+
Aa
-
like
comment

Chính biến ở Myanmar và những điều chưa kể

01/02/2021 14:05

Quân đội Myanmar giải thích vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và nhiều nhân vật cấp cao của Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền là vì ‘gian lận bầu cử’.

Vì sao xảy ra chính biến ở Myanmar? - Ảnh 1.
Đảng NLD cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi cho biết những cáo buộc của quân đội là vô căn cứ – Ảnh: REUTERS

Chính biến đã cảnh báo từ trước 

Theo hãng tin Reuters, sáng 1-2, kênh truyền hình quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở nước này trong 1 năm, sau khi các lãnh đạo chính phủ bị bắt giữ sáng cùng ngày.

Theo quân đội, chính biến mới nhất này là do các sai phạm “khổng lồ” trong cuộc bầu cử năm ngoái. Quyền lực sẽ được trao cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tướng Min Aung Hlaing.

Sau vụ vệc, mạng điện thoại và dữ liệu của Myanmar đã tê liệt trong sáng 1-2 với kết nối Internet chậm hơn 75% mức thông thường. Đài truyền hình quốc gia MRTV và kênh Myanmar Radio cũng không thể phát sóng.

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, lên nắm quyền kể từ sau chiến thắng tại cuộc bầu cử năm 2015. Trước đó bà bị giam giữ tại gia trong nhiều thập kỷ.

Trong cuộc bầu cử năm 2020, NLD tuyên bố chiến thắng vào ngày 9-11 sau khi đạt được đủ số ghế để tự thành lập chính phủ riêng như cách đây 5 năm.

Căng thẳng chính trị gia tăng tuần trước với việc người phát ngôn quân đội không loại trừ khả năng đảo chính trước khi quốc hội họp vào sáng 1-2 và tướng Min Aung Hlaing đề cập đến khả năng hủy bỏ hiến pháp.

Cuối tuần vừa qua, quân đội tiếp tục tuyên bố trên mạng xã hội rằng sẽ “làm mọi thứ có thể để giữ vững các tiêu chuẩn dân chủ của các cuộc bầu cử tự do và công bằng”.

Vì sao quân đội cáo buộc gian lận bầu cử?

Theo Reuters, quân đội – “kiến trúc sư” của hiến pháp năm 2008 – cho mình là lá chắn che chở cho hiến pháp và đoàn kết quốc gia. Quân đội cũng tham gia vào hệ thống chính trị với 25% số ghế trong quốc hội và quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt trong chính quyền của bà Suu Kyi.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử mới nhất, quân đội cáo buộc có các vấn đề như trùng tên trong danh sách bỏ phiếu ở nhiều quận và không hài lòng với phản ứng của ủy ban bầu cử đối với các khiếu nại.

Theo giới quan sát, phản ứng của quân đội cũng tương tự như khi Đảng liên minh đoàn kết và phát triển, đảng cầm quyền trước đây do quân đội thành lập, thất bại trong cuộc bầu cử năm 2011.

Bà Suu Kyi chưa đưa bình luận gì về chiến thắng của NLD cũng như các khiếu nại của quân đội, nhưng NLD cho biết những cáo buộc của quân đội là vô căn cứ và bất kỳ sai sót bầu cử nào sẽ không thay đổi kết quả.

Trong số hơn 90 đảng tranh cử, ít nhất 17 đảng khiếu nại – hầu hết là về các bất thường nhỏ, trong khi các nhà quan sát bầu cử cho biết cuộc bỏ phiếu không có bất thường lớn.

Ủy ban bầu cử hôm 28-1 cũng cho biết không có sai sót nào ở quy mô được gọi là gian lận hoặc khiến cuộc bầu cử bị mất uy tín.

Theo hiến pháp Myanmar, tổng tư lệnh quân đội có thể nắm quyền trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng có thể gây ra “sự tan rã của liên minh, sự tan rã của đoàn kết dân tộc và mất quyền chủ quyền”. Tuy nhiên khả năng này chỉ xảy ra trong tình trạng khẩn cấp do tổng thống tuyên bố.

Dù vậy, tướng Min Aung Hlaing khi phát biểu trước các binh lính tuần trước đã nói rằng hiến pháp là “luật mẹ cho tất cả các luật”, nếu không được tuân thủ, nó phải bị thu hồi. Ông cho biết các trường hợp như vậy trước đây đã xảy ra ở Myanmar.

TRẦN PHƯƠNG/TTO

Bài mới
Đọc nhiều