+
Aa
-
like
comment

Chính phủ Hà Lan sụp đổ

Bảo Trâm - 08/07/2023 10:49

Ngày 7/7, Chính phủ liên minh của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã sụp đổ do bất đồng không thể vượt qua về cách giải quyết vấn đề người di cư. Dự kiến, cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết sự khác biệt giữa các liên minh trong nội các đã “không thể vượt qua”. Ảnh: CNN

“Các đối tác trong liên minh cầm quyền có quan điểm khác nhau về chính sách nhập cư. Hôm nay, thật không may khi chúng tôi đi đến kết luận rằng những khác biệt đó là không thể vượt qua. Tôi sẽ đại diện toàn bộ nội các gửi đơn xin từ chức đến nhà vua”, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói ngày 7/7.

Chính phủ Hà Lan sau đó xác nhận ông Rutte đã nộp đơn từ chức và dự kiến gặp Vua Willem-Alexander trong ngày 8/7, đánh dấu sự sụp đổ của liên minh cầm quyền.

Ông Rutte và các thành viên trong nội các sẽ tiếp tục lãnh đạo Hà Lan với tư cách chính phủ tạm quyền cho đến khi chính phủ mới được thành lập sau cuộc bầu cử. Chính phủ tạm quyền không thể ra quyết định với các chính sách mới, nhưng ông Rutte nói sự ủng hộ của Hà Lan dành cho Ukraine sẽ không bị ảnh hưởng.

Hãng tin ANP dẫn nguồn ủy ban bầu cử quốc gia Hà Lan nói nước này sẽ không tổ chức bầu cử trước giữa tháng 11. Quá trình bỏ phiếu và thiết lập chính phủ ở Hà Lan thường kéo dài nhiều tháng, trong bối cảnh chính trường có sự rạn nứt.

Chính phủ của Thủ tướng Rutte gặp khủng hoảng sau khi đảng bảo thủ VVD của ông thúc đẩy áp hạn chế với dòng người tị nạn đến Hà Lan. Tuy nhiên, hai trong số 4 đảng thuộc liên minh cầm quyền từ chối ủng hộ chính sách này.

Căng thẳng lên cao trong tuần, khi ông Rutte yêu cầu các đảng trong liên minh cầm quyền ủng hộ đề xuất hạn chế tiếp nhận con cái của những người tị nạn và các gia đình thuộc diện này phải chờ ít nhất hai năm trước khi có thể đoàn tụ. Đảng Liên minh Cơ Đốc và D66 trong liên minh cầm quyền coi đề xuất này là “quá mức”, dẫn đến bế tắc trong đàm phán.

Ông Rutte, 56 tuổi, là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Hà Lan và có tiếng nói trong Liên minh châu Âu. Ông bắt đầu lãnh đạo chính phủ từ tháng 10/2010 và đang trong nhiệm kỳ thứ tư. Ông dự kiến tiếp tục dẫn dắt VVD trong cuộc bầu cử sắp tới.

Dòng người xin tị nạn ở Hà Lan đã tăng vọt bất chấp có những chính sách nhập cư khó khăn nhất của châu Âu. Ảnh: CNN

Hà Lan đang áp dụng một trong những chính sách nhập cư cứng rắn nhất châu Âu, nhưng dưới áp lực từ phe cánh hữu có quan điểm bài nhập cư, ông Rutte nhiều tháng qua buộc phải tìm cách hạn chế hơn nữa dòng người tị nạn đến nước này.

Hơn 46.000 người đã nộp đơn xin tị nạn ở Hà Lan năm ngoái, và có thể tăng lên 70.000 trong năm nay, vượt đỉnh hồi năm 2015, gây áp lực lên các cơ sở tị nạn. Hàng trăm người nhập cư năm ngoái đã phải ngủ ngoài trời, thiếu hoặc không có nước sạch, nhà vệ sinh hay cơ sở y tế.

Hiện người Hà Lan phải đối mặt với một trong những chiến dịch tranh cử chia rẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đảng mới Phong trào Công dân-Nông dân (BBB), do những người nông dân phản đối các quy định môi trường của chính phủ đứng đầu, sẽ tìm cách lặp lại thành công như trong cuộc bầu cử Thượng viện đầu năm nay.

Chủ tịch đảng này, bà Caroline van der Plas đã từ chối tham gia liên minh với ông Rutte và không loại trừ khả năng đứng ra nhận chức Thủ tướng nếu đảng của bà giành nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử tới.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Lan nằm trong số những nước có nguy cơ gia tăng bất ổn xã hội cao nhất châu Âu khiến nhiều cuộc biểu tình trỗi dậy. Giờ đây, khi Chính phủ Hà Lan sụp đổ, không những chính trị và kinh tế Hà Lan sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều