+
Aa
-
like
comment

Chính phủ Việt Nam tạo ra siêu lực hút với tân Thủ tướng Nhật Bản

Đặng Trường - 21/10/2020 22:41

Để Việt Nam có được vị thế ngày hôm nay, đó là nỗ lực của cả bộ máy Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nhiều dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao.

Những bản ghi nhớ thảo thuận hợp tác về quốc phòng an ninh đã được ký kết dưới sự chứng kiến cuả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

Những năm vừa qua, chúng ta đã thấy một Chính phủ kiến tạo và hành động, đưa bộ mặt kinh tế và vị thế của Việt Nam vươn tầm thế giới. Chẳng dễ dàng gì kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng 6,8%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Kể cả khi kinh tế nhiều nước trên thế giới lao đao vì dịch Covid-19, một số nền kinh tế lớn tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương. Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Đặc biệt, nước ta chưa bao giờ đón nhận làn sóng đầu tư hàng tỷ USD vào đất nước nhiều như hiện nay. Nhiều quốc gia chứ không riêng gì Mỹ đã chuyển trục sang Châu Á-Thái Bình Dương và xu hướng các tập đoàn sản xuất quốc tế dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đến Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng, đồng thời khẳng định vị thế của đất nước rất lớn. Tất cả những thành quả tuyệt vời này xuất phát sự nỗ lực của cả bộ máy Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bằng hàng loạt chính sách “giải cứu” doanh nghiệp và người dân. Tất nhiên, không thể không nhắc đến tinh thần đoàn kết, ủng hộ, ý chí vượt qua khó khăn của toàn thể người dân trên cả nước.

Như một điểm sáng nổi bật trong năm 2020, Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Chính phủ Việt Nam được thế giới ca ngợi là một Chính phủ vì dân, chủ động, linh hoạt, minh bạch và hết mình đưa người dân thoát khỏi vòng xoáy tử thần. Cũng vì điều này mà Việt Nam ngày càng nhận được sự tín nhiệm cao của quốc tế trên tất cả các Diễn đàn quốc tế bao gồm cả vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc 2020-2021.

Cuộc gặp gỡ thân tình giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Việc tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhậm chức đã phần nào khẳng định niềm tin, sự coi trọng của đất nước họ dành cho Việt Nam. Khi mọi điều về Việt Nam đều chân thực thì chuyến thăm của tân Thủ tướng Nhật càng trở nên gần gũi và thân thiện. Và một lần nữa, không thể không nhắc đến vai trò của Chính phủ, sự hiện diện tiếp đón nồng hậu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành cho ông Yoshihide Suga. Đó là bước khởi đầu để hai bên cảm thấy hài lòng về mối quan hệ Việt-Nhật, để nhất trí về phương hướng lớn và các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng. Và để cuối cùng, hai người đứng đầu Chính phủ của hai nước cùng chứng kiến lễ trao đổi 12 văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước với tổng trị giá gần 4 tỷ USD. Từ việc tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, nông nghiệp, nguồn nhân lực đến việc nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, các cơ chế đối thoại các cấp, đặc biệt là cấp cao, hợp tác thực chất, đi vào chiều sâu hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả quốc phòng (chuyển giao kỹ thuật quốc phòng), an ninh, phòng chống Covid-19.

Khi biết miền Trung Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, mất mát, đau thương do thiên tai gây ra, Nhật Bản đã quyết định cung cấp vật tư hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam. Đất nước có nhiều kinh nghiệm về phòng chống thiên tai này sẽ tiếp tục chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về phòng chống thiên tai tới Việt Nam. Từ đó, đủ thấy mối quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản phải chân tình lắm thì Nhật Bản mới nhiệt tình chia sẻ khó khăn với chúng ta như vậy.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đi dạo tại Hồ Gươm.

Niềm vui càng nhân đôi khi cả hai nước đều khẳng định tầm quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế… Đây là một sự thành công rất lớn sau nhiều nỗ lực kêu gọi quốc tế duy trì và bảo vệ hòa bình, ổn định trên biển Đông. Trước sự vui vẻ, thân thiện và chân thành từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Suga đã cởi mở chia sẻ rằng: “Tôi chọn Việt Nam vì đây là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp đầu tiên ra thế giới”. Phải chăng thông điệp ấy là là sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc, nhiều mặt mà Nhật Bản sẽ có được khi hợp tác đi cùng Việt Nam?

Có thể thấy, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản không chỉ là nghi lễ ngoại giao cứng nhắc mà còn có sự chân thành. Bởi chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho lãnh đạo nước bạn thấy được tiền năng “rất hữu ích và hiệu quả” trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Và chính tất cả những điều đó đã khiến người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản còn bày tỏ quyết tâm: “Tôi xin cam kết nắm chặt tay với ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiếp tục phát triển mối quan hệ hai nước, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng ở khu vực”. Đồng thời, Thủ tướng Suga còn gửi lời mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản 2020. Đây là một kết quả tốt đẹp cho cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

Đặng Trường  

Bài mới
Đọc nhiều