+
Aa
-
like
comment

Chính cách “đánh úp” của chính quyền địa phương khiến người dân Sầm Sơn rơi vào vòng lao lý

Thế Khoa - 28/11/2019 09:44

Còn nhớ hồi 11/2018, Văn phòng Chính phủ đã từng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa tạm dừng cấp phép các dự án ở Sầm Sơn; kiểm điểm người tham mưu. Đồng thời kịp thời khắc phục, điều chỉnh những tồn tại trong việc lập quy hoạch siêu dự án nghỉ dưỡng gần 1.300 ha. Sau 1 năm điều chỉnh, mới đây siêu dự án đi vào triển khai ngay lập tức đã gặp sự phản ứng gay gắt của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, nhất là bà con sống tại khu vực xây dựng dự án Quảng trường biển (khu phố Trung Kỳ, phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa).

Sỡ dĩ những hộ dân nơi đây phản ứng gay gắt như vậy, bởi chính quyền địa phương không thông báo cho dân một đề án cụ thể, quy hoạch ra làm sao, quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, rồi phương án tái định cư như thế nào, tạo điều kiện để người dân mưu sinh gì sau này. Chưa gặp mặt, bàn bạc với người dân tại khu phố Trung Kỳ thống nhất giá đền bù, đùng một cái chính quyền tới kêu đo đạc để thu hồi đất. Người dân vùng biển bao đời nay sinh kế bằng nghề đánh bắt cá, giờ quyết định thu hồi khiến họ không thể ra biển, rồi hàng nghìn người dân sẽ đi đâu về đâu, sống như thế nào? Nói là quy hoạch để nâng cao đời sống cho người dân, xin hỏi người dân nào được lợi ở đây?

Chính người dân khu phố Trung Kỳ dù chịu rất nhiều tổn thất về kinh tế và tinh thần, nhưng vấn đề quan trọng nhất với họ không chỉ là quyền lợi của mỗi hộ gia đình bị thiệt hại mà trước hết phải là câu trả lời rõ ràng của chính quyền địa phương nơi đây về việc quy hoạch. Thêm nữa, đáng lý ra, người dân Trung Kỳ và doanh nghiệp tự thương thảo để đạt mức giá đền bù thỏa đáng, dựa trên quy định của pháp luật, lấy giá thị trường làm tiêu chí quyết định. Còn chính quyền địa phương chỉ làm trung gian giúp hai bên thỏa thuận. Thì dưới “áo khoác” đầu tư phát triển kinh tế, chính quyền địa phương lại đứng ra thu hồi đất, gây khó khăn cho người dân nơi đây rồi mới giao cho doanh nghiệp. Hỏi sao dân không bất bình?

Quy hoạch trước hết cũng phải vì dân, không thể vì phát triển địa phương mà đẩy người dân vào tình cảnh mất hết kế sinh nhai được. Có đúng quy định mà người dân bất xúc thì điều đó chứng tỏ cán bộ, lãnh đạo địa phương vô cảm, chưa giải quyết thấu đáo những yêu cầu chính đáng của người dân nơi đây, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích của xã hội với lợi ích của những người dân có đất bị thu hồi.

Chính cách “đánh úp” của chính quyền địa phương đã dẫn đến mâu thuẫn, khiến bà con bức xúc, lên tiếng đòi quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vô tình đẩy một số người dân đã dính vào vòng lao lý (Ông Lê Cao Đồng bị khởi tố về tội “gây rối trật tự công cộng” chỉ vì ông xin phép phát biểu ý kiến về quy hoạch dự án này trong phiên họp chi bộ khu phố Trung Kỳ; còn ông Lê Văn Tuấn bị bắt tam giam đến gần 4 tháng, hiện chưa được thả khiến gia đình anh rất lo lắng) khiến họ phải gửi đơn kêu cứu. Còn nhớ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận toàn quốc mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ “mong muốn có người phản biện sắc sảo cho Đảng và chính quyền”. Bản thân người đứng đầu Chính phủ là người cầu thị, coi trọng tính phản biện chính sách như vậy, nhưng hãy nhìn xuống các cấp địa phương ở dưới có thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng không? Làm việc ngược chỉ đạo ở trên, hỏi sao người dân không bức xúc, nghe lời kích động?

Phiên tòa xét xử cả khu phố đến xem
Bố mẹ của anh Lê Văn Tuấn suy sụp, lo lắng cho con mình
Trong văn bản hồi đáp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về đơn thư kêu cứu của ông Lê Cao Đồng đã khẳng định ông bị oan.

Nhìn lại nhiều vụ khiếu kiện đất đai ở Thủ Thiêm, Ninh Hiệp, Dương Nội, Văn Giang Ecopark, Đồng Tâm… và mới đây là ở Sầm Sơn, cho thấy một số lãnh đạo địa phương đang cố tình đi ngược lại với tinh thần kiến tạo của Chính phủ, lạm dụng quyền lực để gây khó khăn cho người dân. Sẽ vẫn còn những vụ khiếu kiện đất đai, người dân phản đối sự lạm dụng quyền lực, nếu một số lãnh đạo cấp cơ sở cố tình làm trái tinh thần của Chính phủ kiến tạo.

Chính vì vậy, chính quyền địa phương cần xốc lại đội ngũ cán bộ thực thi công vụ để trả lại sự trong sạch và uy tín. Mạnh tay đối với những trường hợp dung túng cho doanh nghiệp gây khó khăn cho bà con. Có như vậy mới có thể lấy lại công bằng cho người dân, và cũng chỉ có như vậy mới giữ được niềm tin của họ với bộ máy chính quyền cơ sở. Đừng nói ai lôi kéo khiến người dân rời xa chính quyền. Chỉ có người dân mất niềm tin tự rời xa chính quyền địa phương khi những bức xúc của họ không được giải quyết thấu đáo mà thôi.

Được biết, theo quy hoạch được phê duyệt Khu đô thị Sinh Thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn có ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm các khu vực thuộc 8 phường: Quảng Tiến, Quảng Châu, Trung Sơn, Bắc Sơn, Quảng Thọ, Trường Sơn, Quảng Cư và 3 xã: Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại của TP Sầm Sơn.

Dự án được chia làm 2 phân khu, gồm phân khu I (phía Bắc) và phân khu II (phía Nam). Trong đó, Phân khu I gọi là phân khu Sông Đơ và Quảng trường biển, là khu vực đa chức năng mang đặc trưng “không gian động”, phục vụ các hoạt động giao lưu, vui chơi giải trí ngày và đêm.

Trong tổng đất lập quy hoạch hơn 1.260 ha sẽ được chia làm 16 hạng mục đất: Đất để ở chiếm 16,67%; đất công cộng chiếm 2,34%; đất cây xanh đô thị, cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly chiếm 7,68%; đất hỗn hợp chiếm 2,91%; đất dịch vụ cộng đồng chiếm 2,41%; đất du lịch nghỉ dưỡng chiếm 10,69%; đất công viên chuyên đề chiếm 2,32%; đất cảng, bến thuyền – dịch vụ chiếm 1,67%; đất an ninh quốc phòng chiếm 0,38%; đất giao thông, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật chiếm 22,49%; mặt nước chiếm 11,50%; bãi cát chiếm 2,28%…

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều