+
Aa
-
like
comment

Chiêu trò mới của Trung Quốc nhằm định nghĩa lại vùng biển liên quan đến Hoàng Sa

08/08/2020 00:02

Một phiên bản sửa đổi quy định hàng hải của Trung Quốc định nghĩa lại vùng biển giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-8.

Đây là một chiêu trò mới của Trung Quốc, bất chấp những quy định của luật pháp quốc tế, nhằm mục đích siết chặt thêm quyền kiểm soát trên Biển Đông.

Bình mới rượu cũ

Theo tin từ tờ South China Morning Post, những thuật ngữ mới mà Trung Quốc dùng trong phiên bản sửa đổi quy định hàng hải có từ năm 1974 là “gần bờ” thay vì “xa bờ” (tiếng Anh là “coastal” thay vì “offshore”).

Bản sửa đổi mang tên chính thức là “Các quy tắc kỹ thuật để kiểm tra tàu biển trong các tuyến nội địa”. Từ “nội địa” được dùng ở đây cũng gây nhiều chú ý bởi khu vực hàng hải này được Trung Quốc tự đặt ra từ năm 1974  với gọi là “Khu vực hàng hải Hải Nam – Tây Sa” (tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Phạm vi giới hạn vùng biển của khu vực này từ 2 điểm trên đảo Hải Nam đến 3 điểm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo giới quan sát, ý đồ của Trung Quốc là dùng luật của nước mình để áp đặt lên các vùng biển ở Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.

Động thái này phản ánh ý đồ “biến vùng không thể tranh chấp (như quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thành vùng có tranh chấp” rồi “đưa càng nhiều vùng tranh chấp càng tốt vào trong quyền kiểm soát” của Trung Quốc.

Thực chất là Trung Quốc muốn tạo cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý vùng nước thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và vùng nước nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam theo “quy chế quản lý vùng ven biển”. Từ đó, Bắc Kinh sẽ củng cố yêu sách Tứ Sa bằng cách nội luật hóa.

Động thái của Trung Quốc không đơn thuần là nhằm đẩy mạnh giao thông liên lạc và du lịch giữa Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà còn mang ý nghĩa rộng hơn là kể từ nay, tàu biển Trung Quốc có thể thoải mái đi đến Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vì vùng biển đó chỉ là vùng “ven bờ”.

Đây chính là thủ đoạn để gia tăng quyền khống chế Biển Đông”, hãng RFI bình luận. Trong khi đó, Zhang Jie, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng thừa nhận, động thái này được thiết kế để tăng cường quản lý Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bằng luật pháp trong nước của Trung Quốc.

Đồng quan điểm này, TS Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), nhận định, hành động này không gây bất ngờ, đặc biệt sau khi Bắc Kinh thông báo lập quận hành chính đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhưng nó cho thấy sự bất chấp tất cả của Bắc Kinh để phục vụ cho mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Một đảo trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Những suy tính đầy tham vọng

Một số nhà phân tích còn thẳng thắn chỉ rõ rằng, đây là bước phát triển mới của quyết định trái pháp luật và đầy tranh cãi của Trung Quốc hồi tháng 4 về việc thành lập hai quận đảo riêng rẽ quản lý Hoàng Sa và Trường Sa  thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trong bài phân tích hồi tháng 5, cơ quan Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington từng cảnh báo, quyết định này của Trung Quốc sẽ cho phép Bắc Kinh cải thiện việc quản lý hành chính và thúc đẩy các chính sách mới của nước này về Biển Đông.

Vì thế, để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, cộng đồng quốc tế cần cực lực lên án, chỉ trích và bày tỏ lập trường cứng rắn hơn nữa với Bắc Kinh.

Theo tin từ tờ The Drive, Trung Quốc đang không ngần ngại thực hiện bất cứ biện pháp gì liên quan đến vấn đề Biển Đông. Vì thế, chỉ một ngày sau khi thực thi phiên bản sửa đổi quy định hàng hải, Bắc Kinh đã cho phép các máy báy chiến đấu Su-30MKK Flanker lượn đi lượn lại trên bầu trời Biển Đông.

