+
Aa
-
like
comment

Chiêu trò dùng đất nền để “thổi bay” nhà đầu tư của những kẻ lừa đảo

La Hoàng - 21/07/2022 15:44

Bất động sản là lĩnh vực nhận được rất nhiều sự quan tâm và có xu hướng hoạt động được đánh giá là sôi nổi nhất hiện nay. Kinh doanh và sở hữu bất động sản mang lại nguồn sinh lợi cao và tạo ra cơ hội đổi đời cho người đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động kinh doanh bất động sản ngày nay diễn ra vô cùng phức tạp. Đặc biệt, là những chiêu trò lừa đảo thông qua lời mời gọi đầu tư đất nền.

Từng là tâm điểm trong “cơn sốt” bất động sản, nhưng đến nay dự án Rio Grande (quận 9, TP Hồ Chí Minh) vẫn chỉ là bãi đất hoang, chỉ toàn cỏ là cỏ.

Về bản chất, đất nền là sản phẩm của lĩnh vực bất động sản. Với khả năng thanh khoản được Nhà nước quy định và cấp phép. Trên thực tế, việc phân lô bán nền được hiểu là việc tách thửa đất đai trong các dự án đã được Nhà nước cấp phép, chứ không chỉ chung các trường hợp tách thửa theo quy định của Luật Đất đai 2013. Đất nền phân lô tạo ưu thế cho người sở hữu về giá bán, song song không đòi hỏi quá nhiều về vốn đầu tư ban đầu. Trong bối cảnh dân số và nhu cầu về đất đai nhà ở gia tăng nhanh chóng, quỹ đất quốc gia có hạn, việc sở hữu bất động sản tạo ra nguồn sinh lợi cao trong thời gian ngắn, hệ quả làm kích thích nhu cầu và gia tăng trong xu hướng ráo riết đất đai để tích trữ, hoặc đầu tư lướt sóng kiếm lời khủng.

Tuy nhiên, nhiều đối tượng, tổ chức đã nắm thóp được tâm lí mong muốn tạo ra lợi nhuận lớn của người dân để thực hiện chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tiền đầu tư. Những người bị mắc bẫy trong trường hợp này thường rơi vào trường hợp chủ quan, ít quan tâm đến độ uy tín và tính minh bạch của đất dự án. Chính vì vậy, họ thường bị lôi kéo tham gia đặt cọc đất dự án được phân lô dựa trên bản vẽ “ma” không có thật trên thực tế, hoặc bản vẽ mà được thiết kế trên đất đai đã được sở hữu bởi người khác, cũng như đất phục vụ đầu tư công.

Một số thủ đoạn mới hiện nay là các đối tượng lừa đảo giả vờ mua đất để tiếp cận người bán và xin bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Sau đó, thông qua mạng xã hội Facebook, chúng thuê người làm giả GCNQSDĐ với đầy đủ thông tin chủ đất thực tế. Tiếp theo, các đối tượng tìm người mua hoặc cho vay có thế chấp với số tiền lớn rồi thuê người đóng giả vợ chồng chủ đất ra văn phòng công chứng ký hợp đồng ủy quyền hoặc hợp đồng chuyển nhượng để chiếm đoạt tiền chia nhau tiêu xài. Có trường hợp sau khi có sổ đỏ giả, các đối tượng thuê người mang sổ giả đến gặp chủ đất thật để hỏi mua. Sau khi được chủ đất đưa xem sổ đỏ thật, các đối tượng trong nhóm giả vờ nhờ chủ đất dẫn đi vệ sinh để đồng bọn còn lại đổi sổ giả lấy sổ thật.

Hoặc một số đối tượng in bản vẽ các dự án, sơ đồ phân lô bán nền trên đất của người khác hoặc không có thật. Sau đó quảng cáo trên mạng Internet để bán hoặc làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước (như quyết định chấp nhận chủ trương, quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500, giấy phép xây dựng…) để huy động vốn trái phép bằng các hình thức thu tiền để giữ chỗ, ưu tiên vị trí, đặt cọc, mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Một số đối tượng lập công ty “ma” thuê người làm chủ đầu tư dự án, tự vẽ ra dự án “ảo” trên đất của người khác hoặc đất đã được quy hoạch công viên, trường học… và rao bán.

Vừa qua, hàng loạt các vụ lừa đảo đã bị cơ quan chức năng xử lý, cũng như thông tin báo chí truyền thông để cảnh báo. Tuy nhiên, vẫn chưa cảnh tỉnh được một số lớn bộ phận nhà đầu tư muốn giàu nhanh, kiếm tiền nhiều và vội. nê

Nhìn chung, có thể thấy rằng, hoạt động lừa đảo bất động sản ngày càng gia tăng và nguy hiểm, một phần đến từ sự sơ sài trong trang bị cơ sở bảo vệ quyền lợi của chính các nhà đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư bất động sản cần có đủ kiến thức cần thiết, tỉnh táo trong lựa chọn và quyết định an toàn nhất cho khoản chi của mình, để không bị mắc vào các bẫy lừa đảo nghiêm trọng trong lĩnh vực đất đai.

La Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều