+
Aa
-
like
comment

Chiêu bài “tự do tôn giáo”

Đinh Thảo - 24/11/2021 14:40

Lợi dụng tôn giáo, nhiều đối tượng đã xuyên tạc, coi đây là công cụ để chống phá Nhà nước, gây rối loạn trật tự xã hội. Dưới chiêu bài “phê phán độc quyền tôn giáo”, “đấu tranh cho tự do, dân quyền”, các đối tượng ra sức phủ nhận, xóa bỏ vai trò của Nhà nước Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cụ thể, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một số trang mạng xã hội như Đài Á Châu Tự Do (RFA) hay Luật Khoa tạp chí đăng tải bài viết xuyên tạc: “40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm độc quyền Phật giáo”. Đây là luận điệu hoàn toàn sai lệch về mối quan hệ giữa Phật Giáo và Nhà nước. Mục đích các đối tượng muốn chia rẽ, tạo sự thù địch giữa tôn giáo với đời sống hiện thực nhằm kích động người dân, làm rối loạn trật tự xã hội.

Luận điệu báng bổ tôn giáo của Luật Khoa tạp chí.

Trong bài viết, các đối tượng xuyên tạc rằng “Phật giáo tại Việt Nam bị độc chiếm; Sự độc quyền này trở thành một thứ vũ khí cản trở sự phát triển tự nhiên của Phật Giáo”

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược. Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến năm 2020, Việt Nam đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 60 cơ sở đào tạo, 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. Khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Hàng năm, trong cả nước có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng tôn giáo, thu hút đông đảo các tín đồ và người dân. Vậy, những con số này là “sự cản trở phát triển tự nhiên” mà các đối tượng chia sẻ?

Không dừng lại ở đó, các đối tượng còn đưa ra lý lẽ hết sức sai lầm: “Dưới sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo đánh mất sự đa dạng; Sự độc quyền này khiến cho người dân không có quyền lựa chọn trong việc sinh hoạt tôn giáo của mình”. Vậy, theo các đối tượng, thế nào là tự do tôn giáo? Là gắn mác “tự do tôn giáo” để phát ngôn bừa bãi, ngang nhiên xuyên tạc và kích động, gây bạo loạn xã hội hay sao?

Điều 24 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được nhìn nhận là quyền tự nhiên của con người. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn tôn trọng tự do tôn giáo. Tuy nhiên, mọi tổ chức, hành động cần phải tuân thủ đúng Pháp Luật. Đây không phải là “độc quyền” mà là quy ước bắt buộc để giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, cũng là cách duy nhất để bảo vệ người dân.

Trong xã hội tự do, không ít trường hợp lợi dụng Phật giáo để trục lợi, thực hiện các hành động mê tín dị đoan, truyền bá quan điểm sai lệch, gieo rắc sợ hãi cộng đồng, lừa đảo tiền từ thiện người dân… Ví dụ như vụ việc Tịnh thất Bồng Lai năm 2020… Thậm chí, nhiều đối tượng còn lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc, truyền bá các tư tưởng nhằm mục đích chia rẽ, công kích Nhà nước để thực hiện hành vi bạo loạn lật đổ… Nếu không có sự quản lý chặt chẽ, nếu không có sự thượng tôn pháp luật, tôn giáo sẽ trở thành công cụ để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi sai trái.

Tôn giáo hướng con người đi đến cái thiện, xây dựng cái đức, từ bi hỷ xả. Liệu, có tôn giáo nào hướng con người vi phạm pháp luận, công kích, gây rối loạn trật tự xã hội, thực hiện hành vi trái đạo đức, vô nhân nghĩa hay không?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến tôn giáo, Người khẳng định mỗi tôn giáo đều có những ý nghĩa tốt đẹp, trong đó: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”. Đồng bào các tôn giáo từ xưa đến nay là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Mối quan hệ giữa Tôn giáo và Chính trị, Nhà nước là mối quan hệ hết sức khăng khít, không thể tách rời. Nhà nước cần có trách nhiệm quan tâm, bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có nhiệm vụ vừa tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về đường lối, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vừa quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các tôn giáo hoạt động, phát triển bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật.

Ngược lại, các hoạt động tôn giáo cần phải được quản lý chặt chẽ, thực hiện theo đúng khuôn khổ pháp luật. Cần nghiêm khắc phê phán và xử phạt các hành vi lợi dụng tôn giáo nhằm trục lợi, đi ngược với thuần phong mỹ tục, kích động, gây bạo loạn xã hội.

Chiêu bài “tự do tôn giáo” là âm mưu không còn mới mẻ. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn luôn chuyển hóa luận điệu xuyên tạc của mình với mục đích nhằm công kích, định hướng quan điểm sai lệch để chia rẽ người dân với Nhà nước. Chính vì vậy, người dân cần đề cao cảnh giác trước những luận điệu sai trái, tránh rơi vào chiêu trò của đối tượng.

Đinh Thảo

Bài mới
Đọc nhiều