+
Aa
-
like
comment

Chính phủ dự báo những thay đổi gì sau dịch Covid-19?

17/05/2020 06:29

Chính phủ dự báo sẽ có nhiều thay đổi về kinh tế, chính trị trên toàn thế giới sau dịch Covid-19. Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ hơn.

Mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019, tình hình triển khai năm 2020 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong báo cáo này, Chính phủ dự báo một số xu hướng thay đổi trên thế giới và cả Việt Nam trong thời gian tới, nhất là sau khi trải qua dịch Covid-19.

Thế giới sẽ thay đổi ra sao?

Chính phủ cho rằng xu hướng tiêu dùng, thương mại và xu thế phát triển sẽ thay đổi. Sẽ xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mưới dựa trên kinh tế số, theo nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc.

Trên thế giới, sẽ có sự thay đổi về trật tự, vai trò, vị trí của các quốc gia trong quan hệ đối ngoại và thay đổi khoảng cách phát triển giữa các nước. Từ đó ảnh hưởng tới dòng đầu tư, thương mại giữa các quốc gia; thay đổi khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.

Sự thay đổi của thế giới do dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng khá lớn đến Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến các quan điểm giữa toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập với chủ nghĩa dân tộc, dân túy, bảo hộ, biệt lập. Vấn đề biên giới và chủ quyền sẽ được chú trọng hơn trong quan hệ kinh tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Sắp tới, các quốc gia sẽ tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường, làm thay đổi thương mại toàn cầu. Các chuyên gia quốc tế nhận định Covid-19 sẽ không làm giảm sự phụ thuộc của toàn cầu vào Trung Quốc do nước này vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh đáng kể trong nhiều lĩnh vực như sản xuất điện tử, máy móc và thiết bị.

Chính phủ cũng dự báo trên thế giới, niềm tin người dân, cộng đồng, doanh nghiệp dễ bị tổn thương hơn sau dịch Covid-19. Theo đó, sức khỏe cộng đồng được đặt lên trước, cao hơn quyền tự do cá nhân.

“Sẽ có sự thay đổi nhu cầu mới về lao động, việc làm phù hợp với phương thức sản xuất, kinh doanh và tình hình mới”, báo cáo nêu.

Nhu cầu công việc liên quan đến công nghệ sẽ tăng cao

Trong báo cáo, Chính phủ cũng dự báo một số xu hướng phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, quan hệ đối ngoại của Việt Nam sẽ được tăng cường nhờ các nỗ lực hợp tác quốc tế để đối phó với dịch Covid-19 và đã được đánh giá cao.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia dự báo có một số điểm sáng như: Nhiều mặt hàng của Việt Nam gồm trang thiết bị y tế, gạo, nông sản… đã tìm được cơ hội để thâm nhập vào các thị trường mới. Việt Nam có cơ hội trở thành thị trường thay thế trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn…

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia cũng có tác động gây khó khăn cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước. Các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác chính trong thời gian tới, đặc biệt là những nước đang chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch Covid-19 như Mỹ và châu Âu.

Sẽ có xu hướng mới về công nghệ, lao động sau dịch Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh.

Về xu hướng phát triển sắp tới của Việt Nam, Chính phủ đưa ra một số dự báo.

Thứ nhất, quá trình chuyển đổi số sẽ được ưu tiên phát triển trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, giúp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi vào đời sống nhanh, mạnh và có hiệu quả nhất. Tuy vậy, kinh tế số sẽ tạo ra luật chơi mới và yêu cầu các doanh nghiệp phải có sáng tạo, thích ứng nhanh nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Thứ hai, mô hình kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc và linh hoạt thích ứng. Muốn đảm bảo các yêu cầu trên, tăng trưởng toàn diện, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh xã hội sẽ là những yếu tố quan trọng, cần xem xét khi xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ ba, mô hình tăng trưởng trong tương lai phải bảo đảm tính bền vững hơn, cần sự thay đổi trong mô hình sản xuất và tiêu dùng, đây được xem là cốt lõi của tất cả các hoạt động kinh tế.

Thứ tư, gia tăng nhu cầu mới về lao động, việc làm phù hợp với phương thức sản xuất kinh doanh và tình hình mới. Thị trường lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, nhu cầu về các công việc liên quan đến công nghệ sẽ tăng cao. Xu thế làm việc từ xa sẽ được tiếp tục và tăng cường với lực đẩy chuyển đổi số.

Sẽ hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ

Theo nhận định của Chính phủ, cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19 hiện nay không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới mà từ yếu tố khách quan. Tuy nhiên, tác động và phạm vi ảnh hưởng của dịch là nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.

Tại cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997, kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển và mở cửa hội nhập, tăng trưởng kinh tế đang ở mức cao 8,15%. Tuy nhiên do tác động của khủng hoảng, tăng trưởng GDP năm 1998 đã giảm xuống còn 5,76% (mục tiêu đề ra là 9%). Thậm chí tăng trưởng kinh tế năm 1999 chỉ đạt 4,77%.

 

Tuy nhiên, do độ mở và mức độ hội nhập của nền kinh tế chưa cao và có sự chủ động ứng phó từ trong nước nên nền kinh tế đã vượt qua trong thời gian ngắn. Tăng trưởng kinh tế hồi phục trở lại, năm 2000 đạt 6,79% (mục tiêu đề ra 5,5-6%), năm 2001 đạt 6,89%.

Tiếp đến khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008, nước ta mới gia nhập WTO, đã làm tăng trưởng GDP năm 2007 xuống còn 5,66% (mục tiêu đề ra là 8,5-9%) và năm 2009 chỉ còn 5,4%.

Do đó, Chính phủ cho rằng năm 2020 cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng theo 2 kịch bản dự kiến. Dự kiến GDP năm nay tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%).

Chính phủ nhấn mạnh về trung và dài hạn, cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại.

Việt Nam sẽ hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức chống chịu và khả năng thích ứng với các biến động bên trong và bên ngoài của nền kinh tế.

Hiếu Công/ZN

Bài mới
Đọc nhiều