+
Aa
-
like
comment

Chiến tranh thương mại: Đòn hiểm của Mỹ và Trung Quốc

13/08/2019 19:22

Đối với cả Mỹ-Trung Quốc, đòn tiền tệ này hiểm hóc và có tác động chính trị cũng như tâm lý rất lớn, nhưng lại bị hạn chế về thời gian và mức độ sử dụng.

Cho tới nay, cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã dai dẳng hơn một năm. Định hướng hành động và đối phó lẫn nhau của cả hai bên không còn lạ lẫm gì nữa đối với bên ngoài. Việc bên này hay bên kia dùng thuế quan bảo hộ thương mại để ép nhau và đáp trả nhau không còn gây bất ngờ gì nữa. Cho nên điều hiện được quan tâm để ý đến nhiều hơn là việc Trung Quốc để cho đồng Nhân dân tệ mất giá so với đồng USD và việc Mỹ coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến vì 3 lý do sau đây.

Thứ nhất, lần đầu tiên kể từ 11 năm nay, tức là từ năm 2008, Trung Quốc mới lại để cho đồng bản tệ mất giá so với đồng tiền của Mỹ và lần đầu tiên kể từ 25 năm nay, tức là từ năm 1994, Mỹ mới lại coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ. Cho nên chưa cần biết tác động trên thực tế của những quyết sách này của Trung Quốc và Mỹ ra sao thì cũng đã có thể nhận thấy tác động chính trị và tâm lý của chúng rất mạnh mẽ và sâu sắc đối với cả hai bên và đối với thế giới bên ngoài trong thời gian tới.

chien tranh thuong mai: don hiem cua my va trung quoc hinh anh 1

Biến tiền tệ thành vũ khí sử dụng trong xử lý quan hệ song phương là đòn hiểm và việc cả Trung Quốc lẫn Mỹ hiện sử dụng nó, hay nói cho chính xác hơn là bắt đầu sử dụng nó, cho thấy hai phía đã bước vào giai đoạn cuối cùng của chủ trương dùng áp lực đối phó áp lực, dùng răn đe đối phó răn đe. Họ bắt đầu tung ra những con chủ bài cuối cùng mà lâu nay vẫn còn chần chừ, không phải vì chúng công hiệu và đắc dụng nhất mà vì chúng rất công hiệu và đắc dụng nhưng đồng thời cũng hàm chứa nhiều rủi ro nhất về lợi bất cập hại và phản tác dụng.

Coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ có nghĩa là Mỹ đặt Trung Quốc vào danh sách những đối tác bị theo dõi và trừng phạt đặc biệt, chính phủ Mỹ phải vận hành nhiều quy trình và cơ chế ở quốc hội cũng như trong Quỹ Tiền tệ quốc tế để buộc Trung Quốc phải thay đổi trong thời gian 1 năm, sau đó mới áp dụng những biện pháp trừng phạt và khi ấy sẽ không còn là chuyện xung khắc thương mại đơn giản nữa mà là trừng phạt và cấm vận về kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như cả trừng phạt về chính trị. Khi ấy, Trung Quốc sẽ không để cho Mỹ muốn làm gì với Trung Quốc thì làm và Trung Quốc cũng sẽ khiến Mỹ phải trả giá đắt không kém cái giá Trung Quốc phải trả cho Mỹ.

Phá giá đồng Nhân dân tệ giúp Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu và giảm bớt được mức độ thiệt hại do các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ gây ra cho Trung Quốc nhưng đồng bản tệ yếu sẽ khiến cho người dân ở trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực trong tiêu dùng, khiến cho dòng vốn chảy ra nước ngoài và tăng lạm phát. Biện pháp chính sách này đắc dụng cho Trung Quốc trong đối phó Mỹ nhưng đối với Trung Quốc không thể lâu dài và không thể không có hạn chế về mức độ.

Đối với cả hai bên, đòn tiền tệ này hiểm hóc và có tác động chính trị cũng như tâm lý rất lớn, nhưng lại bị hạn chế về thời gian và mức độ sử dụng. Vì thế, nhiều khả năng nó được Mỹ và Trung Quốc vừa mới đây tung ra để tạo thế cho vòng đàm phán mới nhiều hơn là chủ ý dùng nó chơi nhau lâu dài, hai bên sẽ kiềm chế chứ không xô đẩy nhau đi xa hơn nữa trên phương diện này.

Ở vòng đàm phán thương mại tới, họ sẽ thoả thuận với nhau cách giải thích cho bên ngoài để rồi cùng cài số lùi sao cho bên nào cũng có thể quả quyết bên mình đúng và phía kia sao, bên nào cũng là nạn nhân chứ không phải là thủ phạm. Mỹ và Trung Quốc không chơi sát ván với nhau đâu trong mọi mối bất hoà mà luôn có bên này hay bên kia lùi đúng lúc, dịu đúng chỗ và thoả hiệp lợi ích đúng mức độ. Chỉ có điều là thoả hiệp này không được lâu bền và cơ bản thôi.

Đại sứ Trần Đức Mậu/Dân Việt

Bài mới
Đọc nhiều