+
Aa
-
like
comment

Sự thật 13 người H’mong bị đuổi khỏi bản vì theo đạo Tin lành?

An Diễm - 19/08/2022 13:35

Thời gian gần đây, một Tổ chức tôn giáo vô danh có tên là International Christian Concern (ICC) ra sức truyền bá thông tin rằng một số người dân tộc thiểu số Hmong tại Kỳ Sơn, Nghệ An đang bị đàn áp tôn giáo, xua đuổi khỏi xóm làng. Đây vốn dĩ chỉ là một câu chuyện mập mờ, sai sự thật nhằm tiếp tay cho một luận điệu phá hoại, nhưng lại được một số trang tin hào hứng chia sẻ.

Hương ước bản Pù Khả 1 được dán ở trước mỗi nhà dân.

Cụ thể, Đài Á châu Tự do (RFA) trong một động thái nhanh nhảu đã đăng bài viết về vụ việc với tiêu đề rất kêu: “Gia đình 13 người H’mong bị từ chối cấp căn cước công dân vì theo Tin Lành”. Rất nhanh, vụ việc đã bị các tổ chức và đối tượng có ý đồ xấu rêu rao thành “đàn áp”. Thế nhưng chỉ sau đó ít lâu họ phải muối mặt đổi lại tiêu đề theo ý giảm bớt.

Bản chất vụ việc là có gia đình ông Xồng Bá Thông, là người đồng bào dân tộc H’mong đã bị các đối tượng lôi kéo theo đạo Tin Lành trái phép. Gia đình của ông này sau đó đã tự ý tổ chức các sinh hoạt tôn giáo không đúng với quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 (có hiệu lực từ 01/01/2018). Sau đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động, giải thích và hướng dẫn gia đình hộ ông hoàn thiện các thủ tục để được sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật. Vậy nên không có chuyện chính quyền cơ sở ngăn cấm, trục xuất, thu giữ máy cày hay từ chối các dịch vụ công như cấp căn cước công dân hay giấy khai sinh như các đối tượng rêu rao.

Bản Phù Khả 1 có 84 hộ, 520 nhân khẩu đều là đồng bào Mông. Bao đời nay, người dân Phù Khả chăm chỉ lao động đoàn kết xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Thế nhưng thời gian gần đây có một số người dân nhẹ dạ, cả tin, bị lôi kéo, xúi giục của người xấu, tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật, cụ thể là đạo Tin lành, gây bức xúc trong dòng họ, làm xáo trộn tình hình trị an trong bản.

Theo một thống kê trên báo điện tử Thành phố Vinh, Tin lành là một trong số các tôn giáo có tốc độ phát triển tín đồ nhanh nhất tại Việt Nam do quá trình mở cửa hội nhập và giao lưu văn hóa. Hiện tôn giáo này có hơn 1,1 triệu tín đồ, trong đó phần lớn thuộc các dân tộc thiểu số như Mông, Êđê, Jrai, K’ho, S’Tiêng… Tuy nhiên, trong số hơn 80 tổ chức Tin lành đang hoạt động, chỉ có 10 Tổ chức Tin lành có pháp nhân, 3 tổ chức được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo. Còn lại, khoảng 70 tổ chức, nhóm Tin lành (gần 200.000 tín đồ) chưa được cấp đăng ký hoạt động.

Phần lớn các tổ chức Tin lành du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam không có cơ sở thờ tự, chức sắc chủ yếu do tự phong và khác nhau về tiêu chuẩn. Một số tổ chức Tin lành có hệ thống giáo lý không đúng Kinh thánh, lễ nghi và tín lý trái với văn hóa truyền thống của Việt Nam, có biểu hiện mê tín dị đoan, gây chia rẽ gia đình, xã hội, xung đột với các hội thánh Tin lành truyền thông, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự…

Đáng nói, các hoạt động liên quan đến những tổ chức tôn giáo trái pháp luật này luôn là cái cớ cho các đối tượng hải ngoại công kích chính sách tôn giáo của Việt Nam. Đơn cử như Ủy ban Tự do tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) năm nào cũng thúc giục chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt” về tôn giáo, nhưng đều bị phớt lờ vì các cáo buộc vô căn cứ.

Việc học hành của con em bản Phù Khả được quan tâm chăm lo.

Đời sống của người dân tộc thiểu số như người Hmong tại bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vốn dĩ gặp nhiều khó khăn, người dân hạn chế hiểu biết nên vô tình trở thành mảnh đất màu mỡ để các nhóm “tà đạo” truyền bá, kích động. Trước các đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tế về phát triển kinh tế, an dân, Đảng và Nhà nước đã có chính sách đúng đắn với mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” và được người dân đồng lòng ủng hộ. Trọng tâm của chính sách này là vận động người dân đồng lòng xây dựng hương ước của bản chống truyền đạo trái pháp luật, ổn định an ninh thôn bản, đồng thời hỗ trợ bà con thay đổi nhận thức trong sản xuất, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo.

Kết quả là đời sống của người dân ngày một nâng cao. Từ khi triển khai mô hình, trong bản có nhiều chuyển biến, ví như công tác vệ sinh môi trường, bà con đã biết phân loại rác đem về hố rác tập trung để đốt, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt chung. Các đơn vị như Đồn Biên Phòng Na Ngoi, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4, Ban Chỉ huy quân sự huyện… cũng có nhiều hoạt động “cầm tay chỉ việc” giúp thôn bản như hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ con giống. Ngay gia đình ông Thông, nạn nhân bị “đàn áp tôn giáo” theo bài báo của RFA cũng cho biết, ông được nhà nước tặng hẳn một chiếc máy cày để canh tác, đồng thời tặng cả gỗ để dựng nhà.

Như vậy là chỉ vì nhẹ dạ cả tin, một người dân chân chất hiền lành vốn dĩ nhận được sự trợ giúp rất lớn từ chính quyền đã bị tiêm nhiễm “tà đạo” và đột nhiên biến thành một “nạn nhân bị đàn áp tôn giáo”. Một câu chuyện hết sức ngược đời nhưng đã thành sự thật nhờ “tác giả” là những đối tượng cực đoan từ hải ngoại, và nhanh chóng được phát tán thông qua những cái loa tuyên truyền sặc mùi sai trái từ những tổ chức vô danh như ICC cho đến “nổi tiếng” như RFA.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều