Chính phủ làm gì để vừa chống virus corona, vừa chống virus trì trệ?
“Trước mắt, chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phải quyết tâm ở những tháng sau để bù đắp cho tháng chịu tác động của dịch bệnh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.
“Thủ tướng nói ‘chống virus trì trệ’ là mong muốn toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đồng tâm, nhất trí, tin tưởng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế – xã hội”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ với PV.
– Thưa Bộ trưởng, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, nhận định và ứng phó ban đầu của Chính phủ như thế nào?
– Ngay khi nghe báo cáo của Bộ Công an về dịch bệnh viêm phổi lạ chưa rõ nguyên nhân tại tỉnh Hồ Bắc, Vũ Hán (Trung Quốc), nhận định dịch có thể lây sang Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt quan tâm thông tin này.
Dịch lan rất nhanh trong nội địa Trung Quốc vào đầu Tết Dương lịch, gần Tết Âm lịch, thời điểm giao thương hàng hóa và qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn. Do vậy, việc thông tin, tuyên truyền để nhân dân nắm được, phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm ở Vũ Hán có 100 người nhiễm virus, Thủ tướng ngay lập tức đã chỉ đạo ngành y tế khẩn trương ban hành kế hoạch ứng phó với dịch.
Một tuần sau, Thủ tướng tiếp tục có công điện chỉ đạo việc chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch lây lan vào Việt Nam với phương châm: “Chống dịch như chống giặc”.
Khi dịch ở Trung Quốc lan nhanh, bắt đầu phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên ở nước ta, Thủ tướng đã nhận định dịch Covid-19 là nghiêm trọng, phức tạp, khó lường vì nước ta là nước giáp biên giới với Trung Quốc, giao thương và giao lưu văn hóa rất lớn. Biên giới Việt – Trung dài hơn 1.400 km, giữa ta với bạn có nhiều đường mòn, lối mở. Do vậy, việc kiểm soát dịch của người dân qua lại gặp nhiều khó khăn.
Cùng với nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 05 chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dù nước ta chưa công bố dịch (theo quy định thì các biện pháp này chỉ triển khai khi đã công bố dịch).
Chúng ta đã nhanh chóng kiểm soát chặt, hạn chế người nước ngoài từ vùng dịch hoặc đã lưu trú tại vùng dịch vào Việt Nam, dừng các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam và từ Việt Nam đến vùng dịch.
Người Việt Nam từ Trung Quốc về nước bằng đường bộ qua các cửa khẩu và một số sân bay chỉ định; chuẩn bị cơ sở vật chất (trước hết là các doanh trại quân đội) để cách ly, theo dõi trong 14 ngày.
Đến nay, cơ bản chúng ta đang kiểm soát được dịch khi 15/16 ca nhiễm đã được điều trị khỏi và không phát sinh ca nhiễm mới.
– Khó khăn và áp lực mà Chính phủ phải đối mặt khi virus corona gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp ở Việt Nam là gì, thưa ông?
– Khó khăn vô cùng nhiều. Dịch Covid-19 kéo dài đã và đang có những ảnh hưởng đến nhiều mặt..
Trước hết là làm tăng chi phí y tế. Thủ tướng ngay ban đầu đã quyết định bổ sung từ ngân sách 517,7 tỷ đồng cho Bộ Y tế để phòng chống dịch bệnh.
Với du lịch, theo báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đến tháng 4/2020 (ba tháng kể từ khi có dịch), ngành du lịch có thể thiệt hại khoảng trên 7 tỷ USD. Kéo theo đó là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống suy giảm theo.
Ngành vận tải hàng không cũng chịu tác động mạnh do hơn 79,8% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sử dụng hàng không của Việt Nam.
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, việc Trung Quốc tạm dừng thông quan, tăng cường quản lý và siết chặt các cửa khẩu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là đối với ngành hàng nông – thủy sản và hàng hóa là nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (dệt may, da giày, hóa chất và sản phẩm từ hóa chất…).
Đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng, dịch làm thị trường chứng khoán trầm lắng, làm giảm cầu tín dụng, tiềm ẩn tăng nợ xấu.
Đối với thu ngân sách Nhà nước, dự báo dịch bệnh làm giảm số thu ngân sách năm 2020 từ 18.000 đến 42.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương giảm thu khoảng 9.000 đến 23.000 tỷ đồng.
Tái cơ cấu và mở rộng thị trường, nâng sức tiêu thụ trong nước
– Vì sao trong các cuộc họp của Chính phủ, ngoài nhiệm vụ chống virus corona, Thủ tướng lại nhắc đến việc phải chống virus trì trệ. Phải chăng dịch bệnh đã làm xuất hiện tâm lý lấy cớ để “án binh bất động”?
– Trong chỉ đạo, Thủ tướng luôn nhấn mạnh phải tăng cường và dùng biện pháp mạnh nhất để phòng chống virus corona, song song với đó phải thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chính phủ chỉ đạo quyết liệt như vậy nhưng cũng không loại trừ ở chỗ này chỗ khác còn lợi dụng vấn đề chống dịch để trì trệ, ỷ lại, án binh bất động, gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta chấp nhận thiệt hại về kinh tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ, tính mạng của người dân. Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất. Nếu không có mệnh lệnh, quyết tâm này từ người đứng đầu Chính phủ thì sẽ có hiện tượng trì hoãn, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến thúc đẩy tăng trưởng.
