+
Aa
-
like
comment

Chiến tranh biên giới 1979: Từ 2 quyết định được tính toán kỹ đến thất bại thảm hại của Bộ chỉ huy TQ

26/10/2019 08:11

 Có thể thấy, nếu Không quân Trung Quốc tham chiến, gặp phải lưới lửa phòng không cực mạnh và dày đặc của Việt Nam thì chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn Không quân Mỹ nhiều lần.

Chiến tranh biên giới 1979: Từ 2 quyết định được tính toán kỹ đến thất bại thảm hại của Bộ chỉ huy TQ

Từ những kế hoạch viển vông…

Khi tính toán cho cuộc phiên lưu quân sự xâm lược Việt Nam năm 1979, các tướng lĩnh Trung Quốc (TQ) cho rằng nước ta đang kiệt quệ sau 2 cuộc Kháng chiến chống Pháp và Mỹ, trong khi đó, phần lớn quân chủ lực lại đang ở chiến trường K (Campuchia) thì họ có thể nhanh chóng giành chiến thắng và thậm chí “chỉ sau 1 tuần là quân Trung Quốc đã ở Hà Nội”.

Ngạc nhiên chưa! Đến như Lầu Năm Góc, với tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh nhất thế giới hoặc như cách họ nói là “sức mạnh không thể tưởng tượng nổi”, mà cũng chỉ dám đề ra kế hoạch “Bình định miền Nam trong vòng 18 tháng” (Kế hoạch Staley-Taylor trong thập niên 1960) và đã thảm bại như thế nào.

Thật là không có gì ngông cuồng hơn cái đầu của những kẻ xâm lược!!

Nhưng trong cuộc chiến ngắn ngủi và khốc liệt này cũng phải ghi nhận 2 quyết định đã giúp  Trung Quốc tránh được một kết cục thảm hại hơn nữa. Đó là:

1. Không cho lực lượng Không quân xuất trận;

2. Tuyên bố rút quân đúng ngày các sư đoàn chủ lực thiện chiến của Việt Nam từ Campuchia về đến miền Bắc và chuẩn bị tổng phản công để quét sạch quân xâm lược ra khỏi đất Việt Nam vào ngày hôm sau.

Trong chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, ngoài 9 quân đoàn chủ lực và 1 số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), TQ còn huy động số lượng lớn tới hơn 900 máy bay các loại như J-5 (TQ sản xuất theo mẫu Mig-17), J-6 (MiG-19) và một số tiêm kích J-7 (MiG-21), máy bay ném bom hạng nhẹ H5 (IL-28)… đến các sân bay gần Việt Nam để “diễu võ dương oai” và sẵn sàng trợ lực cho bộ binh.

Xin được nhắc lại là trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, lúc cao điểm nhất vào tháng 7/1969, Không quân Mỹ hùng mạnh đã huy động 1.382 máy bay chiến thuật hiện đại hơn nhiều, cùng 120 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 và 3.500 trực thăng các loại…

Thế nhưng cuối cùng lại không hề có 1 máy bay TQ nào tham chiến! Tại sao vậy? Hay là bộ binh TQ đã quá mạnh và không cần tới sự yểm trợ của không quân nữa? Thực tế hoàn toàn không phải vậy!

Trước hết là do lúc đó lực lượng PK-KQ Việt Nam đang rất mạnh, được trang bị hoàn toàn bằng các loại vũ khí tối tân “hàng xịn” của Liên Xô và Mỹ (thu được sau 4/1975), lại cực kỳ dày dạn kinh nghiệm chiến đấu sau nhiều năm đối đầu với KQ Mỹ đông đảo và hiện đại bậc nhất thế giới.

Theo số liệu Trung Quốc, Việt Nam lúc đó có tới 17 trung đoàn tên lửa phòng không SAM-2/3/6 (tức là còn nhiều hơn thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cả về số lượng và kiểu loại); 6 trung đoàn với 200 đài radar tạo ra mạng lưới tên lửa và radar dày đặc.

Chiến tranh biên giới 1979: Từ 2 quyết định được tính toán kỹ đến thất bại thảm hại của Bộ chỉ huy TQ - Ảnh 2.
TLPK Việt Nam huấn luyện bắn đạn thật. Ảnh minh họa.

