Chính quyền Trump làm tê liệt WTO giữa cơn bão thương chiến
Cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ làm tê liệt hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức này giữa lúc thế giới cần trọng tài thương mại này nhất.
Hai năm qua Mỹ đã liên tục tấn công vào uy tín của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chỉ trích tổ chức không công bằng, giảm nhân sự và bác bỏ thẩm quyền của họ, khi Tổng thống Trump tìm cách lật ngược hệ thống thương mại toàn cầu.
Tuần này, chính quyền Trump dự kiến tiến thêm bước nữa và làm tê liệt hệ thống thực thi các quy tắc của WTO – giữa lúc cuộc chiến thương mại mở rộng của ông Trump đã khiến thương mại toàn cầu bị xáo trộn và đợt tăng thuế quan mới với hàng hóa Trung Quốc dự kiến vào cuối tuần này có thể khiến thị trường quay cuồng.
Theo New York Times, trong hai năm qua, Washington đã ngăn WTO bổ nhiệm các thành viên mới vào hội đồng quan trọng để nghe các kháng cáo trong tranh chấp thương mại. Chỉ còn lại ba thành viên trong cơ quan bảy thành viên, mức tối thiểu cần thiết để xét xử một vụ kiện và nhiệm kỳ của hai thành viên sẽ hết hạn vào ngày 10/12.
“Luật rừng” thay thế WTOVới việc chính quyền Mỹ chặn bất kỳ sự bổ sung nhân sự mới nào sẽ khiến nhiều tranh chấp thương mại không đi tới được giải pháp chính thức.
Việc mất trọng tài thương mại chính của thế giới có thể biến quá trình xem xét thông thường để giải quyết các tranh chấp quốc tế thành mớ hỗn loạn, dọn đường cho cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng bùng nổ.
Nó cũng có thể báo hiệu sự sụp đổ của chính WTO sau 24 năm vì hệ thống giải quyết tranh chấp từ lâu đã là phần hiệu quả nhất của tổ chức.
“WTO đang đối mặt cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất kể từ khi thành lập”, ông Phil Hogan, ủy viên thương mại châu Âu, nói với các thành viên của Nghị viện châu Âu trong năm nay. Nếu các quy tắc điều chỉnh thương mại quốc tế không còn có thể được thi hành thì “chúng ta sẽ theo luật rừng”.
Ông Trump đã theo đuổi kịch bản đó, mang theo sức mạnh kinh tế Mỹ để gây áp lực cho các điều khoản thương mại tốt hơn. Ông đã tránh né các quy tắc của WTO bằng cách áp thuế kim loại với các đồng minh như Canada, châu Âu, Nhật Bản và bổ sung thuế trừng phạt với hàng hóa Trung Quốc, khiến nước này kháng cáo lên cơ quan toàn cầu.
Tổng thống và các cố vấn hàng đầu của ông từ lâu xem WTO như sự cản trở lời hứa đặt “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Họ nói rằng tổ chức này đã ngăn cản Mỹ bảo vệ các lao động của mình và tạo ảnh hưởng như nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.
Họ cũng chỉ trích WTO vì đã thúc đẩy Trung Quốc – nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh mẽ sau khi trở thành thành viên vào năm 2001 – trong khi làm rất ít để kiềm chế các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh.
Các cố vấn của ông chỉ ra rằng sự bất lực của WTO trong việc đối đầu với Trung Quốc là lý do cho cuộc chiến thương mại của ông Trump với Bắc Kinh.
“Việc Mỹ có khả năng tạo ra chính sách thương mại riêng của mình là điều rất quan trọng. Khả năng này càng trở nên quan trọng hơn với những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt từ Trung Quốc”, Stephen P. Vaughn, người điều hành tại King & Spalding, nguyên là viên chức cấp cao tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vào tháng 5, nói với New York Times.
Thất bại từ cú sốc Trung QuốcWTO được thành lập bởi các quan chức Mỹ và châu Âu hơn hai thập kỷ trước như một cách để mở cửa thị trường toàn cầu, điều tiết thương mại, thúc đẩy hòa bình và ổn định. Một trong những trách nhiệm chính của nó là soạn thảo các thỏa thuận thương mại giữa các thành viên và cung cấp cách thức để giải quyết tranh chấp.
Nhưng WTO gần đây đã thất bại trong việc soạn thảo các hiệp định thương mại, vì nó gần như không thể đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên như Mỹ, Trung Quốc, Afghanistan và Ấn Độ.
Việc Trung Quốc gia nhập tổ chức 18 năm trước vào ngày 11/12/2001 đã gây thêm căng thẳng cho hệ thống. Việc bổ sung Trung Quốc với hơn một tỷ dân vào thị trường toàn cầu đã tạo ra cơ hội lớn cho các công ty và cú sốc cho các công nhân ở Mỹ cũng như những nơi khác, những người bị buộc phải cạnh tranh.
Các quy tắc của WTO không được viết ra với suy nghĩ về một nền kinh tế như Trung Quốc. Các nhà phê bình nói rằng tổ chức này đã thất bại trong việc giám sát toàn diện Bắc Kinh sử dụng sự kết hợp giữa doanh nghiệp tư nhân và sự hỗ trợ của nhà nước để thống trị các ngành công nghiệp toàn cầu.
Chính quyền Trump chỉ trích quyết định của cơ quan này khi cho phép Trung Quốc duy trì vị thế là nước đang phát triển trong khi họ đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Họ lên án WTO vì đã làm rất ít để ngăn chặn Trung Quốc trợ cấp cho các sản phẩm của mình nhưng lại đàn áp các biện pháp của Mỹ nhằm ngăn chặn những hàng hóa giá rẻ đó ở biên giới.
Trong khi khả năng tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán thương mại của WTO bị tê liệt, nhánh khác của nó, chuyên giải quyết tranh chấp thương mại, đã tích cực hơn nhiều khi xem xét hàng chục trường hợp mỗi năm.
Không giống các tổ chức quốc tế khác, nơi những quy tắc không có cách nào được thi hành, WTO có thể áp dụng hình phạt cùng với các phán quyết của mình. Khi một quốc gia được phát hiện chịu tổn thương từ hành vi thương mại của nước khác, WTO có thể cho phép quốc gia bị thiệt hại thu lại khoản lỗ thông qua thuế quan trả đũa.
Luật chơi của chính quyền TrumpMỹ từ lâu đã thắng phần lớn các vụ kiện mà họ mang đến WTO. Vào tháng 10, WTO đã cho phép Mỹ bổ sung thuế quan với số hàng hóa châu Âu lên tới 7,5 tỷ USD hàng năm, sau khi kết luận rằng châu Âu đã trợ cấp bất hợp pháp cho nhà sản xuất máy bay lớn nhất của họ, Airbus.
Nhưng Mỹ cũng đã thua kiện và chính quyền Trump đang đối mặt nhiều thách thức đối với việc tổng thống Mỹ sử dụng thuế quan mạnh mẽ để trừng phạt các đối tác thương mại.
Nhật Bản, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và các chính phủ khác đang dựa vào hệ thống này để xác định việc áp thuế của ông Trump đối với thép và nhôm có vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu hay không.
Những người ủng hộ tin tưởng vào hệ thống giải quyết tranh chấp bằng cách đưa luật pháp vào hệ thống thương mại quốc tế từng cho phép nước mạnh thống trị nước yếu.
Nhưng các nhà phê bình cho rằng hệ thống này kiểm soát quá nhiều, đặc biệt ở giai đoạn cuối cùng khi cơ quan phúc thẩm gồm bảy thành viên đưa ra phán quyết chung. Các quan chức Mỹ, bao gồm cả trong chính quyền Obama, cáo buộc cơ quan phúc thẩm lạm dụng tư pháp, nói rằng họ đang vượt quá thẩm quyền của mình trong việc tạo ra các quy tắc mới.
Các quan chức ở các quốc gia khác chia sẻ một số quan ngại của Mỹ, đặc biệt liên quan đến Trung Quốc, nhưng họ không đồng ý với các phương pháp của chính quyền Trump. Họ cho rằng Mỹ và các quốc gia khác nên khắc phục các vấn đề và củng cố hệ thống thương mại toàn cầu, chứ không phải từ bỏ nó.
Triển vọng suy yếu của các quy tắc thương mại toàn cầu khiến các quốc gia nhỏ hơn và nghèo hơn lo lắng trước khả năng lệ thuộc vào Mỹ. Điều này cũng làm tổn thương Liên minh châu Âu, tổ chức tin tưởng mạnh mẽ vào hệ thống đa phương, nơi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại.
Các thành viên WTO đã thảo luận về các cách để đối phó với khả năng cơ quan phúc thẩm bị xóa bỏ. Nhiều người hy vọng rằng cơ quan này có thể được phục hồi một khi chính quyền Trump rời nhiệm sở, cho dù đó là vào năm 2021 hay 2025.
Tuyết Mai/ZN