Hơn nữa, vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, trường hợp dịch bệnh được khống chế trong quý I/2020 thì tăng trưởng ở mức 6,25% giảm 0,55% so mục tiêu đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua (6,8%). Trường hợp dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, tăng trưởng ở mức 5,96%, giảm 0,84%.
Để bảo đảm tăng trưởng theo mục tiêu đề ra (6,8%) thì trung bình quý III và quý IV chúng ta phải tăng trưởng 7,5%.
Các kịch bản này cho thấy dịch bệnh có tác động lớn và phức tạp đến kinh tế nước ta. Nếu chúng ta chủ quan, lơ là, không quyết liệt, đề cao tinh thần trách nhiệm để tìm giải pháp đột phá tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì rất khó để giảm tác động, chưa kể đến việc có thể duy trì và đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2020.
Nguy hiểm hơn, nó sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng, không tạo ra tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Do vậy, Thủ tướng nói “chống virus trì trệ” là mong muốn toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đồng tâm, nhất trí, tin tưởng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế – xã hội.
– Để vừa chống virus corona, vừa chống virus trì trệ như Thủ tướng đã chỉ đạo, Chính phủ đã đề ra giải pháp, hướng đi gì?
– Chính phủ thống nhất trước mắt chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phải quyết tâm, nỗ lực phát triển kinh tế ở những tháng sau để bù đắp cho tháng chịu tác động của dịch bệnh.
Thủ tướng nhấn mạnh không điều chỉnh tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác trong năm 2020, nhất là trong những tháng đầu năm.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm.
Chính phủ yêu cầu có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, chúng ta cần lập phương án để kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất, thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, kiểm soát mặt bằng giá cả, nhất là mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá.
Về du lịch, Chính phủ đề nghị nghiên cứu chính sách miễn, giảm lệ phí, kéo dài thời hạn visa du lịch.
Đặc biệt, cần ổn định, giữ vững các quan hệ đối ngoại, chuẩn bị và tổ chức tốt các sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước trong năm 2020.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại để nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chọi và thích ứng tốt hơn với các biến động. Đi cùng với đó là nghiên cứu thành lập các đội phản ứng nhanh để kịp thời đề xuất giải pháp góp phần bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh…
– Kịch bản dự báo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cho thấy nếu khống chế dịch chậm, tăng trưởng sẽ đạt thấp. Mục tiêu tăng trưởng đề ra (6,8%) tạo áp lực, thách thức thế nào cho Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành?
– Các kịch bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cho thấy, chúng ta càng khống chế dịch chậm trễ bao nhiêu thì tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế càng lớn bấy nhiêu. Đây chính là áp lực, thách thức rất lớn không chỉ đối với Chính phủ nói riêng mà còn đối với cả xã hội Việt Nam nói chung.
Nhưng tôi tin với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành và sẻ chia những nỗ lực, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân với Chính phủ, với tinh thần “lửa thử vàng, gian nan thử sức” như Thủ tướng đã phát biểu, chúng ta sẽ “biến nguy thành cơ” để tận dụng các cơ hội.
Thủ tướng, thành viên Chính phủ gần như không có Tết
– Vừa chống dịch, vừa phải lo phát triển kinh tế, thời gian làm việc của lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ được sắp xếp thế nào để có thể đảm bảo nhanh chóng, quyết liệt đưa ra giải pháp điều hành?
– Công tác phòng, chống dịch bệnh được Thủ tướng đặc biệt quan tâm.
Ngay từ trước Tết Nguyên đán, các hoạt động phòng, chống dịch đã được thực hiện (từ ngày 16/1). Những ngày cận Tết và trong dịp Tết, Thủ tướng, các phó thủ tướng trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan về phòng, chống dịch.
Từ ngày mùng 2 Tết (26/1) đến nay, Thủ tướng, các phó thủ tướng đã có 70 cuộc họp, trong đó 11 cuộc với nội dung phòng, chống dịch Covid-19. Chiều mùng 3 Tết có cuộc họp do Thủ tướng chủ trì nhưng ngay từ mùng 2 Tết, các cán bộ đã phải đi làm, có mặt ở cơ quan để chuẩn bị tài liệu.
Là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ và Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị huy động lực lượng, đề cao tinh thần trách nhiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch, đồng thời vẫn phải bảo đảm các hoạt động bình thường khác. Qua thống kê, khối lượng công việc có tăng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa từng có dịch bệnh đến mức Thủ tướng phải công bố như hiện nay; có nhiều việc yêu cầu xử lý nhanh, kịp thời.
Hàng ngày, Văn phòng Chính phủ đều có 2 báo cáo nhanh cho Thủ tướng về tình hình phòng, chống dịch.
Có thể nói Thủ tướng, các phó thủ tướng, thành viên Chính phủ và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ gần như không có Tết vì phải thường xuyên cập nhật tình hình, theo dõi sát sao diễn biến dịch. Các thành viên Chính phủ chỉ có thời gian rất ngắn về thăm gia đình, còn lại dành hết thời gian cho công việc với nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Nhiệm vụ này rất quan trọng bởi nếu làm không tốt có thể tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng hoặc cũng có thể khiến người dân khinh suất, không chủ động phòng, chống dịch.
Hoài Thu – Hải Nam/ ZFN