+
Aa
-
like
comment

Chính phủ đề xuất hỗ trợ tiền cho trẻ mồ côi, phụ nữ gặp khó khăn trong đại dịch

20/10/2021 18:25

Trong đại dịch Covid-19, khó khăn nhất vẫn là phụ nữ mang thai, phụ nữ là F0, nữ nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, trẻ mồ côi cha mẹ. Vì vậy Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hỗ trợ bằng tiền mặt để góp phần ổn định lại cuộc sống.

Gương mặt sau khi tháo khẩu trang của bác sĩ Nguyễn Trần Anh Thư, làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 6, TP Thủ Đức, tháng 7/2021. Ảnh: Hữu Khoa

Cơ quan này đang xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ, trẻ mồ côi khó khăn do Covid-19. Kinh phí dự kiến hơn 127 tỷ đồng, trích từ nhiều nguồn để hỗ trợ bốn nhóm: Lao động nữ, nữ nhân viên y tế tuyến đầu, trẻ mồ côi và mẹ Việt Nam anh hùng.

Bộ đề xuất hỗ trợ lao động nữ là F0, đang mang thai hoặc sinh con tính từ ngày 23/1 đến 31/12 được hưởng 2 triệu đồng mỗi người. Dự kiến 2.000 người sẽ thụ hưởng, kinh phí 4 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Nữ nhân viên y tế trực tiếp chống dịch tại nơi thực hiện Chỉ thị 16, cơ sở điều trị, tiếp nhận bệnh nhân, tính từ ngày 1/5 đến 31/12 được hỗ trợ một triệu đồng mỗi người. Điều kiện người đó có chức danh nghề nghiệp chuyên môn y tế, sinh viên, học sinh cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, gồm lực lượng vũ trang hoặc y tế trung ương, địa phương, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách. Dự kiến 100.000 người hưởng, kinh phí trích từ ngân sách trung ương.

Trẻ mồ côi do đại dịch tính từ ngày 23/1 đến 31/12. Bộ đề xuất hỗ trợ 80 em mồ côi cả cha lẫn mẹ 20 triệu đồng mỗi em; khoảng 2.500 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ nhận 5 triệu đồng mỗi em. Kinh phí hơn 14 tỷ đồng trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Thống kê sơ bộ trong đợt dịch thứ tư, hơn 2.600 trẻ mồ côi do Covid-19. Các em tập trung tại tỉnh thành phía Nam, như TP HCM 1.584 em; Bình Dương 233; Long An 85, Đồng Tháp 72. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận định các em dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội do cách ly xã hội kéo dài, không có người thân thường xuyên chăm sóc, cần sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, ngoài chính sách chung cho trẻ mồ côi.

Ngoài ra, Bộ đề xuất hỗ trợ 4.615 bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi mẹ, trích từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng chính sách này cần thiết bởi đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm lao động nữ, khiến nhiều trẻ em rơi vào cảnh mồ côi. Nhiều phụ nữ mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ thiếu hụt dịch vụ chăm sóc y tế, dinh dưỡng do giãn cách kéo dài. Hơn 100.000 nhân viên y tế tuyến đầu là nữ, chịu tác động lớn về sức khỏe tâm thần khi chống dịch lâu dài.

Thống kê tới đầu tháng 10, đại dịch đã khiến tỷ lệ lao động nữ tự làm hoặc lao động gia đình tăng gấp đôi, khoảng 19,6% so với 8,6% ở nam giới. Thu nhập bình quân của phụ nữ khoảng 4,8 triệu đồng, thấp hơn so với nam giới, khoảng 6,8 triệu đồng.

“Sau mỗi lần dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi, học sinh quay lại trường học, cả nam giới và phụ nữ đều tăng số giờ làm việc để bù đắp thu nhập bị mất trước đó. Song phụ nữ thường làm thêm nhiều giờ hơn nam giới. Điều này khiến gánh nặng kép của họ trở nên nặng thêm”, Bộ nhận định.

Trước đó, gói an sinh 26.000 tỷ đồng đã bổ sung nhiều chính sách cho lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ, trẻ em phải điều trị, cách ly vì dịch. Tính tới ngày 15/10, các tỉnh thành đã hỗ trợ 5.650 lao động nữ mang thai; 127.590 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động; gần 16.000 trẻ em là F0, F1.

Minh Nghi

Bài mới
Đọc nhiều