China Evergrande vỡ nợ, ai gánh thay thiệt hại?
Ngày 9/12, China Evergrande bị hạ xếp hạng xuống “vỡ nợ giới hạn”, vậy ai sẽ là người gánh thiệt hại?
Theo Bloomberg, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của China Evergrande xuống “vỡ nợ giới hạn” sau khi tập đoàn không thể trả hai khoản lãi trái phiếu coupon trong khoảng thời gian ân hạn.
Đây là lần đầu tiên China Evergrande vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD. Bloomberg nhận định diễn biến này có thể đặt dấu chấm hết cho gã khổng lồ bất động sản được tỷ phú Hứa Gia Ấn thành lập cách đây 25 năm.
Tính đến tháng 6, China Evergrande đối mặt với khoản nợ phải trả lên đến 300 tỷ USD. Theo dữ liệu của Bloomberg, tập đoàn có khoảng 19,2 tỷ USD trái phiếu nước ngoài phát hành đại chúng và 8,4 tỷ USD trái phiếu địa phương.
Tiến tới tái cấu trúc
“Việc Fitch hạ xếp hạng của China Evergrande có thể không gây tác động rõ ràng và ngay lập tức. Tuy nhiên, điều này có thể tạo áp lực để tập đoàn và các cơ quan quản lý Trung Quốc sớm tiết lộ về quá trình tái cơ cấu”, ông Brock Silvers – Giám đốc đầu tư tại Kaiyuan Capital (có trụ sở ở Hong Kong) – bình luận.
Hôm 7/12, China Evergrande cho biết đang thành lập một ủy ban quản lý rủi ro. Ủy ban này đóng vai trò giảm thiểu và loại bỏ những rủi ro trong tương lai.
“Dường như việc tái cơ cấu các trái phiếu nước ngoài và nợ tư nhân của China Evergrande sẽ sớm diễn ra”, ông Martin Hennecke tại St. James’s Place bình luận.
Tuần trước, China Evergrande cho biết họ đã “lên kế hoạch để làm việc tích cực với các trái chủ nước ngoài, nhằm xây dựng kế hoạch tái cơ cấu khả thi”.
Mức độ ưu tiên khác nhau giữa các trái chủ trong nước và nước ngoài đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài thất vọng
– Nhà phân tích Travis Lundy tại Quiddity Advisors
Nhưng các trái chủ của China Evergrande – bao gồm Marathon Asset Management – cho rằng họ sẽ không được ưu tiên trả nợ.
Ưu tiên chính của chính quyền Bắc Kinh là duy trì sự ổn định xã hội. Do đó, tập đoàn địa ốc của tỷ phú Hứa Gia Ấn cần sớm trả nợ cho các khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Theo giới quan sát, thứ tự ưu tiên trả nợ của China Evergrande sẽ là các hộ gia đình (chiếm 54% khoản tiền phải trả của tập đoàn, thông qua việc trả trước căn hộ), nhà cung cấp (chiếm 43% khoản tiền phải trả), nhà đầu tư cá nhân đã mua sản phẩm quản lý tài sản và ngân hàng. Trái chủ là đối tượng được trả nợ cuối cùng.
“Các trái chủ nước ngoài được bảo vệ ít nhất trong cuộc khủng hoảng thanh khoản của China Evergrande”, Nikkei Asian Review dẫn lời một quản lý danh mục đầu tư giấu tên nhận định.
“Mức độ ưu tiên khác nhau giữa các trái chủ trong nước và nước ngoài đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài thất vọng”, nhà phân tích Travis Lundy tại Quiddity Advisors chia sẻ.
Ưu tiên cuối cùng
“Nhìn chung, China Evergrande có nhiều bên liên quan và chủ nợ, nhưng không phải tất cả đều bình đẳng”, bà Alicia Garcia Herrero – nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis – bình luận.
Hôm 9/12, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Yi Gang khẳng định “quyền và lợi ích của các trái chủ và cổ đông sẽ được tôn trọng đầy đủ”.
Tuy nhiên, các trái chủ nước ngoài cũng khó giành được quyền lợi thông qua việc khởi kiện China Evergrande tại những tòa án của Trung Quốc. Bởi giới chức Bắc Kinh cũng tham gia vào cuộc tái cơ cấu.
Sau khi tuyên bố về kế hoạch làm việc với các chủ nợ để tái cấu trúc, ông Hứa đã bị chính quyền Quảng Đông – nơi China Evergrande đặt trụ sở – triệu tập.
Giới chức Trung Quốc sẽ cử một đội ngũ đến giám sát China Evergrande trong việc quản trị rủi ro, tăng cường kiểm soát nội bộ và đảm bảo hoạt động diễn ra bình thường.
Hôm 6/12, PBoC cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 2 trong năm nay. Động thái này sẽ giải phóng 1.200 tỷ NDT (tương đương 282 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vốn đang giảm tốc.
Tuy nhiên, một số chủ nợ nước ngoài đã tham khảo ý kiến của các cố vấn tài chính và pháp lý. Điều này có thể hữu ích. Bởi Trung Quốc không muốn đánh mất nguồn tiền từ những công ty đầu tư hàng đầu thế giới.
Theo dữ liệu của Bloomberg, trong những tháng qua, các tập đoàn đầu tư như Ashmore Group, BlackRock Inc., FIL Ltd., UBS Group AG và Allianz SE đều báo cáo về việc nắm giữ trái phiếu của China Evergrande.
Theo giới quan sát, China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn có thể trải qua quá trình tái cơ cấu tương tự HNA Group.
HNA Group đệ đơn phá sản vào tháng 1 và đang trong quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của chính quyền đảo Hải Nam – nơi HNA đặt trụ sở. Tập đoàn dự kiến được chia thành 4 đơn vị, tập trung vào mảng hàng không, sân bay, tài chính và các lĩnh vực kinh doanh khác.
Trần Anh