+
Aa
-
like
comment

Chiến tranh biên giới 1979: Chuyện về một gia đình cả nhà cùng ra trận

16/02/2021 13:25

Ngày 17/2/1979 Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta với hơn 1.200 km từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Gia đình cụ Lục Văn Vình trú tại bản Nà Lung, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã cùng 5 người con quyết tâm chống giặc với lời thề máu lửa “sống cùng sống, chết cùng chết”.

Cả gia đình cầm súng bảo vệ biên giới phía BắcÔng Lục Văn Phiện năm nay đã 69 tuổi, sống tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk là con trai của cụ Lục Văn Vình. Khơi gợi những kỉ niệm về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây hơn 40 năm trước, ông Phiện cho biết, gia đình ông rời Cao Bằng đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên năm 1984, bố mẹ cũng mất sau đó vài năm, nhưng ký ức về những ngày chống Tàu trên quê hương Cao Bằng thì ông không bao giờ quên được.

 

Người Cha Lục Văn Vình cùng 5 người con trên chốt chống lại quân Trung Quốc xâm lược.

Ông Phiện kể: “Bố mẹ tôi sinh được 8 người con, 5 trai và 3 gái. Có 4 anh em đi chiến trường miền Nam chống Mỹ, 2 anh hi sinh còn 2 anh được phục viên về quê hương, đến 1979 chống Tàu thì tái ngũ. Bố tôi lúc đó đã 68 tuổi nhưng vì ông đã có kinh nghiệm tham gia hoạt động chiến đấu từ những năm chống Pháp nên khi giặc Tàu đánh vào, ông cụ vẫn tích cực gia nhập đơn vị dân quân địa phương, lên chốt cầm súng chiến đấu cùng các con bảo vệ quê hương”.

“Ngày đó, cách đây 42 năm, sau một thời gian dài tiến hành nhiều hoạt động gây hấn, rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ xua hơn nửa triệu quân xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam. Đầu tiên là pháo do phía Trung Quốc bắn dồn dập nhiều lắm, xong đến lượt bộ binh kéo vào. Đi tới đâu chúng đốt phá tới đó, nhà tôi bị chúng giật mìn nổ tan tành, gà lợn trâu bò bị giặc bắn giết, cướp bóc. Trẻ em người già trong bản phải bế nhau lên núi, chui vào hang đá tránh. Còn lại những người khỏe mạnh đều tham gia chiến đấu đánh đuổi giặc. Xã Ngọc Khê thành lập đơn vị dân quân có hơn 100 người tham gia chiến đấu. Với cách đánh du kích mưu trí đã tiêu diệt khá nhiều tên địch, làm cho chúng luôn trong tình trạng lo sợ khi đặt chân đến địa phận Ngọc Khê” – ông Phiên nhớ lại.

Về một bức ảnh kỉ niệm khá nổi tiếng, nó được xem như là “bảo bối” của gia đình, ông Phiện cho biết, bức ảnh này do một phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam chụp lại hết sức tự nhiên. “Trong lúc chúng tôi đang gác chốt thì có anh phóng viên ảnh tới. Tôi không nhớ được tên anh ấy. Khi biết bố tôi cùng 5 anh em đang ở trên chốt kháng địch, thì anh phóng viên ngỏ ý muốn chụp một bức ảnh gia đình tôi nên 6 bố con đứng xếp hàng cầm vũ khí được giao để chiến đấu và chụp ảnh. 2 cô em gái lúc đó vẫn mang trang phục của người Tày, bố tôi đứng giữa nhìn ông rất gương mẫu và đầy quyết tâm chống giặc, 5 anh em trông cũng rất tự nhiên trong bức hình” – ông Phiện kể lại kỉ niệm giọng đầy tự hào.

Nhớ lời bố dặn không sợ hi sinh

Những người dân trong xã đều biết, trước năm 1979 vài năm, vợ chồng cụ Vình liên tiếp nhận báo tử của hai người con trai ở chiến trường miền Nam. Nhưng khi Trung Quốc tấn công, cụ Vình vẫn động viên những người con còn lại cầm súng bảo vệ quê hương. “Bố mẹ tôi bảo: bây giờ đã như thế thì thôi, thà hi sinh tất cả, các con cố gắng chiến đấu giữ quê hương, giữ gia đình” – ông Phiện xúc động kể.

Năm anh em ông Phiện trực trên chốt cả ngày lẫn đêm. Chốt trực là hang đá. Đêm xuống lạnh buốt xương. Họ thay nhau trực, thay nhau ngủ, cứ một người thức bốn người ngủ. Người thức phải ra ngoài hang ngồi trực dưới màn sương đêm rét căm căm. “Nơi nào có chỗ ẩn nấp thì chợp mắt tạm, cứ tựa lưng vào đá mà ngủ. Lạnh buốt nhưng không được đốt lửa. Cũng may Nhà nước phát cho dân quân áo ấm” – ông Phiện nhớ lại những năm tháng vệ quốc hùng tráng.

42 năm chiến tranh biên giới Việt Trung Kỳ 1: Cả nhà đều ra trận - Ảnh 2.
Cựu chiến binh Lục Văn Phiện bên di ảnh người cha của mình.

Cứ mấy ngày, cụ Vình lại lên chốt trực cùng các con. Cụ Vình hoạt động cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp, lúc nào cũng mạnh mẽ, vui vẻ để làm gương cho con cháu, bà con xóm làng. “Cả gia đình lên chốt cùng nhau hăng hái lắm, xác định sống cùng sống, chết cùng chết” – ông Phiện kể.

Sau sự kiện 17/2/1979, có lệnh tổng động viên, ông Phiện tái ngũ. Khi quân Trung Quốc rút về trên tuyến xã Ngọc Khê theo dọc sông Quây Sơn lên biên giới, đi qua đường Đồn biên phòng cửa khẩu Pò Peo, ông Phiện có mặt trong đại đội đánh chặn ở đó.

“Đánh trận đó ác liệt lắm. Quân nó thì bạt ngàn! Mình chỉ có một đại đội. Súng nó đã nhiều mà người nó còn nhiều hơn súng! Cứ lớp này tràn lên chết thì lớp sau lại tràn lên! Mình thì quân đã ít, súng cũng ít, không đủ để chiến đấu. Trận đó chúng tôi đánh đến lúc hết cả đạn. Tôi vác súng không đạn về nhà ở với vợ con được bảy ngày thì lại được gọi đi” – ông Phiện kể.

Sáu thành viên trong bức ảnh trên chốt năm 1979 giờ chỉ còn ba người. Người em trai Lục Văn Ngôi đã mất năm 2002, còn người anh cả Lục Văn Năm mất năm 2013. Hai người em gái trong bức ảnh chụp năm 1979 hiện ở thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk). Tất cả đều đã lên chức ông bà sống đời an vui trong đất nước thanh bình…

Vợ chồng ông Lục Văn Vình và bà Đinh Thị Kham được Chính phủ tặng Bảng vàng danh dự (do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 19/12/1968) vì đã có 4 người con là quân nhân vào chiến trường miền Nam: Lục Văn Năm, Lục Văn Sần (Sầm), Lục Văn Luyện và Lục Văn Phiện.

(Theo DV)

Bài mới
Đọc nhiều