+
Aa
-
like
comment

Chính quyền Hà Nội cần làm ngay đi!

01/12/2019 17:14

Trong khi đời sống dân còn nhiều khó khăn, thu nhập của mỗi gia đình người lao động chỉ vừa đủ trang trãi cuộc sống thường ngày và dè xén rất nhiều để có thể tiết kiệm một khoản. Vậy mà giờ đây số tiết kiệm ít ỏi đó phải chi trả những khoản tiền để tự bảo vệ gia đình, con cái của mình. Đó là số tiền không nhỏ để mua các thiết bị lọc bụi lọc nước, trong khi chính quyền thì bỏ mặc.

Người dân đang phải chịu trận với tình hình ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Theo thông tin từ Hệ thống đo chất lượng không khí của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, Hà Nội tiếp tục bước vào đợt ô nhiễm từ cuối tháng 11, với chất lượng không khí ở mức rất kém.

Kinh khủng hơn, đây đã là đợt ô nhiễm thứ 4 trong năm nay. Với mỗi đợt kéo dài từ nửa đến một tháng, tính ra trong năm 2019, người dân đã phải sống trong ô nhiễm suốt 60 ngày.

Một con số rất khủng khiếp khi so với báo cáo mới đây từ Bộ Y tế. Phát biểu tại một Hội thảo gần đây về căn bệnh Ung thư, GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, số ca ung thư mới tăng nhanh từ 68.000 người năm 2000 lên gần 165.000 người vào năm 2018. Dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 200.000 ca vào năm 2020”. Dẫn tiếp thống kê mới nhất của Tổ chức Ung thư toàn cầu, “VN là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao, mỗi năm có hơn 300.000 bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư, khoảng 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân tử vong do ung thư.”

Bầu trời khu vực Cầu Giấy mù mịt.

Hai số liệu trên dù cho có độ vênh nhất định nhưng nhìn tổng quan mà nói, nó đều cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Và điều mà ai cũng biết, tế bào ung thư phát triển chính là từ những nhân tố chúng ta đưa vào cơ thể. Đó chính là thức ăn, nước uống và hơn hết là không khí mà ta thu nạp vào từng phút từng giây.

Vấn đề nghiêm trọng là như vậy, thế nhưng một ông chuyên gia tại Hà Nội lại đổ lỗi cho… ông trời.

PGS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội như hiện tại là đặc thù của thời tiết.

“Các nguồn phát thải ô nhiễm trong khu vực như giao thông, xây dựng về cơ bản có thể xem là không thay đổi trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, mấy ngày nay điều kiện khí tượng không thuận lợi cho việc khuếch tán”, ông Dũng nói. Hiểu đơn giản, không khí ô nhiễm nghiêm trọng là do bụi không thể thoát được đi nơi khác, nên người dân tạm thời cứ hít cho hết bụi là sẽ hết ô nhiễm.

Diễn biến chỉ số AQI tại Hà Nội tuần từ 22 đến 29/11.

Trong khi đó, Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch, cho rằng cần xác định thời tiết hay hiện tượng nghịch nhiệt chỉ là điều kiện làm tăng hoặc giảm mức độ ô nhiễm, chứ không phải là nguyên nhân gây ra ô nhiễm.

“Việc cần làm là xác định nguồn do hoạt động giao thông, sản xuất hay nguồn từ các tỉnh thành lân cận gây ra”, ông Tùng nói và cho rằng cần nhanh chóng tiến hành các phương pháp nghiên cứu khoa học để đưa ra con số cụ thể.

Thế đó, trong khi chính quyền thành phố gần như bất động, ngay cả khi xảy ra những sự cố ảnh hưởng đến môi trường rất nghiêm trọng như vụ cháy nhà máy bóng đèn Rạng Đông, hay vụ xả dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước tại Nhà máy nước Sông Đà. Khi các ông chuyên gia vẫn ngồi cãi nhau hoặc đổ lỗi cho ông trời, thì người dân đang ngày đêm phải hít bụi thải, hít thứ chất độc đó vào người. Với những gia đình có điều kiện còn chủ động bảo vệ mình với các thiết bị hỗ trợ như máy lọc không khí, lọc nước, khẩu trang chống bụi… chứ với những người lao động thu nhập thấp thì xem như chịu trận, chờ đợi cái án tử mang tên Ung thư có thể kéo đến bất cứ lúc nào.

Chính những lúc này, chính quyền nên thể hiện vai trò của mình, hãy thực hiện ngay những việc cần thiết để bảo vệ đời sống mà trên hết chính là sức khỏe của người dân, đó cũng chính là thước đo cho một chính quyền khỏe mạnh.

Nguyễn Thành An

Bài mới
Đọc nhiều