+
Aa
-
like
comment

Chiến tranh BGPB 1979: Đại tướng Liên Xô trực tiếp lên Lạng Sơn, yêu cầu Moscow viện trợ khẩn cấp cho VN

30/10/2019 07:00

Đại tướng Obaturov đã đích thân lên Lạng Sơn thị sát chiến trường và báo cáo về Liên Xô yêu cầu khẩn cấp viện trợ cho VN một lượng lớn vũ khí trang bị bằng đường không.

Sự giúp đỡ chí tình của những người bạn Liên Xô

Sau khi đã giúp Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc KCCM vào năm 1975, Liên Xô và nhiều nước XHCN lại tiếp tục đồng hành với VN trong tình hình Mỹ và phương Tây vẫn duy trì chính sách bao vây, cấm vận nước ta, còn Trung Quốc thì đang thi hành đường lối thù địch và hỗ trợ cho bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ muốn bóp nghẹt Việt Nam.

Tháng 11/1978, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa 2 nước Việt Nam và Liên Xô được ký kết, nước bạn đã tiếp tục giành cho Việt Nam sự viện trợ to lớn về cả kinh tế và quân sự.

Khi quân bành trướng Trung Quốc tấn công Việt Nam ngày 17/2/1979, ngay hôm sau Chính phủ Liên Xô đã ra tuyên bố lên án Trung Quốc xâm lược Việt Nam, yêu cầu Bắc Kinh rút quân và lập tức chấm dứt ngay “cuộc chiến tranh xâm lược”.

Liên Xô đã thực hiện đúng theo Hiệp ước được ký kết và khẳng định sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để thực hiện nghĩa vụ quốc tế cũng như giúp đỡ Việt Nam bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dân Liên Xô, Cuba và nhiều nước khác đã sôi sục phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc và tích cực ủng hộ nhân dân ta…

Chỉ 2 ngày sau khi Chiến tranh BGPB 1979 bùng nổ, ngày 19/2, đoàn cố vấn quân sự cao cấp của Liên Xô do Đại tướng G.Obaturov dẫn đầu đã bay tới Hà Nội hỗ trợ cho các tướng lĩnh chỉ huy của Việt Nam ở Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân (PK-KQ).

Chiến tranh BGPB 1979: Đại tướng Liên Xô trực tiếp lên Lạng Sơn, yêu cầu Moscow viện trợ khẩn cấp cho VN lượng lớn vũ khí
Chiến tranh BGPB 1979: Đại tướng Liên Xô trực tiếp lên Lạng Sơn, yêu cầu Moscow viện trợ khẩn cấp cho VN lượng lớn vũ khí

Đại tướng Obaturov đã đích thân lên Lạng Sơn thị sát tình hình chiến trường và báo cáo về Liên Xô yêu cầu khẩn cấp viện trợ cho Việt Nam một số lượng lớn vũ khí và trang thiết bị quân sự bằng đường không.

Các máy bay vận tải hạng nặng An-22 đã lập cầu hàng không lớn chưa từng có trong lịch sử, từ Liên Xô chuyển đến Việt Nam hơn 400 xe tăng và xe thiết giáp, 400 khẩu pháo và súng cối các loại, 50 tổ hợp pháo phản lực 40 nòng BM-21 Grad, 800 súng chống tăng RPG-7,…

Lực lượng PK-KQ cũng nhận được ngay trong tháng 2-3/1979 số lượng lớn vũ khí trang bị hiện đại. Tiếp theo đó, trong giai đoạn từ năm 1979 đến 1982, Liên Xô đã viện trợ 14 tổ hợp tên lửa phòng không (TLPK)”Volga” cùng 526 quả tên lửa V-755 và hệ thống chỉ huy tự động hóa tối tân ACYPK-1M.

Từ năm 1984 đến năm 1987, bạn lại chuyển giao tiếp 14 tổ hợp TLPK hiện đại hơn là S-75M3 cùng 866 quả đạn V-759.

