+
Aa
-
like
comment

Chiến tranh năng lượng Nga – châu Âu, nhưng Trung Quốc hưởng lợi?

Tuệ Ngô - 20/09/2022 14:43

Mới đây, trang Reuters cho biết Trung Quốc đang là quốc gia được hưởng lợi từ việc tăng cường nhập khẩu năng lượng giá rẻ từ Nga trong năm nay, khi chiến tranh năng lượng giữa Nga với châu Âu nổ ra.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Vladimir Putin

Kể từ khi giao tranh nổ ra ở Ukraine gần 7 tháng trước, Nga và châu Âu đã bước vào một cuộc chiến năng lượng với hệ quả ngày một nghiêm trọng hơn.

Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu khoảng 90% lượng khí đốt mà họ tiêu thụ, trong đó Nga cung cấp khoảng 45% trong số này. Tiếp cận khí đốt giá rẻ của Nga – cung cấp trực tiếp vào châu Âu thông qua các đường ống dẫn dầu – là một thỏa thuận thuận lợi trong nhiều năm. Tuy nhiên, vào tháng 5, công ty quốc doanh Nga Gazprom, chủ sở hữu của các đường ống này, bắt đầu khoá van khí đốt.

Căng thẳng càng leo thang khi EU cáo buộc Nga sử dụng năng lượng để gây sức ép nhằm trả đũa việc phương Tây hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Còn tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga lại “đổ lỗi” việc cắt giảm khí đốt sang châu Âu, vốn kéo dài nhiều tháng qua, là do các “vấn đề kỹ thuật”.

Druzhba là đường ống dẫn dầu quan trọng giúp vận chuyển dầu thô của Nga tới EU

Cũng chính vì thế, những nguồn cung thay thế dầu và khí đốt của Nga, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, đang tận dụng tình hình này để tiếp cận thị trường tiềm năng là châu Âu.

Khi châu Âu bị cắt khí đốt, chịu giá cao thì Trung Quốc lại là quốc gia có được khả năng tiếp cận với năng lượng rẻ từ Nga, do “tình bạn” vừa được “nâng cấp” sau các lệnh trừng phạt.

Trích dẫn số liệu gần đây, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc từ tháng 5 đến tháng 7, chiếm 19% lượng nhập khẩu của Trung Quốc, so với 15% trong cùng kỳ năm 2021.

Hãng khí đốt quốc doanh Gazprom đã tạm dừng đường ống Nord Stream 1

Theo tính toán của Reuters, Trung Quốc đã tiết kiệm được khoảng 3 tỷ USD khi mua dầu của Nga so với các mặt hàng nhập khẩu khác từ tháng 4 đến tháng 7/2022. Trung bình, Trung Quốc chỉ phải trả khoảng 708 USD/tấn cho dầu thô của Nga trong khi giá trị nhập khẩu từ các nước còn lại là 816 USD/tấn.

Mối quan hệ Nga – Trung được bồi đắp qua nhiều thập kỷ, trên cơ sở xuất khẩu năng lượng và quốc phòng từ Nga sang Trung Quốc, cho dù vẫn tồn tại những bất đồng. Quan hệ đó giờ đã ngày càng bền chặt, bởi nhận thức sâu sắc giữa hai bên về các mục tiêu chiến lược chung, đặc biệt là trong việc xây dựng bức tường chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.

Trung Quốc và Nga có thể có những cảnh giác nhất định với nhau, nhưng hoàn cảnh và sự cần thiết chiến lược đang đẩy họ về phía nhau. Và khi chiến tranh năng lượng xảy ra đã phần nào giúp Trung Quốc thu được nhiều lợi ích.

Tuệ Ngô (Theo Reuters)

Bài mới
Đọc nhiều