Chưa hết, một cuộc tập trận mô phỏng quá trình cất, hạ cánh vào ban đêm, những cuộc tấn công tầm xa và tấn công các mục tiêu trên biển… cũng nhanh chóng được thực hiện như lý giải của phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc là để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Báo chí Trung Quốc góp phần tuyên truyền rộng rãi bằng cách liên tục cho đăng tải những hình ảnh với lời giới thiệu về sức mạnh của Không quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc – một cách trả đũa khôn khéo sau loạt cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông của Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả Australia.

Thêm vào đó, hành động trên thực địa của Trung Quốc, như một nhà bình luận nhận xét, là cách để Bắc Kinh “dằn mặt” các quốc gia khác, đặc biệt là Canberra vì cuộc đấu khẩu trên Twitter giữa hai Đại sứ Australia và Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như tuyên bố của Australia về việc không công nhận bất kỳ một yêu sách lãnh thổ, lãnh hải nào của Trung Quốc trên Biển Đông.

Gần đây, Australia đã tiếp nối hoạt động của các quốc gia khác khi đệ trình một Công hàm ngoại giao lên Liên hợp quốc (LHQ), nói rằng các tuyên bố này là “không có cơ sở pháp lý”.

Và nguy cơ trận chiến pháp lý mới

Đánh giá về những diễn biến hiện nay trên Biển Đông, TS Gerhar Will thuộc Viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP) cho rằng, sau Tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông hồi tháng 7, “Trung Quốc đang cư xử theo kiểu nước lớn và sử dụng quyền lực chính trị một cách liều lĩnh nhằm đạt được vị trí thống trị tại khu vực và trên toàn thế giới”.

Thực tế là có vài quốc gia đã lo sợ khi bị Trung Quốc dọa nạt và chủ trương hòa hiếu và im lặng trước cách hành xử phi pháp của Trung Quốc. “Nhưng họ càng nhún thì Trung Quốc càng lấn lướt và hành động quá mức này đã phản tác dụng, khiến Trung Quốc bị cô lập và giảm sút uy tín.

Các lý lẽ mà nước này đưa ra trong vấn đề Biển Đông, nhất là yêu sách “đường lưỡi bò” và “Tứ sa” ngày càng bị phản bác nhiều hơn và lộ rõ nhưng sơ hở về việc thiếu tính pháp lý”, bài báo trên hãng CNN có đoạn viết.

Thêm vào đó, như nhận định của TS Gerhard Will, việc hàng loạt quốc gia từ Malaysia đến Philippines, Việt Nam, Indonesia, Mỹ, Australia… đệ trình Công hàm ngoại giao lên LHQ về vấn đề Biển Đông cho thấy, quan hệ ngoại giao kiểu mà Trung Quốc mong muốn không còn phù hợp với tình hình hiện tại.

Đặc biệt, sự cứng rắn của Mỹ, nhất là sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo và cả Phó Ngoại trưởng chuyên trách Đông Á về việc Washington có thể ứng phó bằng các biện pháp cấm vận đối với những quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc dính líu đến hành động cưỡng ép ở Biển Đông, Bắc Kinh cần phải tính kỹ hơn về những cách thức “tháo các quả bom tức giận” này.

Được biết, hồi giữa tháng 7, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định, các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt của nước này để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó là hoàn toàn phi pháp.

Ông Mike Pompeo còn cảnh báo những lợi ích chung ở Biển Đông đang “gặp phải sự sự đe dọa chưa từng thấy” từ Trung Quốc và thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh ứng xử Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình.

“Chúng tôi ủng hộ cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, và bác bỏ bất cứ đòi hỏi nào nhằm áp đặt “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hoặc ở khu vực rộng lớn hơn”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh.

Sông Thương/ CAND

Bài mới
Đọc nhiều