Đó là chưa kể hàng chục trung đoàn cao xạ với khoảng 7.000 pháo phòng không các cỡ nòng 23,37,57 và 100 ly, 300 máy bay chiến đấu các loại, gồm cả máy bay Liên Xô và máy bay chiến lợi phẩm thu được của Mỹ.

Bên cạnh đó, mạng lưới phòng không nhân dân “thiên la địa võng” của Việt Nam mà đến Không lực Hoa Kỳ cũng phải ngán sợ và chịu tổn thất nặng nề, từng khiến siêu pháo đài bay B-52 rụng như sung ở Hà Nội.

Tinh thần yêu nước, khí thế chiến đấu chống ngoại xâm của mọi chiến sĩ tên lửa, cao xạ, radar và không quân Việt Nam đều cao ngút trời. Chỉ có 1 số đơn vị pháo PK 37 ly ở tuyến đầu gặp địch mặt đất, nhưng bộ đội ta đã lập tức hạ nòng bắn thẳng, tiêu diệt cả bộ binh và xe tăng TQ…

Trong khi đó, lực lượng không quân Trung Quốc còn kém xa Mỹ cả về số lượng và chất lượng máy bay cũng như đội ngũ phi công chiến đấu.

Các loại máy bay TQ nêu trên tuy số lượng lớn nhưng đều là “hàng nhái” do TQ làm theo mẫu của Liên Xô với chất lượng kém hơn hẳn, không thể so được với các máy bay và vũ khí Liên Xô sản xuất, viện trợ cho Việt Nam.

Vũ khí, trang bị cho máy bay TQ chỉ có súng pháo và các loại bom đạn “ngu si”, lại thiếu hẳn các loại radar dẫn đường và ngắm bắn cần thiết, nhất là các thiết bị tác chiến điện tử, gây nhiễu thì hầu như không có.

Đặc biệt, sau thời kỳ Cách mạng văn hóa ở TQ thì lực lượng KQ suy yếu trầm trọng, máy bay hỏng hóc nhiều nên tỷ lệ có thể cất cánh được là rất thấp.

Số giờ bay của phi công giảm hẳn, chỉ còn 24-40 giờ bay mỗi năm theo số liệu TQ, và hoàn toàn không có kinh nghiệm chiến đấu, thậm chí phần lớn phi công TQ còn chưa được diễn tập bắn đạn thật.

Có thể thấy ngay là nếu Không quân Trung Quốc bay vào đánh phá, gặp phải lưới lửa phòng không cực mạnh và dày đặc của Việt Nam thì chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn Không quân Mỹ nhiều lần.

Một yếu tố không thể bỏ qua là lúc đó, Liên Xô ngoài việc tăng quân áp sát biên giới và diễn tập lớn gây áp lực với TQ, đồng thời cho máy bay vận tải hạng nặng giúp VN đưa hàng vạn quân chủ lực ở Campuchia về thì nước bạn đã viện trợ khẩn cấp rất nhiều loại vũ khí và khí tài mới cho lực lượng PK-KQ Việt Nam.

Chỉ trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột đến tháng 3/1979, Liên Xô đã chuyển thêm đến VN hơn 100 khẩu pháo phòng không các loại, 400 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai cùng hàng ngàn tên lửa đi kèm, 30 tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 và 50 máy bay tiêm kích MiG-21Bis…Hệ thống Phòng không Việt Nam vốn đã cực mạnh lại càng mạnh hơn nữa!

Chiến tranh biên giới 1979: Từ 2 quyết định được tính toán kỹ đến thất bại thảm hại của Bộ chỉ huy TQ - Ảnh 4.
Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4. Ảnh QĐND.

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm là khu vực biên giới phía bắc VN có địa hình rất phức tạp, rừng núi trùng điệp, thời tiết ẩm ướt, sương mù dày đặc vào những tháng đầu năm. Các loại máy bay đều rất khó hoạt động trong điều kiện như vậy.

