử dụng “củ cà rốt” để hiệu chỉnh đồng minh.
Điều đó thể hiện rõ nhất trong chuyến thăm Nga hồi tháng 5/2016 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe – sự kiện mà người đứng đầu chính phủ Nhận Bản công bố Kế hoạch 8 điểm, giúp Nga-Nhật vượt rào cản kép : Lịch-sử cấm vận.
Bởi “chuyến thăm Nga của Thủ tướng Abe đã phá vỡ khối đoàn kết với Tổng thống Obama. Ông Abe trở thành một lãnh đạo hiếm hoi của G-7 có chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Putin ngay trong thời cấm vận”, Bloomberg bình luận.
Nên nhắc lại rằng, một kế hoạch được thu xếp để Tổng thống Putin thăm Nhật Bản năm 2014 đã bị hoãn lại sau “sự kiện Crimea”, vì vậy chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Nga tháng 5/2016 có áp lực rất lớn từ các đối tác của Nhật, nhất là Mỹ.
“Abe có một rủi ro rất lớn vì chính Obama đã trực tiếp điện thoại cho Abe rằng, việc thăm Nga của người đứng đầu chính phủ Nhật là chưa thích hợp trong bối cảnh hiện nay”, Giáo sư James Brown, Đại học Temple ở Tokyo nhận định.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó là Noel Clay thì đã cảnh báo :”Mối quan hệ của chúng ta với Nga không thể bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra, nếu Nga vẫn tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế ở Ukraine”, theo Bloomberg.
Vậy nhưng Thủ tướng Abe vẫn thực hiện chuyến thăm Nga và tạo ra bước đột phá cho quan hệ Nga-Nhật sau khi Washington và các đồng minh tiến hành trừng phạt Moscow, cấm vận Nga.
Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga khi đó là Alexei Pushkov, thì chuyến công du của Thủ tướng Abe tới Nga hồi tháng 5/2016 ” là chuyến thăm quan trọng, cho thấy Nhật Bản đã quyết định không hoàn toàn phụ thuộc đồng minh lớn Mỹ”.
Rõ ràng, việc người đứng đầu chính phủ Nhật Bản tự tin đến thăm Nga – một thực thể được xem là kẻ thù của Mỹ, mà qua đó phá vỡ chính sách cô lập Moscow của Washington, cho thấy hiệu quả từ chính sách ‘xây đối tác’ của Putin.
Hiệu ứng này cũng thể hiện rõ qua việc Tổng thống Moon Jae-in đồng ý hợp tác xúc tiến thành lập khu vực thương mại tự do giữa Hàn Quốc với Liên minh kinh tế Á-Âu, hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế Á-Âu, trọng tâm là hợp tác Nga-Hàn Quốc.
Có thể nhận diện chính sách ‘xây đối tác’ của Putin có đa tác hiệu. Vừa tạo cơ hội cho Nga tiếp cận và làm bạn với các đồng minh của Mỹ, vừa đảm bảo an toàn cho các đồng minh của Mỹ trước nguy cơ phải nhận đòn trừng phạt của Washington.
Đặc biệt, chiến lược đối ngoại của Nga thời Putin đã đưa Mỹ rơi vào thế ‘bịt mắt đánh trống’, khi không thể xác định được chính xác Ta – Bạn – Thù, khiến cho mọi hành xử của Washington đều có thể gây ra hậu quả, chứ không hẳn mang lại kết quả.
Cụ thể, trong quan hệ Nga-Hàn hay Nga-Nhật, nếu Mỹ ‘đánh vào địch là sẽ đánh cả vào ta’, còn Washington muốn ‘giúp phe ta sẽ giúp cả phe địch’. Trong bối cảnh hiện nay, ‘xây đối tác” của Putin ảnh hưởng rất lớn đến “nước Mỹ trước tiên’ của Trump.
Bởi với chiến lược đối ngoại “Búa – Đinh”, vị Tổng thống doanh nhân đã hành động kiểu áp đặt đồng minh, theo The New York Times. Trump đã tái thương thảo các hiệp định thương mại Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn, có lợi cho Mỹ, gây ức chế cho đồng minh.
Đây chính là điều kiện tốt để chính sách ‘xây đối tác’ của Putin phát tác hiệu mạnh tại Đông Bắc Á, mà sự bùng nổ trong hoạt động giao thương và hợp tác đầu tư giữa Nga với Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2018 đã cho thấy rõ điều đó.
Ngọc Việt/Đất Việt