Chính phủ Việt Nam tiếp tục lắng nghe, sẵn sàng đáp ứng các kiến nghị của doanh nghiệp trong điều kiện cho phép
Làm việc với các doanh nghiệp châu Âu, nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa các bên, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép; những gì đã làm được phải làm tốt hơn, khi chưa có giải pháp căn cơ thì chọn giải pháp tốt nhất trong các giải pháp có thể.
Tiếp tục chương trình làm việc với Đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, chiều ngày 9/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), Đại sứ các nước EU, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) và một số tập đoàn, doanh nghiệp của châu Âu tại Việt Nam.
Trong không khí ấm áp, tình cảm, chân thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của Phái đoàn Liên minh Châu Âu, Đại sứ quán các nước EU tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp cùng cộng đồng doanh nghiệp EU đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam – EU, đặc biệt là hợp tác về kinh tế – thương mại – đầu tư; đồng thời cảm ơn EU và các nước thành viên đã cam kết viện trợ hơn 10 triệu liều vaccine và trang thiết bị y tế cho Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện và đồng hành để các doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam; khuyến khích và mong muốn các nước EU hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào những lĩnh vực mà EU có nhu cầu, từng bước tạo cân bằng và hợp tác lâu dài, cùng có lợi về đầu tư và thương mại. Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19; khẳng định thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh đây chỉ là những khó khăn nhất thời, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và ban hành Nghị quyết số 105 ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng an toàn với dịch bệnh cả trước mắt và lâu dài.
Trên tinh thần cởi mở, chân thành, xây dựng và trách nhiệm cao, các Đại sứ và đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp EU đánh giá cao việc tổ chức cuộc làm việc để đối thoại về các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong duy trì chuỗi cung ứng, vận chuyển và lưu thông hàng hóa, tổ chức sản xuất, cấp phép lao động và nhập cảnh cho các chuyên gia, tiêm vaccine… Đồng thời tán thành với nhận định của Thủ tướng về việc phòng chống dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải có biện pháp phù hợp với tình hình, vừa làm vừa điều chỉnh; nhấn mạnh biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm sản xuất, lưu thông an toàn của Chính phủ Việt Nam là đúng hướng, tuy nhiên mong muốn việc tổ chức thực hiện tại các địa phương cần linh hoạt, hiệu quả, thông suốt hơn, xử lý kịp thời hơn các tình huống phát sinh tại cơ sở.
Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương đã trực tiếp giải đáp ngay những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; trong đó có nhiều vấn đề đã và đang được phía Việt Nam giải quyết, nhất là theo Nghị quyết số 105 vừa được Chính phủ ban hành, theo đó, các bộ ngành sẽ cụ thể hóa để sớm tổ chức thực hiện, các địa phương và doanh nghiệp cũng sẽ chủ động hơn trong áp dụng các giải pháp chống dịch. Thủ tướng khẳng định phải đảm bảo việc duy trì sản xuất, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bên cạnh các biện pháp phòng dịch phù hợp với thực tiễn; thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược và tăng cường năng lực y tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ trưởng các bộ ngành liên quan và Chủ tịch UBND các địa phương xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn cụ thể, thống nhất, tạo thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện phương án tổ chức sản xuất trên tinh thần sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất. Các địa phương phải tích cực rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành các quy định không phù hợp với tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ về việc duy trì, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trước đề xuất của một số doanh nghiệp về vaccine, Thủ tướng khẳng định chủ trương tiêm miễn phí cho người dân, trong đó đã có chỉ đạo cụ thể về thiết lập đầu mối liên lạc và tiêm vaccine cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam; ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao, làm việc trong các chuỗi cung ứng tại doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp EU.
Thủ tướng đề nghị các Đại sứ và cộng đồng doanh nghiệp EU tại Việt Nam tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU phát triển lên tầm cao mới; có tiếng nói thúc đẩy để Quốc hội và Chính phủ các nước EU phê chuẩn Hiệp định EVIPA trong thời gian sớm nhất; tiếp tục hỗ trợ vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị cho Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; có nhiều sáng kiến, chủ động tích cực khắc phục tác động của dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thúc đẩy Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với Việt Nam. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại các nước EU học tập, lao động và sinh sống.
Nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa các bên, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp EU và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép; những gì đã làm được phải làm tốt hơn, khi chưa có giải pháp căn cơ thì chọn giải pháp tốt nhất trong các giải pháp có thể.
Các đại sứ, doanh nghiệp EU bày tỏ sự đồng cảm và cảm ơn Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã và đang tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay; đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới; khẳng định mong muốn tiếp tục thúc đẩy, phát triển hơn nữa hoạt động đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
* Cũng tại buổi làm việc, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã trao Bộ Y tế khoản hỗ trợ trang thiết bị y tế trị giá 40 tỷ đồng từ đóng góp của các doanh nghiệp.
Hà Văn