Phi công TQ chủ yếu chỉ bay được 1 thời tiết đơn giản thì hiệu quả đánh phá sẽ rất hạn chế và việc phối hợp, hiệp đồng kém thì còn dễ đánh nhầm vào chính bộ binh của họ đang sa lầy trên chiến trường nên Bộ chỉ huy TQ lại càng không dám liều lĩnh sử dụng KQ để chịu thêm tổn thất lớn về máy bay trong cuộc chiến này.

… đến những “chiến tích” tệ hại

Sau cuộc chiến, tuy bề ngoài ra sức khoe khoang “chiến tích” nhưng thực tế thì ngay giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng vô cùng ngán ngẩm với hiệu quả chiến đấu tệ hại của quân chính quy TQ khi mới chỉ đối đầu với bộ đội địa phương và dân quân Việt Nam.

Tại hội nghị quân chính nội bộ trong tháng 3/1979 sau khi rút quân về nước, chính Đặng Tiểu Bình đã chỉ trích gay gắt những sai lầm của Quân đội TQ trong chiến dịch:

“Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là 5 đánh 1, 6 đánh 1. Chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí là 7 đánh 1…nhưng thương vong của chúng ta gấp 4 lần so với Việt Nam. Uy phong của chúng ta đã bị hủy diệt”.

Chiến tranh biên giới 1979: Từ 2 quyết định được tính toán kỹ đến thất bại thảm hại của Bộ chỉ huy TQ - Ảnh 5.
Đặng Tiểu Bình và Jimmy Carter tháng 1/1979. Ảnh: UPI.

Tính ra trung bình mỗi ngày quân Trung Quốc chỉ tiến được 0,9 km.

Trong cuộc chiến không cân sức này trên toàn tuyến biên giới, các chiến sĩ Việt Nam đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc như 86 liệt sĩ ở đồn biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh) ngày 17/2/1979.

Cần nhấn mạnh là ở đây, phía Trung Quốc đã tạo ra mọi ưu thế áp đảo: 60 vạn quân chủ lực có 550 xe tăng, thiết giáp và hơn 2.500 pháo, súng cối các loại yểm trợ.

Vi thế chủ động, họ đã bất ngờ tấn công trước vào lực lượng biên giới của Việt Nam chỉ có khoảng 7 vạn bộ đội địa phương, công an vũ trang và dân quân mà thôi, lại hoàn toàn không có xe tăng, thiết giáp và pháo hạng nặng trợ chiến.

Cũng cần nhắc lại là trước đó, trong tháng 1/1979 các đơn vị chủ lực QĐND Việt Nam đã phản công và giải phóng Phnôm Pênh rồi quét sạch 23 sư đoàn quân Pôn Pốt diệt chủng ra khỏi đất nước Campuchia chỉ sau 2 tuần, làm cho giới quân sự phương Tây phải kinh ngạc khi thấy tốc độ tiến công trung bình của quân VN là 25 km mỗi ngày trong chiến dịch này!

Phóng viên báo chí nước ngoài khi tiếp xúc với các chiến sĩ QĐND Việt Nam đã không thể hiểu nổi sức mạnh từ đâu ra ở những con người tầm vóc nhỏ bé, trong bộ quân phục vải thô màu cỏ úa, chân đi dép cao su hoặc giày vải cùng với khẩu súng tiểu liên AK trên vai.

Còn các chuyên gia nghiên cứu chính trị, quân sự Nga thì đã nhận xét sâu sắc hơn:

“Tài sản quan trọng nhất của Bộ đội Việt Nam không phải là các phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại và thậm chí cũng không phải là trình độ huấn luyện chiến đấu cao của sĩ quan và binh lính, mà chính là tinh thần chiến đấu – các chiến sĩ và nhân dân Việt Nam luôn có tính thần chiến đấu cực kỳ cao mà bất kỳ đội quân xâm lược nào cũng phải kinh sợ”.

40 năm đã trôi qua, nhưng Lịch sử và Nhân dân Việt Nam thì không bao giờ quên những chiến công bất tử của các chiến sĩ QĐNDVN đã đổ biết bao máu xương để bảo vệ từng tấc đất biên cương, gìn giữ quê hương và cuộc sống bình yên của cả dân tộc này!

Đại tá Nguyễn Thụy Anh

Bài mới
Đọc nhiều