+
Aa
-
like
comment

Chiêu trò xuyên tạc chuyện gia hạn sử dụng vaccine

An Diễm - 09/12/2021 15:31

Bộ Y tế Việt Nam mới đây đã đồng ý kéo dài hạn sử dụng thêm ba tháng (so với tiêu chuẩn sáu tháng) đối với hai lô vaccine Pfizer/BioNTech có hạn sử dụng đến ngày 30/11. Quyết định này hoàn toàn dựa trên đề nghị từ nhà sản xuất cũng như quy định tương tự của các cơ quan y tế uy tín nhất trên thế giới, nhưng lại bị báo Tiếng Dân cho là “bắt dân dùng hàng hết date”.

Trong bài viết của mình, Tiếng Dân chỉ dẫn thông tin Bộ Y tế đồng ý gia hạn vaccine một cách hết sức ngắn gọn, không có thông tin gì kèm theo. Sau đó họ so sánh với việc sử dụng thực phẩm quá hạn và gọi đó là quyết định độc hại. Xin nhấn mạnh, việc gia hạn vaccine đã có tiền lệ trên quốc tế và được một số cơ quan y tế có thẩm quyền phê duyệt.

Ở Mỹ, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã gia hạn thêm ba tháng thời gian sử dụng đối với các lô vaccine Pfizer/BioNTech có ngày hết hạn rơi vào tháng 8 kéo dài đến tháng 2 năm sau. Ở châu Âu, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) thuộc Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối tháng cũng cho phép gia hạn thời hạn sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech từ sáu tháng lên chín tháng sau khi đánh giá các dữ liệu bổ sung bên hãng dược cung cấp. Chiều ngày 1/12, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cũng thông cáo báo chí cho biết, vaccine Covid-19 của Pfizer/BionTech đủ điều kiện kéo dài thời gian sử dụng đến 9 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây.

Khi được hỏi về vấn đề này, bà Stella Kyriakides – ủy viên châu Âu về sức khỏe và an toàn thực phẩm – đã có hồi đáp như sau: “Việc một loại thuốc mới cấp phép được gia hạn thời gian bảo quản theo đề nghị của bên giữ giấy phép mua bán không phải là hiếm. Nó được quyết định dựa trên dữ liệu bổ sung về tính ổn định (của sản phẩm) vốn còn thiếu vào thời điểm mới được cấp phép. Sau khi đánh giá các dữ liệu bổ sung, EMA kết luận thời hạn sử dụng 9 tháng có thể áp dụng cho các lô Comirnaty đã sản xuất, với điều kiện công tác bảo quản theo quy định được đảm bảo trong suốt quá trình cung ứng và có thỏa thuận với chính quyền quốc gia liên quan”.

Như vậy là các cơ quan y tế uy tín nhất trên thế giới đều đã lên tiếng xác nhận việc này. Cần hiểu rõ thuốc và vaccine vốn là dược phẩm, để được tiêm hay đưa cho người bệnh phải qua quá trình kiểm nghiệm chặt chẽ. Hạn sử dụng bao nhiêu, liều dùng, bảo quản đều phải được các cơ quan y tế cấp phép, và việc gia hạn cũng như vậy. Nếu chúng ta đã tin tưởng vào hạn sử dụng do họ cung cấp, thì đương nhiên cũng có thể tin tưởng khi họ cấp phép gia hạn. Và quyết định của Bộ Y tế Việt Nam hoàn toàn dựa trên các điều kiện này, không hề có việc tự ý gia hạn.

Sâu xa hơn về câu chuyện gia hạn thuốc hay vaccine còn liên quan đến việc cứu người. Theo Liên minh quốc tế vaccine cho mọi người (GAVI), việc gia hạn thời hạn sử dụng vaccine là việc quan trọng, bởi hầu hết các vaccine đều có thời hạn khoảng ba năm nhưng riêng với vaccine ngừa COVID-19 thì các hãng dược thận trọng nên khuyến nghị thời hạn 3-6 tháng. Như vậy là về mặt lý thuyết, gia hạn vaccine là một quyết định quan trọng và có cơ sở, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh hoành hành, nhiều người chưa có vaccine.

Chỉ cần điểm qua thông tin từ các cơ quan y tế uy tín và các nhà chuyên môn như vậy, ta thấy việc so sánh gia hạn vaccine hợp pháp và dùng thực phẩm quá hạn là lố bịch. Tiếng Dân News không dám đăng cả câu chuyện, mà chỉ dám đề cập mập mờ, cốt để gây kích động, chia rẽ và làm nhiều người dân hoang mang, phục vụ cho mục đích phá hoại của họ.

An Diễm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều