+
Aa
-
like
comment

Chiêu trò đánh tráo khái niệm về Biển Đông

29/03/2020 09:37

Các chuyên gia “thân hữu” với Trung Quốc lại một lần nữa đưa ra những phân tích, nhận định sai lầm liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Tàu hải cảnh 46303 cùng tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam tháng 10.2019 /// Ngư dân cung cấp
Tàu hải cảnh 46303 cùng tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam tháng 10.2019

Trong bài viết với tiêu đề Tại sao liên minh chiến lược Việt – Mỹ ở Biển Đông khó bền vững đăng trên tờ South China Morning Post mới đây, TS Mark Valencia, một nhà phân tích chính sách hàng hải và một học giả cấp cao tại cái gọi là “Viện Nghiên cứu Nam Hải” của Trung Quốc, đã thể hiện những sai lầm nghiêm trọng trong cách đánh giá. Nam Hải là cách mà Trung Quốc tự đặt ra để gọi Biển Đông.

Lâu nay, TS Valencia cùng với viện trưởng nơi ông làm việc là TS Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) thường xuyên tham gia các hội nghị về Biển Đông. Họ thường đưa ra những lý lẽ ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với mục tiêu tiếp sức cho chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh.

Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc gắn bó mật thiết với chính quyền tỉnh Hải Nam, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao nước này và nhận chỉ thị từ Cục Hải dương nhà nước. Mục tiêu của Trung Quốc là thúc đẩy việc thành lập và hợp pháp hóa quản lý hành chính tại Biển Đông thông qua các học giả đóng vai trò như những nhân tố bán chính thức trong việc soạn thảo các bài viết và ý kiến phản ánh lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Ba sai lầm trong phân tích

Trong bài viết đăng trên tờ South China Morning Post, TS Valencia đã đánh tráo một số khái niệm. Thứ nhất, qua việc gọi mối quan hệ Việt – Mỹ là một liên minh, tác giả đã cố tình gây hiểu nhầm cho người đọc và tự mâu thuẫn với bản thân. Chính tác giả đã nhắc đến chính sách 3 không của Việt Nam: không tham gia các liên minh quân sự, không dựa vào nước này để chống nước kia, và không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam.

Thứ hai, TS Valencia đã sai lầm khi so sánh việc Việt Nam yêu cầu thông báo trước từ các tàu nước ngoài thực hiện quyền “đi qua không gây hại” qua lãnh hải của mình với ý định tương tự của Trung Quốc tại Biển Đông. Bởi Việt Nam có chủ quyền trên lãnh hải của mình theo quy định của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Và năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA, Hà Lan) đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền do Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông. Tuyên bố của tòa còn nói thêm rằng “đường chín đoạn” (bản đồ “đường lưỡi bò”) hoàn toàn không có cơ sở pháp lý theo luật quốc tế.

Bên cạnh đó, hải quân Mỹ, qua các hoạt động tự do hàng hải, cho tàu của họ hoạt động trong vòng 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm đóng phi pháp nhằm thể hiện sự phản đối.

Thông tin sai lệch thứ ba của Valencia là việc đặt chuyến thăm thứ hai của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam vào hồi tháng 3.2020 cũng là “đi qua không gây hại”. Tác giả viết: “Về chuyến ghé cảng này, hoặc là Việt Nam không yêu cầu Mỹ đưa ra thông báo trước hoặc Mỹ cố tình không đưa, hoặc cả hai”.

Trên thực tế đây là 2 khái niệm khác nhau. Trong khi “ghé cảng” đòi hỏi một điểm dừng trung gian cho một con tàu trên hành trình theo lịch trình của nó để vận hành hàng hóa hoặc tiếp thêm nguồn dự trữ hoặc nhiên liệu, thì “đi qua không gây hại” có nghĩa là tàu chỉ đi qua lãnh hải của một nước khác. Thêm vào đó, Việt Nam và Mỹ đã cùng nhau chuẩn bị cho chuyến thăm trong nhiều tháng. Do đó cách lý luận của TS Valencia đã rơi vào sai lầm nghiêm trọng.

Xuyên tạc chính sách của Việt Nam

Hơn nữa, Valencia lý luận rằng Việt Nam và Mỹ hợp tác để đối phó Trung Quốc mà không cân nhắc những khác biệt về hệ thống chính trị và hệ tư tưởng giữa hai nước, và do đó, “liên minh” này sẽ chóng tàn. Trên thực tế, Việt Nam và Mỹ biết rất rõ những khác biệt trên và đã vượt qua chúng để cùng nhau hợp tác.

Mặc dù mối quan ngại chung về hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông đã thúc đẩy mối quan hệ Việt – Mỹ, nhưng chính sự hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh mới đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao và sự ký kết quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Thêm vào đó, củng cố quan hệ với Mỹ là một phần trong chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam.

Trong Sách trắng quốc phòng xuất bản năm 2019, Việt Nam cũng đã khẳng định tùy trường hợp cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc việc phát triển các mối quan hệ quân sự cần thiết và thỏa đáng với các nước khác bất chấp sự khác biệt về hệ thống chính trị và mức độ phát triển. Hà Nội cho đó là sự tự vệ, khác với việc chủ động dựa vào nước này để chống nước kia.

Thực tế, Việt Nam không muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời Việt Nam cũng không muốn láng giềng luôn gây hấn.

Bích T.Trần – James Borton

– Bích T.Trần là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Antwerp (Bỉ), cựu chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Đông – Tây (Washington D.C, Mỹ).

– James Borton là nhà nghiên cứu thuộc Viện Walker, Đại học Nam Carolina (Mỹ).

Bài mới
Đọc nhiều