Chính quy hóa Công an xã – xu thế tất yếu trong xây dựng nhà nước pháp quyền
Sự thay đổi lãnh đạo công an các tỉnh Đồng Nai, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… thực sự đã tạo nên “những địa chấn” lớn. Đánh thẳng đánh mạnh vào tận hang ổ thành trì tội phạm xã hội gây sóng tạo gió cho nhiều vùng quê. Tội phạm bị xử lý, các băng nhóm bị trừng trị, tình hình tội phạm giảm hẳn, trả lại sự bình yên vốn có. Song như Trung tướng Nguyễn Danh Cộng chia sẻ thì “đấy mới chỉ là một mặt công tác tổ chức của ngành mà xã hội nhận thấy, còn những biện pháp tổ chức làm thay đổi hẳn công tác nghiệp vụ cơ bản mà mọi người chưa biết, đó là việc điều động, bố trí công an chính quy về xã”.
Với tâm niệm: “Mỗi một tội phạm giảm bớt là bớt đi sự đau khổ cho gia đình họ, không phải xấu hổ trước dư luận xã hội và giảm đi sự phản ứng bất mãn với xã hội của bản thân họ. Xã hội sẽ bình yên hơn, cuộc sống sẽ vui tươi hơn”. Tầm tư duy chiến lược cùng những quyết định táo bạo, mang tính căn cơ đột phá, vị tư lệnh ngành Công an đã có những bước đi tiên phong về cải cách.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi được Quốc hội bầu làm Bộ trưởng Bộ Công an (ngày 9/4/2016), trên cương vị công tác mới, Bộ trưởng Tô Lâm đã nêu rõ mục tiêu của Lực lượng Công an là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương để đảm bảo cho người dân được thụ hưởng một xã hội an toàn. Mà để “an lành”, “an toàn” thì cái ác phải được ngăn chặn, loại trừ ngay từ trong trứng chứ không phải chờ đến khi nó “lớn” lên, bung ra thành vụ án rồi mới tính đến chuyện… phá.
Theo đó, tiếp nối cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Bộ Công an điều động, bố trí đưa lực lượng công an chính quy về các cơ sở. Đến nay (tính đến tháng 9/2020), đã có 63/63 địa phương điều động, bố trí được 43.175 cán bộ công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 100% số xã, thị trấn trong cả nước mà không tăng biên chế như khẳng định của Bộ trưởng Công an Tô Lâm: “Việc đưa công an chính quy về xã sẽ không dẫn đến phình biên chế trong ngành. Chúng tôi đưa lực lượng công an chính quy về hoạt động ở cấp xã nhưng không xin thêm một suất biên chế nào mà chỉ điều chỉnh trong ngành. Tất cả vẫn theo tinh thần Bộ tinh gọn, tỉnh cũng phải gọn gàng, huyện cũng thế”. Những điều này càng có cơ sở hơn khi như Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Tuấn Anh đánh giá “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở Bộ Công an từ năm 2015 đến nay đã giảm hơn 30.500 biên chế, tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước”.
Điều cốt yếu đối với người dân và xã hội chính là việc, lực lượng công an xã đã trở thành một lực lượng trọng yếu trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Việc bố trí trưởng công an xã không phải người địa phương đã góp phần giải quyết công việc không bị ràng buộc bởi quan hệ họ hàng, dòng tộc. Công tác nắm tình hình và giải quyết vụ việc của công an xã chính quy, do thực hiện chế độ trực ban chiến đấu 24/24 của ngành công an, chủ động bám sát địa bàn, kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ nên đã nắm sâu sát hơn tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ ngày 31/3/2020 đến nay, lực lượng Công an xã chính quy đã giải quyết hàng chục ngàn vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự,lập hồ sơ xử lý hơn 3000 vụ, xử lý gần 8.500 đối tượng. Công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại cơ sở thường xuyên; động viên giúp đỡ, hướng nghiệp qua đó góp phần kiềm chế đối tượng, giúp cho việc hạn chế các hành vi phạm tội xảy ra.
Sự có mặt của công an chính quy ở xã đã phần nào răn đe, uy hiếp các đối tượng có âm mưu xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ngay từ khi có manh nha ý định. Tình hình an ninh, trật tự ở các xã đều có những chuyển biến rất tích cực và rất rõ nét. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm rõ rệt. An ninh chính trị luôn được đảm bảo, các tội phạm loại đều trong tầm ngắm và bị kiềm tỏa trong vòng kim cô. Tất cả những điều đó đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn ở cơ sở, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yêu cho nhân dân.
Thực tế đã cho thấy rất rõ, việc ban hành Nghị định quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy là cấp thiết, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở hiện nay. “Có những xã biên giới hàng trăm km vuông, dân đông đúc; rồi xã giáp ranh, xã biên giới còn phức tạp hơn phường rất nhiều. Chúng tôi nghe những tiếng kêu thấu lòng từ người dân, có những việc họ không được giải quyết một cách căn cơ. Bố trí Công an chính quy xuống xã là để giải quyết những vấn đề đó” – lời chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công an và có lẽ cũng là mong mỏi của người dân trên những nẻo miền quê. Chưa kể, việc đưa công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được ghi nhận trong Nghị quyết 22 về xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Rõ ràng, đây là việc làm tất yếu, phù hợp với chủ trương lớn của Đảng, phù hợp với tình hình thực tiễn, không cớ gì cứ mãi nợ đọng.
Nguyễn Trần