+
Aa
-
like
comment

Chiêu khích tướng được nhiều lãnh đạo yêu thích, từ Steve Jobs đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng

30/12/2020 13:40

Người xưa thường nói: “Mời tướng không bằng khích tướng”. Trong sử dụng nhân tài, nếu khéo léo sử dụng phương pháp khích tướng thì sẽ nhận được những hiệu quả bất ngờ.

Phương pháp này rất hiệu quả khi muốn tìm hiểu tâm lý của nhân tài là nam hoặc những người có tính cách mạnh mẽ. Bí mật của phương pháp khích tướng nằm ở việc vận dụng tâm lý chống đối. Tâm lý này là chỉ trong điều kiện đặc biệt nào đó, lời nói cử chỉ của một người trái ngược hoàn toàn với mong muốn chủ quan của người người đó, sinh ra một loại phản ứng chống đối, ngược lại với tính chất thông thường. Hiện tượng này vốn rất hay gặp trong cuộc sống thường ngày.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Khi các doanh nhân Việt Nam “khích tướng”

Tại Việt Nam không hiếm trường hợp các doanh nhân cũng từng sử dụng thuật khích tướng để mời gọi nhân tài. Điển hình có thể kể đến câu chuyện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi mời giáo sư Vũ Hà Văn năm 2019.

Trong vài năm gần đây, Vingroup chuyển hướng từ bất động sản sang lĩnh vực đa ngành công nghiệp công nghệ. Việc sẽ hướng này dẫn tới nhiều sự kiện đình đám, như ra mắt xe hơi VinFast tại Paris, giới thiệu những mẫu xe máy điện VinFast, ra mắt điện thoại thông minh Vsmart, xây dựng đại học VinUni cùng các viện nghiên cứu… Để làm được điều này, điều mà Vingroup không thể thiếu chính là những nhân tài.

Sau nghe tin giáo sư Vũ Hà Văn là người rất giỏi hiện đang về nước và nghỉ ngơi tại Đà Nẵng, ông Vượng ngay lập tức cử vị phó tổng giám đốc phụ trách vào gặp và chia sẻ với anh ấy mong muốn của chuyển hướng sang công nghệ của mình.

Ông Vượng nhớ lại: “Cô ấy báo về với tôi là anh Văn muốn gặp anh Vượng để nghe thêm. Ok, gặp ngay. Thế là anh Văn ra Hà Nội. Tôi nói hết là mình muốn gì, như đã nói ở trên về chuyện quyết định chuyển sang công nghệ và tôi kết: “Anh có dám làm không?”. Anh Văn trả lời ngắn gọn: “Chơi thôi”!

Con người đấy (giáo sư Vũ Hà Văn) cũng rất tâm huyết. Anh ấy tâm sự rằng: “Tôi từ xưa đến nay rất muốn làm một cái gì đó cho đất nước nhưng mà chưa có điều kiện, chưa có cơ hội. Còn bây giờ tôi thấy là như thế này tôi có thể làm được”.

Giáo sư Vũ Hà Văn

Theo ông Vượng, lý do khiến những nhân tài Việt Nam trở về không phải vì tiền, bởi lương Vingroup trả ban đầu có trường hợp còn thấp hơn so với những gì họ nhận ở nước ngoài. Họ trở về vì được cống hiến, được ghi nhận chính danh thay vì làm được rất nhiều thứ nhưng đều phải đứng dưới tên của người nước ngoài.

Chủ tịch Thế giới di động cũng từng áp dụng chiêu thức này để “dụ” một trong 5 người sáng lập đầu tiên gia nhập công ty hồi năm 2004. Nhân vật này vốn đang làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản và ông Tài phải mất 6 tháng để thuyết phục về Thế giới di động.

“Anh có 2 sự lựa chọn. Thứ nhất anh tiếp tục ngồi làm thuê cho Nhật. Bây giờ anh tính mỗi năm tăng lương 20% anh cộng lại hết trong 3 năm. Thu nhập anh bao nhiêu cho tôi con số đó. Tôi cam kết với anh một cái duy nhất thôi, nếu cuộc chơi này thất bại, anh em mình trắng tay, anh em mình đi bụi đời. Còn nếu cuộc chơi này thành công thì tôi bảo đảm với anh tương lai huy hoàng và con số anh cộng lại ngày hôm nay nếu tiếp tục đi làm thuê chỉ là hạt đậu phộng trong kho tàng”, ông Tài chia sẻ trên báo chí.

Nhân vật được ông Tài nhắc đến là ông Trần Huy Thanh Tùng, thời điểm đó đang làm kế toán trưởng công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam từ 1997. Năm 2004, ông Tùng gia nhập Thế giới di động vị trí Giám đốc tài chính. Hiện ông Tùng là Trưởng BKS của Thế giới di động. Bản thân ông Tùng và vợ hiện sở hữu lượng cổ phiếu MWG có giá trị hơn 410 tỷ đồng, công ty TNHH Đầu tư tư vấn Trần Huy sở hữu lượng cổ phiếu giá trị khoảng 1270 tỷ đồng.

Mời được nhân tài đã khó, làm sao giữ chân được họ mới càng khó hơn. Theo quan điểm dụng nhân của người xưa, muốn dùng được người cần phải hiểu người và kẻ dụng nhân cần: Chân thành cầu thị, tầm nhìn rõ ràng, chí công vô tư và tạo điều kiện tối đa cho việc phát huy sở trường của nhân tài và khai thác tài năng tiềm ẩn của họ.

Chuyện ở Apple

Ai cũng biết Steve Jobs là một thiên tài tạo ra đế chế Apple. Để làm được điều này, Steve Jobs cũng không ngại dùng thuật khích tướng để mời cựu CEO Pepsi John Sculley về khởi nghiệp cùng. Steve Jobs đã hỏi Joh Sculley một câu đánh trúng vào lòng tự ái của vị CEO: “Ông muốn suốt đời đi bán nước đường hay đi cùng tôi và thay đổi cả thế giới”.

Nhiệm vụ đầu tiên của John Sculley khi về làm cho Apple là duy trì và phát triển dòng máy đang lỗi thời Apple II, quảng bá và đem lại lợi nhuận cho công ty, hỗ trợ Steve trong sáng tạo và cho ra đời dòng sản phẩm Macintosh. Lúc đó, Chủ tịch đương nhiệm của Apple, ông Mike Markkula muốn kết hợp sự chuyên nghiệp, cùng kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp nhiều năm của John Sculley để bổ sung cho sự sáng tạo của Steve, vì ông biết Steve không phải là một nhà quản lý sự vụ hàng ngày được.

Steve Jobs cũng không ngại dùng thuật khích tướng để mời cựu CEO Pepsi John Sculley về khởi nghiệp cùng

Trong 3 năm đầu, John Sculley và Steve Jobs đã trở thành bạn thân của nhau, được coi là “cặp đôi năng động” và thậm chí còn được lên trang bìa tờ BusinessWeek nổi tiếng vào năm 1983. Năm 1984, Apple đạt được mức doanh số nhảy vọt, hơn 1,5 tỷ USD (tăng 55% so với năm 1983).

Steve Jobs tuyển được một người tài giỏi để cùng mình thay đổi thế giới không chỉ nhờ tài năng thương thuyết mà còn nhờ 3 kỹ năng sau: 1. Tìm đúng đối tượng 2. Đưa ra lời đề nghị có lợi cho đôi bên 3. Kỹ năng thương thuyết.

Thảo Nguyên/DNTT

Bài mới
Đọc nhiều