Chiến tranh biên giới 1979: Sau thất bại, TQ phải thừa nhận “chiến thuật tấn công Việt Nam là một thảm họa”
Học giả phương Tây nhận xét, Bắc Kinh đã áp dụng chiến thuật tấn công xâm lược Việt Nam với vũ khí của thế kỷ 20 nhưng lại theo cách mà nhà Thanh đã thực hiện vào năm 1788.
5 giờ sáng ngày 17/2/1979, cuộc tấn công Việt Nam do giới cầm quyền Bắc Kinh phát động chính thức bắt đầu. Hơn 60 vạn quân Trung Quốc dưới sự yểm trợ của gần 800 xe tăng, xe bọc thép, trọng pháo đồng loạt tấn công trên toàn tuyến biên giới kéo dài 1.400 km thuộc 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Trước sự chống trả quyết liệt của quân và dân Việt Nam, ngày 5/3/1979, Bắc Kinh buộc phải tuyên bố “hoàn thành mục tiêu” và rút quân, dù trên trên thực tế lính Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm đóng, đánh phá nhiều vùng biên giới Việt Nam suốt nhiều năm sau đó.
41 năm trôi qua, từ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã phải rút ra nhiều bài học cay đắng.
Để có một cái nhìn khách quan, dựa trên các tư liệu lịch sử từ hai cuốn sách: 1) “The Lessons of History: The Chinese People’s Liberation Army at 75” của nhóm tác giả Larry Wortzel, Laurie Burkitt và Andrew Scobell; và 2) “Brother Enemy: The War After the War” của Nayan Chanda, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc những bài học do chính phía Trung Quốc thừa nhận và các tác giả phương Tây đã đúc kết.
Trước hết nói về Nayan Chanda, tác giả của cuốn “Brother Enemy: The War After the War”. Ông là sáng lập viên kiêm Tổng biên tập Tạp chí YaleGlobal Online, một phóng viên kỳ cựu của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (Far Eastern Economic Review), biên tập viên của Tuần báo Asian Wall Street Journal và thành viên cao cấp của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington.
Qua cuốn sách của mình và dưới góc nhìn của một nhà báo am tường lịch sử Đông Dương cũng như vốn hiểu biết phong phú về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, Chanda đã giúp bạn đọc thấy được những thất bại và bài học mà Bắc Kinh phải trả giá qua cuộc chiến tranh phi nghĩa này.
Còn trong cuốn “The Lessons of History: The Chinese People’s Liberation Army at 75”, nhóm tác giả đã viết rằng: Theo mệnh lệnh cấp trên, giáo viên và học viên Trường Quân chính Quân khu Quảng Châu (Quangzhou Junqu Bubing Xuexiao) đã tham gia các quân đoàn tấn công Việt Nam từ tỉnh Quảng Tây do Hứa Thế Hữu – Tư lệnh Đại quân khu Quảng Châu chỉ huy.
Số cán bộ và binh lính thuộc trường quân chính này được biên chế cho Quân đoàn 41 và 42 trong quá trình chúng tấn công vào Cao Bằng và tham gia Quân đoàn 43 và 55 khi tấn công Lạng Sơn.
Do số binh lính này hiểu rất rõ cách thức huấn luyện chiến đấu của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nên chúng hiểu được cách thức PLA chiến đấu trên thực tế. Bởi vậy, theo nhóm tác giả, những bài học mà lực lượng này rút ra được từ thất bại ở Việt Nam là rất đáng quan tâm.
Bài học thứ nhất: Pháo binh Trung Quốc chiến đấu như thời Napoleon
Theo ghi nhận của tác giả Nayan Chanda trong cuốn “Brother Enemy: The War After the War”, Trung Quốc đã huy động hàng trăm pháo tầm xa 130mm và 122mm cùng hỏa tiễn phóng loạt 140mm điên cuồng tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam với “tốc độ gần như một quả/giây”.
