+
Aa
-
like
comment

Chiều nay Việt Nam xuất hiện nhật thực thập kỷ

Thành Nhân - 21/06/2020 11:44

Chiều 21/6, hiện tượng nhật thực sẽ xuất hiện tại Việt Nam ở cả 3 miền Bắc Trung Nam. Phải hơn 10 năm sau, cả 3 miền mới có thể chứng kiến hiện tượng này lần nữa.

Chiều nay Việt Nam xuất hiện nhật thực thập kỷ
Chiều nay Việt Nam xuất hiện nhật thực thập kỷ

Nhật thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất thẳng hàng và Mặt Trăng nằm ở vị trí đứng giữa 2 thiên thể còn lại. Lúc này, do Mặt Trăng đã che khuất đi Mặt Trời nên ở một số vị trí trên Trái Đất, người ta sẽ thấy một phần hoặc toàn bộ Mặt Trời bị tối đen lại.

Tùy thuộc vào tỷ lệ Mặt Trời bị che khuất mà người ta chia ra thành các dạng nhật thực. Trong đó, 2 dạng cơ bản nhất là nhật thực toàn phần (Mặt Trời bị che khuất toàn bộ) và nhật thực một phần (Mặt Trời bị che khuất một phần).

Một dạng nhật thực hiếm gặp là nhật thực hình khuyên. Khi đó, toàn bộ Mặt Trăng đi vào vùng đĩa sáng của Mặt Trời nhưng do sai lệch về khoảng cách nên nó không thể che hết toàn bộ. Phần đĩa sáng của Mặt Trời không bị che khuất sẽ có dạng một vòng tròn ánh sáng bao xung quanh Mặt Trăng. Đây được gọi là hiện tượng nhật thực hình khuyên.

Nhật thực là một hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp nên thường chỉ có một khu vực nhỏ của thế giới có thể quan sát được. Tuy nhiên, lần nhật thực này có thể quan sát tại một vùng rộng lớn xuyên suốt Châu Phi và Châu Á.

Chiều nay Việt Nam xuất hiện nhật thực thập kỷ - Ảnh 1.
Nhật thực là hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp.

Lần nhật thực diễn ra vào ngày 21/6 của năm nay có dạng nhật thực hình khuyên. Hiện tượng này có thể quan sát tại các quốc gia gồm Cộng hòa Trung phi, Ethiopia, phía nam Pakistan, phía bắc Ấn Độ và một phần Trung Quốc.

Tại Việt Nam, người dân chỉ có thể quan sát được hiện tượng nhật thực một phần. Tuy vậy, khắp cả nước đều có thể chứng kiến hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp này.

Theo đó, người dân tại Hà Nội có thể quan sát nhật thực một phần với độ che phủ lên tới 77%. Tỷ lệ này sẽ giảm dần khi đi xuống các tỉnh phía nam.

Người dân ở Đà Nẵng có thể quan sát nhật thực một phần với độ phủ 65%. Tại TP.HCM độ che phủ của Mặt Trăng so với Mặt Trời chỉ còn khoảng 48% khi diễn ra nhật thực một phần.

Nhật thực một phần sẽ bắt đầu diễn ra tại Hà Nội vào lúc 13h16’ và đạt điểm cực đại vào lúc 14h55’ chiều 21/6.

Tại Đà Nẵng, nhật thực một phần diễn vào lúc 13h30’ và đạt điểm cực đại vào lúc 15h04’.

Tại TP.HCM, nhật thực bắt đầu từ 13h37’ và đạt cực đại lúc 15h05’.

Lần nhật thực một phần này sẽ kết thúc vào lúc 16h18’ tại Hà Nội và TP.HCM. Với Đà Nẵng, thời điểm kết thúc nhật thực sẽ là 16h22’ chiều 21/6.

Được biết, đây là lần xuất hiện nhật thực thập kỷ khi cả 3 miền trên cả nước đều có thể xem được hiện tượng thiên nhiên này. Phải hơn 10 năm nữa, cả 3 miền Bắc Trung Nam trên cả nước mới đồng thời chứng kiến hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp này.

Cụ thể, trong 10 năm tới, sẽ có 3 lần nhật thực xảy ra tại các tỉnh phía Nam. Tại các tỉnh phía Bắc, phải đến năm 2031 mới có hiện tượng nhật thực.

Quan sát nhật thực một phần ở Việt Nam chiều 21/6, cần những gì?

Các chuyên gia khuyến cáo, trong thời điểm diễn ra nhật thực, người dân không được quan sát bằng mắt thường. Bởi bức xạ của mặt trời có thể ảnh hưởng trực tiếp tới mắt. Để quan sát hiện tượng này, người dân có thể tham khảo cách quan sát nhật thực bằng nhiều cách gián tiếp như qua kính chuyên dụng, qua chậu nước….

Nếu không kịp mua kính quan sát nhật thực chuyên dụng, bạn có thể tận dụng kính thợ hàn, ruột đĩa mềm hay phần đen trên phim X-quang để quan sát.

Nếu không kịp mua kính quan sát nhật thực chuyên dụng, bạn có thể tận dụng kính thợ hàn, ruột đĩa mềm hay phần đen trên phim X-quang để quan sát nhật thực.

Bạn cũng có thể quan sát gián tiếp bằng cách dùng tấm bìa khoét một lỗ tròn nhỏ, hướng tấm bìa về phía Mặt trời sao cho ánh sáng mặt trời đi xuyên qua lỗ. Đặt tờ giấy trắng phía dưới sao cho hình ảnh mặt trời hiện thành một khoanh tròn trên tờ giấy. Khi hiện tượng nhật thực diễn ra, bạn sẽ thấy đĩa mặt trời bị che khuất dần trên tấm giấy trắng.

Một cách khác là đặt gương dưới chậu nước pha mực sao cho hình ảnh Mặt trời nhìn qua gương dịu đi, không chói.

Nếu dùng kính thiên văn, bạn cần có kính lọc ánh sáng dành cho mắt hoặc một lớp kính lọc chuyên dụng (sun filter). Sun filter phải là dụng cụ được chế tạo riêng, không nên tự chế bởi chất lượng sẽ không đảm bảo.

Nếu muốn chụp ảnh hay quay lại những khoảnh khắc hiếm có này, bạn cần máy ảnh có độ zoom tương đối nhưng phải được lắp bộ lọc chuyên dụng cho quan sát Mặt trời. Bạn cũng có thể lắp máy ảnh qua kính thiên văn loại nhỏ, kèm theo đó là bộ lọc chuyên dụng.

Nếu không có bộ lọc, bạn có thể hướng kính thiên văn về phía Mặt trời, sau đó chiếu hình ảnh thu được lên tờ giấy hoặc màn hình trắng phía sau. Toàn bộ quá trình xảy ra nhật thực sẽ được quan sát trên màn chiếu./.

Thành Nhân

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều