Chính quyền đã hành động quyết liệt rồi, kết quả còn lại là ở ý thức người dân?
TP.HCM sẽ xử phạt người ra khỏi nhà không có lý do chính đáng, cùng với quy định cụ thể trường hợp nào được ra ngoài, điều đó cho thấy công tác chống dịch đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Nghĩ cho từng người dân, những gì cần làm và có thể làm, chính quyền và các cơ quan chức năng đã nỗ lực thực hiện, phải chăng phần còn lại là ý thức và tinh thần đoàn kết chống dịch của toàn dân?
Số đông người dân đang sinh sống, mưu sinh tại TP.HCM đều ủng hộ chiến lược của lãnh đạo chính quyền và các cơ quan chức năng. Khẩu hiệu: “Thà chịu khó một lần rồi thôi” được người dân truyền đi khắp ngõ, xóm, mọi người động viên nhau chung lòng, chống dịch đợt này. Đây cũng là giai đoạn quyết định dập được dịch hay kéo dài thêm nữa, phụ thuộc phần lớn vào sự đồng lòng của nhiều người dân.
Sự đồng lòng đó, không chỉ ở việc bản thân, gia đình tuân thủ quy tắc 5K và các quy định của công tác chống dịch, hạn chế ra ngoài trừ việc bất khả kháng, mua thực phẩm, đến bệnh viện. Mà còn được người dân thực hiện thông qua trách nhiệm của mình với cộng đồng, tố cáo và lên án những hành vi đi ngược lại Chỉ thị 16 và công tác chống dịch của TP.
Chỉ thị 16 UBND TP.HCM đã giải thích rõ, các trường hợp thật sự cần thiết ra ngoài là: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác. Các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu là lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu…; ngân hàng, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng, công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm… chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ.
Như sáng 9-7, ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Trung tâm chỉ huy của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM nhận được thông tin người dân báo về – về việc các quán ăn bất chấp chỉ đạo công tác chống dịch, cố tình mở hàng ăn, bán mang về và lượt người đứng tụm lại chờ đợi. Từ thông tin “chạy bằng cơm” này, cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời và xử lý nhanh chóng. Đây chính là điểm cộng, sự đóng góp này rất đáng được hoan nghênh và cơ quan thực hiện công tác phòng chống dịch rất cần nhận được nhiều sự tiếp sức, gửi về từ dân như thế này.
Giãn cách xã hội, công tác chống dịch chỉ có ý nghĩa khi người người và nhà nhà hiểu rõ như thế nào giãn cách. Giãn cách nhưng hàng quán mở cửa để người người tập trung lại, hoặc giãn cách mà các nhà gần nhau vẫn giao lưu, trò chuyện với nhau thì cuộc chống dịch sẽ bị gãy, chẳng thể nào đạt được kết quả tốt nhất. Một cây làm chẳng nên non, đó cũng là lý do các cơ quan chức năng kêu gọi tinh thần đoàn kết, để đẩy lùi dịch bệnh là vậy.
Trong giai đoạn chống dịch đầy căng thẳng này, nhất là người lao động buôn bánh bán bưng có nhiều nỗi lo và cũng nhiều bức bách. Có thể gánh nặng mưu sinh, cơm, áo, gạo, tiền hằng lên đôi vai và áp lực tăng dần qua mỗi ngày dịch bệnh. Trong trạng thái mất tự chủ vì quá lo sợ thì khả năng kiểm soát hành vi càng nhiều, và có khi chỉ cần một hành động sai lầm trong nhận thức, trong khoảnh khắc ngắn ngũi và sự ích kỷ cá nhân, vô hình trung làm vuột mất cơ hội quý giá dập dịch của cả TP – lợi ích lâu dài không chỉ cho mình, mà cho cả cộng đồng, mà trước đó chúng ta đã rất cố gắng để tạo dựng.
Do vậy, dù hoàn cảnh như thế nào, chúng ta cũng bình tĩnh để điều chỉnh, đừng để phải nói lời xin lỗi, ân hận khi đã quá muộn.
Thái Thanh