Một phóng viên người Mỹ có mặt tại vùng biên giới Việt Nam khi đó đã viết: “Hỏa lực dày đặc tới mức nó gần giống với tiếng oanh tạc của máy bay B-52… Có thời điểm, cuộc nã pháo kéo dài tới 20 phút, chứ không phải một phút hay ít hơn như thường thấy trong các đợt không kích của Mỹ”.
Sau đó, giống như những đợt thác lũ tràn qua đập, 85.000 ngàn lính Trung Quốc, dưới sự yểm trợ của thiết giáp, đã tràn sang Việt Nam tại 26 địa điểm dọc theo biên giới.
Áp dụng chiến thuật “biển người” thời chiến tranh Triều Tiên, PLA đã đẩy hàng ngàn binh sĩ để cố gắng đánh bật quân du kích và bộ đội biên phòng Việt Nam trên những ngọn đồi và khu vực thung lũng.
Thế nhưng, học viên của trường Quân chính Quân khu Quảng Châu lại thừa nhận: “Các pháo thủ Trung Quốc không biết cách đo xa và tính toán dữ liệu khai hỏa. Hệ quả là, pháo binh Trung Quốc không thể yểm trợ gián tiếp một cách hiệu quả”.
Hỏa lực pháo binh Trung Quốc chỉ giới hạn ở những vụ tập kích ồ ạt quy mô lớn vào các cấu trúc địa hình rộng lớn hoặc bắn không chính xác vào các mục tiêu nhỏ hơn. Trung Quốc rõ ràng không có một quy trình chỉ huy chiến đấu. Do đó, “pháo binh nước này chẳng hơn là mấy pháo binh thời Napoleon hay thời kỳ đầu của cuộc nội chiến nước Mỹ”.
Còn theo nhà báo Nayan Chanda, Bắc Kinh đã thực hiện chiến thuật tấn công xâm lược Việt Nam theo cách mà nhà Thanh đã thực hiện vào năm 1788 nhưng với vũ khí của thế kỷ 20 (new gun, old war). Vì vậy việc thất bại là điều đã được báo trước với quân Trung Quốc. Chính Bắc Kinh sau đó đã thừa nhận, “chiến thuật này là một thảm họa”.
Bài học thứ hai: Chiến thuật bộ binh sơ đẳng
Học viên và sĩ quan trong trường Quân chính Quân khu Quảng Châu cho rằng, lính Trung Quốc đã sử dụng những chiến thuật bộ binh sơ đẳng, kém cỏi. Mặc dù bộ binh Trung Quốc có thể gây ra những thương vong lớn nhưng các đợt tấn công ồ ạt vốn được giới quân sự Trung Quốc ưa chuộng luôn phải chuốc lấy thất bại.
Bài học thứ ba: Kỹ thuật công binh phục vụ chiến đấu của Trung Quốc còn rất thô sơ
Mặc dù Trung Quốc chiếm số quân áp đảo nhưng Việt Nam lại tận dụng được điểm yếu này của Trung Quốc khi xây dựng các hệ thống hầm hào vững chắc và cài mìn xung quanh đó.
Trong chiến dịch tấn công, học viên của trường Quân chính Quân khu Quảng Châu nhận thấy rằng các binh lính PLA, ít nhất là những lính thuộc Quân đoàn 43 không thể phát hiện và tháo dỡ các bãi mìn.
Trong khi đó, theo “Brother Enemy: The War After the War”, quân đội Trung Quốc đã không lường trước được sự lợi hại của hệ thống hầm hào và công sự chằng chịt mà phía Việt Nam đã xây dựng từ trước để bảo vệ vùng biên giới.
Chỉ trong vòng 3 ngày lâm trận, Trung Quốc đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề với số thương vong rất cao do hàng ngàn binh lính bị chia cắt bởi hệ thống súng máy bắn ra từ các công sự chiến đấu và dính mìn.
Bài học thứ tư: Mù mờ về địa hình và sức mạnh quân sự Việt Nam
Theo báo cáo từ trường quân chính Quân khu Quảng Châu, người dẫn đường tên Niu Chengju nhận thấy, khi tiến công Việt Nam, cả một trung đoàn Trung Quốc không thể thực hiện được nhiệm vụ vì “các chỉ huy đơn vị có kiến thức nghèo nàn về địa hình, địa mạo cũng như khả năng đọc bản đồ yếu kém”.
Thông tin trên sau này được chính học giả gốc Trung Quốc Xiaoming Zhang khẳng định thêm trong bài báo xuất bản năm 2015 có tựa đề “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”.
Theo Xiaoming Zhang, các đánh giá về địa lý và địa hình của PLA ở miền Bắc Việt Nam thường dựa trên những bản đồ và thông tin địa lý đã lỗi thời, trong khi khả năng trinh sát chiến trường lại rất hạn chế.
Một trong những sai lầm lớn của quân Trung Quốc là đánh giá sai về lực lượng dân quân đông đảo khi dự đoán về sức mạnh quân sự Việt Nam. Dân quân Việt Nam đã thể hiện sức đề kháng không hề nao núng và thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ cản đường quân xâm lược.
Ban đầu, giới lập kế hoạch quân sự PLA tin rằng họ đã tập hợp được một lực lượng vượt trội với tỷ lệ 8:1 để tấn công Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế, chỉ tính riêng tại Cao Bằng đã có 40.000 – 50.000 dân quân, khiến tỷ lệ lực lượng Trung Quốc chỉ còn hơn Việt Nam là 2:1.
Bài học thứ năm: Tiếp viện hậu cầu Trung Quốc thất bại
Học viên và giáo viên trường Quân chính Quân khu Quảng Châu đã sớm nhận ra mức độ khắc nghiệt của cuộc chiến khi phải “đi một đôi giày và mặc một bộ quần áo trong suốt hơn 10 ngày”. Bên cạnh đó là việc thiếu lương thực và nước uống.
Việt Nam đã chiến đấu quả cảm trước quân Trung Quốc. Chưa tới một tuần tham chiến khi chiến dịch bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, các đơn vị Trung Quốc bắt đầu kêu ca về tình trạng thiếu lương thực và nước uống.
Đơn vị 53514, Quân đoàn 55 Trung Quốc tham gia trận đánh ở điểm cao chiến lược gần Lạng Sơn báo cáo: “Đơn vị cấp cao không gửi thức ăn trong nhiều ngày và binh lính đã không được ăn trong 2 ngày qua”. Đơn vị 53515 cũng báo cáo về tình trang thiếu hụt lương thực và thức uống tương tự.
Hệ thống hậu cần của Trung Quốc, mặc dù tuyến tiếp ứng chỉ cách Việt Nam 4-5 km và cách đường ray Bằng Tường chỉ chưa tới 30 km, rõ ràng đã thất bại. Tình trạng này xảy ra gần Lạng Sơn nhưng hệ thống hậu cần yếu kém đã gây ra những sự vụ tương tự ở các địa bàn khác như Lào Cai hay Cao Bằng.
Nhìn lại cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, Nayan Chanda cho rằng Việt Nam chẳng những không phải học bài học nào của Trung Quốc như giới cầm quyền Bắc Kinh dọa nạt, mà ngược lại Hà Nội còn dạy cho Bắc Kinh một bài học. Quân đội Trung Quốc khi đó thực tế không đủ khả năng và trình độ để thực hiện một cuộc chiến tranh hiện đại.
“Những tổn thất nặng nề mà họ phải hứng chịu trong cuộc chiến cũng như sự thất bại về vũ khí và chiến thuật là lời cảnh báo về sự lạc hậu của Quân đội Trung Quốc”, Nayan Chanda viết.
Tiểu Mã/SH