Chiêu trò câu chữ rẻ tiền của ‘đạo diễn’ Đỗ Cao Cường qua “Thư gửi ông Nguyễn Xuân Phúc”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cách đây 2 ngày đã ban hành Chỉ thị số 16 về những giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có đề cập đến khái niệm “cách ly xã hội” cùng nhiều giải pháp thực hiện. Đó không chỉ là một quyết định hành chính đơn thuần mà còn thực sự là một “đơn thuốc tổng hợp” với tất cả các “chủng loại thuốc”, các “thành phần”, “công dụng” và “hướng dẫn sử dụng” được ban hành trước đó suốt 2 tháng “điều trị” đã phần nào tạo nên một “kháng thể” Việt Nam bảo toàn sức khỏe trên diện rộng.
Tuy vậy, dịch vẫn đang diễn biến phức tạp khó lường, có những người bệnh còn không ngơ ngác không biết từ đâu mình lây nhiễm, nguy cơ uy tiếp tính mạng con người lớn hơn. Vậy nên, cần phải có một “đơn thuốc đặc trị” mới với liều lượng mạnh hơn, đó chính là Chỉ thị 16. Ở đó không có chuyện ngăn sông cấm chợ phong tỏa đất nước như một số quốc gia đã, đang làm mà chỉ là tình huống pháp lý để hạn chế tối đa việc lây nhiễm trong cộng đồng như bài học một số nước đã mắc phải. Nếu không thực hiện sẽ có hậu quả khôn lường đến sức khỏe, sinh mạng của nhân dân. Thế nhưng, trên trang Facebook cá nhân của Đỗ Cao Cường – kẻ tự nhận mình là đạo diễn, là phóng viên lại dùng miệng lưỡi không xương không tiếc lời công kích, bôi lem Chỉ thị trên, qua cái gọi là “Thư gửi ông Nguyễn Xuân Phúc”.
Mở đầu bài chia sẻ anh ta nói rằng, không bàn đến khái niệm “cách ly” nhưng thực chất lại cố tình suy dẫn dẫn đó là “khái niệm dành riêng cho tội phạm, cơ sở pháp lý cũng như chế tài xử phạt”. Hòng dắt mũi thiên hạ rằng, “Chính phủ đang coi dân như tội phạm và áp dụng biện pháp như chế tài xử phạt”. Buồn thay cho Đỗ Cao Cường khi tự nhận mình kiếm ăn bằng nghề con chữ nhưng đến nghĩa của từ “Cách ly” cũng mù mờ. Trên thực tế các từ điển tiếng Việt hiện nay đều thống nhất khái niệm “cách ly” có nghĩa là ngăn không để cho tiếp xúc với người hoặc vật khác nhằm phòng ngừa trước điều nguy hiểm (thường là dịch bệnh). Riêng trong lĩnh vực y tế, cách ly được xem là một trong số các biện pháp được sử dụng để kiểm soát nhiễm trùng, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Còn cái mà Đỗ Cao Cường gọi là “chế tài xử lý” dành riêng cho tội phạm ấy khi cần phải cách ly họ với xã hội để phòng ngừa việc tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì người ta gọi là “bỏ tù” hay “cải tạo giam giữ” chứ chẳng ai và ở đâu lại nghĩ rằng “cách ly” là thuật ngữ hay khái niệm dành riêng cho tội phạm ngoài Đỗ Cao Cường cả.
Cũng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải thích rất rõ, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong toả xã hội. Đây thực chất là các giải pháp điều hành linh hoạt của Thủ tướng Chính phủ trong áp dụng pháp luật, hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các đạo luật chuyên ngành. Cần hiểu rằng, áp dụng pháp luật cũng là một hoạt động sáng tạo. Nó phù hợp với sự biến đổi của các quan hệ xã hội, các tình huống pháp lý diễn ra trong thực tiễn, mà các quy phạm pháp luật không thể quy định một cách máy móc.
Không chỉ hiểu sai hoặc cố tính dẫn dắt người đọc hiểu sai về nghĩa của từ “cách ly” mà trong chia sẻ của mình, Đỗ Cao Cường còn khá tự tin khi “khuyên” rằng, “hy vọng sau khủng hoảng, các ông sẽ có những quyết sách lớn hơn liên quan đến vận mệnh dân tộc, từ thể chế tới đối ngoại. Biết chọn bạn mà chơi…”. Đến đây thì anh ta đã huỵch toẹt ra luôn ý đồ muốn Việt Nam cần phải thay đổi thể chế, thay đổi chế độ, chẳng ai lạ gì chiêu trò câu chữ rẻ tiền ấy cả đâu!
Anh “đạo diễn” kiêm “phóng viên” Đỗ Cao Cường xin hãy mở mắt to ra mà nhìn ra thế giới để thấy rằng quốc gia nào mới đang thực sự khủng hoảng và mất kiểm soát xã hội trước sự hoành hành của “ả Cô Vi”. Quốc gia nào mới thực sự quan tâm, lo lắng cho công dân nước mình trước những tác hại do dịch bệnh gây ra. Hãy nhìn đi, một Châu Âu chủ quan, coi thường bệnh dịch, giờ thì quan tài xếp chồng lên nhau, các y bác sĩ phải lấy bao nilong đựng rác tự chế quần áo bảo hộ, và họ cũng chẳng biết sẽ cầm cự được bao lâu nữa. Một nước Mỹ hùng mạnh, đến hôm nay số ca nhiễm đã là 215.215. Thay đổi thể chế để như Anh, như Ý, như Mỹ bây giờ chắc những người như Đỗ Cao Cường còn ngồi chém gió thế không?
Rồi anh khen các quốc gia phương Tây tung ra những gói cứu trợ kinh tế hàng chục tỷ USD hỗ trợ thị trường lao động, để rồi anh lại bỉu môi chê bai Việt Nam không bằng bạn bằng bè. Việt Nam chưa cho được mỗi công dân 1000 đô la nhưng miễn hoàn toàn các chi phí cách ly và điều trị, lại chu cấp miễn phí thức ăn chứ không thu đến hơn 3000 đô cho một lần xét nghiệm hoặc gần 40 nghìn đô la cho một ca điều trị Covid-19. Hay cò kè bắt công dân của mình phải bỏ tiền mua vé máy bay mới được đón từ vùng dịch về nước như ở xứ xở “thiên đường dân chủ” nào kia.
Anh càng nói, càng cho thấy sự ích kỷ với đồng bào, với dân tộc, với những người đang trực tiếp chống dịch, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Cái mà anh gọi là “thư gửi Thủ tướng” có chăng cũng chỉ là một status để anh thể hiện sự huênh hoang, kệch cỡm của chính anh trên cõi mạng mà thôi. Tưởng hay ho, nhưng “gậy ông đập lưng ông” cuối cùng cái mặt nạ giả trí thức hay văn nghệ sĩ của anh cũng bị phơi trần trước công luận mà thôi!
Văn Dân