Chile “vùng vẫy” giữa những đám cháy rừng
Trang CNN dẫn nguồn tin cho biết Chile mở rộng tuyên bố tình trạng khẩn cấp đến một khu vực khác vào ngày 4/2 khi lực lượng cứu hỏa nỗ lực kiểm soát hàng chục vụ cháy rừng dữ dội đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 22 người trong bối cảnh đợt nắng nóng kỷ lục.
Bộ trưởng Nội vụ Carolina Tohá xác nhận trong một cuộc họp báo hôm 4/2 rằng 22 người đã tử vong, 16 ca tử vong xảy ra ở Biobío, 5 ca ở La Araucanía và 1 ca ở Ñuble. Bà Tohá cho biết có 1.429 người đang ở trong các khu tạm trú, 554 người bị thương và 16 người bị bỏng nặng đang trong tình trạng nguy kịch. Số người chết có thể sẽ tăng lên vì Tohá cho biết có những báo cáo chưa được xác nhận về ít nhất 10 người mất tích.
Tính đến ngày 3/2, các nhà chức trách đang phải vật lộn để ngăn chặn nhiều vụ cháy rừng bùng phát, thiêu rụi hơn 14.000 ha (34.595 mẫu Anh) đất trên cả nước. Hàng trăm ngôi nhà được báo cáo đã bị hư hại hoặc phá hủy, nhưng con số chính xác vẫn chưa chắc chắn. Các đám cháy đã trở nên trầm trọng hơn do hạn hán kéo dài gần 13 năm ở nước này, cũng như một đợt nắng nóng.
Nhiều đám cháy tập trung ở vùng Biobío, nằm cách thủ đô Santiago khoảng 560 km (348 dặm) về phía nam. Bốn trong số các trường hợp tử vong được báo cáo cho đến nay đã xảy ra ở đó và nhiều trường hợp tử vong liên quan đến xe cộ.
Chính phủ đã tuyên bố tình trạng thảm họa ở Biobio và khu vực lân cận Nuble, một khu vực khác bị hỏa hoạn tàn phá nặng nề. Bà Tohá cho biết khu vực La Araucania cũng đang phải vật lộn để ngăn chặn các đám cháy, trong bối cảnh gió mạnh và nhiệt độ cao do đợt nắng nóng khô hạn ở Chile. Vào hôm 3/2, dự báo thời tiết dự đoán nhiệt độ hơn 38 độ C (100 độ F) ở thủ đô Chillan của Nuble.
Theo cơ quan thiên tai Senapred của Chile, tính đến sáng ngày 4/2, đã có 251 vụ cháy rừng hoành hành khắp Chile, 151 trong số đó đã được kiểm soát.
Tổng thống Chile Gabriel Boric đã tạm dừng kỳ nghỉ để tới thăm những khu vực bị ảnh hưởng, tuyên bố rằng “toàn bộ lực lượng của nhà nước sẽ được triển khai” để kiểm soát các đám cháy và hỗ trợ các nạn nhân.
Chile là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Các đám cháy chính là một hồi chuông cảnh tỉnh khác về tác động của biến đổi khí hậu.
Không chỉ riêng Chile, biến đổi khí hậu đã thúc đẩy sự phát triển của các vụ cháy rừng bùng nổ trên toàn cầu với nhiệt độ tăng cao và hạn hán trong những năm qua.
Trước đó, bang California (Mỹ) đã ghi nhận ít nhất 12 người chết trong 10 ngày qua tính đến ngày 8/1, làm hàng trăm nghìn ngôi nhà và cơ sở kinh doanh mất điện sau đợt mưa lớn và gió mạnh.
Hai hiện tượng chồng chéo gồm hệ thống áp suất thấp do bão gây ra (được gọi là “bom lốc xoáy”) và luồng hơi ẩm dày đặc khổng lồ trong không khí từ đại dương (được gọi là “sông khí quyển”) đã gây ra lũ lụt tàn khốc và lượng tuyết rơi dày kỷ lục tại bang California.
Trong khi đó ở Afghanistan, hơn 160 người đã tử vong vì giá rét vào đầu tháng trước, trong mùa đông tồi tệ nhất hơn một thập kỷ qua. Đây là mùa đông lạnh nhất trong 15 năm qua ở quốc gia này, với nhiệt độ xuống thấp tới -34°C (-29,2 độ F), tấn công Afghanistan vào giữa cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Hay gần đây ở Madagascar, các nhà chức trách cho biết ít nhất 25 người được xác nhận đã chết và hơn 37.000 người phải sơ tán do Bão nhiệt đới Cheneso.
Vào tháng 1 và tháng 2 năm ngoái, 4 cơn bão lớn đã đổ bộ vào Madagascar, khiến ít nhất 138 người thiệt mạng, phá hủy 124.000 ngôi nhà và khiến khoảng 130.000 người phải sơ tán.
Tuệ Ngô