+
Aa
-
like
comment

Chính quyền xã “ép” dân giao đất hai lúa cho doanh nghiệp?

20/11/2019 13:54

Những cánh đồng hai lúa tươi tốt của hàng trăm hộ dân thuộc 8 xóm tại xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đang canh tác, nhưng chính quyền địa phương lại ra nghị quyết tích tụ ruộng đất để cho doanh nghiệp thuê. Hàng trăm hộ dân nằm trong vùng tích tụ đang có nguy cơ mất đất canh tác, còn những hộ cố “bám đất” để sản xuất thì bị cắt nước khiến lúa chết.

Cán bộ xã “ép” dân giao đất hai lúa cho doanh nghiệp?

Bức xúc việc tích tụ đất hai lúa

Hàng trăm hộ dân thuộc xóm: 12, 13, 15, 16, 17, 18, 19 và 21 rất bức xúc về việc chính quyền xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân ra nghị quyết tích tụ ruộng đất hai lúa để cho doanh nghiệp thuê xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam. Và như vậy, hàng chục hộ dân có đất nằm trong vùng tích tụ gần như không còn đất để canh tác sản xuất, chỉ có số ít hộ dân không có điều kiện làm ruộng hay đi làm ăn xa mới đồng ý để UBND xã cho doanh nghiệp thuê.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hàng trăm hộ dân và Bí thư Chi bộ các thôn, xóm đều không đồng ý Nghị quyết của chính quyền xã về việc tích tụ đất vì giá thuê đất hai lúa được trả bằng 150kg ngô/1sào/năm quá thấp, mặt khác khi đồng ý tích tụ ruộng đất thì không có công ăn việc làm.

Những hộ dân xóm 19 bơm nước vào ruộng để “cứu” ruộng lúa

Ông Lê Ngọc Quyết (xóm 18, xã Nhân Bình) bức xúc: “Sự việc UBND xã ra Nghị quyết tích tụ ruộng đất hai lúa đối với hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã khiến nhân dân chúng tôi vô cùng lo lắng và không đồng ý với chủ trương trên. Bởi lẽ, khi xã ra Nghị quyết, dân chúng tôi không được họp và không được thông báo. Giá thuê đất hai lúa chỉ là 150kg ngô/1sào/năm (tính ra một sào đất hai lúa chỉ được khoảng gần 1 triệu đồng/năm). Trong khi đó, mỗi năm 1 sào ruộng đất hai lúa dân chúng tôi trồng được 2 vụ lúa và 1 vụ đông, trừ chi phí mỗi năm vẫn lãi 5 triệu đồng”.

Còn ông Nguyễn Văn Hát cho biết, tuy ông là một cán bộ bưu điện về hưu không có đất ruộng hai lúa nằm trong vùng tích tụ nhưng trước việc làm cán bộ xã thì không thể nào chấp nhận được. “Không những ép người dân có đất trong vùng tích tụ phải giao đất. Nhiều hộ dân trong xóm 18, 19 cố bám đất để canh tác thì chính quyền xã không cung cấp nước để sản xuất. Khi người dân mang máy ra để bơm nước từ các kênh, mương lên ruộng để canh tác và cho lúa đều bị Công an xã ra tháo nước khiến ruộng khô, lúa chết”, ông Hát ngao ngán.

Người dân xóm 19 bức xúc trước nghị quyết về việc cho doanh nghiệp thuê đất

Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng xóm 18, trên địa bàn xóm 18 có tất cả 61 hộ dân có đất nằm trong vùng tích tụ. Đã có 20 hộ không có điều kiện làm hay đi làm ăn xa nên đã nhận tiền và giao đất cho Ủy ban xã. Hơn 40 hộ không muốn giao cho doanh nghiệp, bởi lẽ họ vẫn muốn bám đất để làm ăn, sinh sống.

Nghe đâu để phản đối việc làm của chính quyền xã, ông Nguyễn Văn Dụ – Trưởng xóm 18 đã xin thôi chức Trưởng xóm.

Không có ruộng đất… lấy gì để sống?

Trong khi người dân vẫn muốn làm ruộng thì chính quyền xã Nhân Bình lại ra Nghị quyết tích tụ ruộng đất chẳng khác nào đẩy người dân vào đường cùng. Nếu giao ruộng đất cho doanh nghiệp thuê thì người dân biết lấy gì để sống?

Ông Cao Văn Cầu (xóm 19) cho biết: “Gia đình tôi có 7 khẩu chỉ trông chờ vào 8 sào ruộng hai lúa và 2 sào đất màu để canh tác. Trong mấy tháng nay lãnh đạo xã ra Nghị quyết tích tụ ruộng đất để “thúc ép” người dân chúng tôi giao đất cho doanh nghiệp thuê. Giờ  đây chúng tôi đứng trước nguy cơ không có đất canh tác. Mặc dù làm ruộng vất vả nhưng vẫn có ăn vì đất ở đây tốt, mỗi năm canh tác được 2 vụ lúa và 1 vụ đông. Riêng vụ đông trồng bí hay đậu cô ve… nếu được mùa 1 sào thu hoạch cũng được 5-7 triệu đồng, còn năm nào không được mùa thì 3-4 triệu”.

Ông Cao Xuân Quý – Trưởng xóm 19 cho hay: “Trong xóm 19 có tất cả 69 hộ nằm trong vùng quy hoạch. Trong đó chỉ có 6 hộ mới nhận tiền và giao đất, 63 hộ còn lại vẫn bám đất để canh tác, trong đó gia đình tôi và gia đình ông Nguyễn Văn Cải – Bí thư Chi bộ. Nếu không có đất canh tác chúng tôi lấy gì để sống. Giá đất thuê rẻ mạt quá, nên chúng tôi nhất quyết không giao đất (tính ra 900 ngàn đồng/1sào/năm). Như thể “ép” người dân chúng tôi, khi ra canh tác trên ruộng của mình, xã lại chỉ đạo không bơm nước vào ruộng. Khi người dân mang máy bơm ra các kênh mương để bơm nước vào ruộng thì xã cử công an viên xuống túc trực không cho bơm…”.

Trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuyền – Chủ tịch UBND xã Nhân Bình, ông cho biết: “Việc tích tụ ruộng đất hai lúa ở 8 xóm trên địa bàn xã là chủ trương của tỉnh và huyện để xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong vùng quy hoạch gồm Nhân Bình, Xuân Khê và Nhân Khang, trong đó xã Nhân Bình nằm trong vùng tích tụ là 32ha”.

Yêu cầu được xem văn bản chỉ đạo từ tỉnh Hà Nam và huyện Lý Nhân thì ông Tuyền lại vòng vo bảo “anh địa chính đi chữa bệnh”(?!) và chỉ cung cấp được kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam về việc quy hoạch chi tiết khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam. Đồng thời “né” rằng: “Tôi không chỉ đạo việc dừng bơm nước vào ruộng của người dân, các anh hỏi anh Tuyên, Chủ nhiệm Hợp tác xã”. Nhưng khi liên hệ với ông Tuyên thì ông này lại nói được Chủ tịch xã chỉ đạo?

Ngoài hơn 100 hộ dân thuộc xóm 18, 19 có đất nằm trong vùng tích tụ không đồng ý việc giao đất hai lúa thì hàng trăm hộ dân ở các xóm khác cũng đều bức xúc trước việc làm của chính quyền địa phương.

Báo Pháp Luật Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Hà Nam và UBND huyện Lý Nhân cần sớm vào cuộc giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi người dân nơi đây.

Hiếu Hoàng/PLO

Bài mới
Đọc nhiều