Cùng trong giai đoạn đó, Liên Xô đồng thời viện trợ thêm 40 tổ hợp tên lửa S-125 và 1.788 quả tên lửa V-601PD. Ngoài ra còn có hàng chục máy bay tiêm kích bom Su-22 cánh cụp cánh xòe tối tân, lần đầu tiên được trang bị cho Việt Nam (trong 3 năm 1981-1984) và là loại duy nhất lúc đó có tầm bay đến quần đảo Trường Sa.

Một bộ phận không quân vận tải Liên Xô cũng hoạt động liên tục trên lãnh thổ Việt Nam. Trong chưa đầy một tháng, cầu hàng không của bạn đã vận chuyển hơn 20 ngàn quân chủ lực của Việt Nam, hơn 1.000 trang thiết bị chiến đấu, 20 máy bay quân sự các loại cùng hơn 3.000 tấn vũ khí, đạn dược từ Campuchia trở về miền Bắc…

Với số lượng khổng lồ các loại vũ khí hiện đại này, Quân đội nhân dân Việt Nam vốn đã thiện chiến với tinh thần chiến đấu cao lại càng lớn mạnh hơn, dư sức đánh bại mọi âm mưu xâm lược của Bắc Kinh.

Cùng với vũ khí trang bị mới, các chuyên gia và cố vấn Liên Xô lại 1 lần nữa sát cánh với các chiến sĩ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc ta, nhất là ở các binh chủng có nhiều trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại như tên lửa, radar, không quân, hải quân, bộ binh cơ giới…

Các bạn Liên Xô đã hết sức tận tình giúp đỡ quân đội ta trong nhiều lĩnh vực như tổ chức xây dựng lực lượng chính quy, huấn luyện chiến đấu với vũ khí tối tân, đảm bảo kỹ thuật và trang bị, vật tư quân sự vô cùng phức tạp và tốn kém.

Càng phải ghi nhận sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô trong chiến tranh biên giới phía Bắc bởi lẽ khi đó bản thân Liên Xô cũng đang phải gồng mình trên chiến trường Afghanistan ác liệt với bao tiền của và cả xương máu của hàng ngàn chiến sĩ Xô Viết.

Từ năm 1979 đến 1985 đã diễn ra hàng chục cuộc tập trận cấp quân đoàn, quân khu và các lực lượng vũ trang toàn miền Bắc, nâng cao trình độ tham mưu, tác chiến hiệp đồng của các cấp chỉ huy và các quân, binh chủng QĐNDVN.

Chiến tranh BGPB 1979: Đại tướng Liên Xô trực tiếp lên Lạng Sơn, yêu cầu Moscow viện trợ khẩn cấp cho VN lượng lớn vũ khí - Ảnh 3.
Chuyên gia Liên Xô ở Việt Nam.

Riêng ở Quân chủng Phòng không nơi tôi từng công tác, các đồng chí Liên Xô đã thường xuyên bám sát các đơn vị chiến đấu, đặc biệt chú trọng đến số tiểu đoàn tên lửa các loại và mạng radar cảnh giới quốc gia, bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật, xăng dầu, thiết bị máy móc điện tử phức tạp, linh kiện thay thế với hàng vạn chủng loại và số lượng cực lớn hàng năm.

Biết bao công sức và trí tuệ của những người bạn Liên Xô thân thiết (nay là Liên bang Nga) đã đổ ra để giúp nhân dân Việt Nam trong cuộc trường chinh mới vào những năm cực kỳ gian khó với cả ta và bạn mà không giấy bút nào tả xiết!

Tình hữu nghị quốc tế vô sản cao cả này thật là hết sức hiếm có trong lịch sử cách mạng thế giới. Từ năm 1987, sau khi đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, đoàn chuyên gia, cố vấn Liên Xô mới rút dần về nước.

Quân đội Liên Xô áp sát Trung Quốc: Chia lửa cho Việt Nam

Trong bối cảnh Chiến tranh BGPB 1979 nổ ra, từ ngày 12/3/1979, nhằm tăng áp lực quân sự hơn nữa với Bắc Kinh, trên tất cả vùng biên giới sát Trung Quốc, trên lãnh thổ Mông Cổ và trên biển Thái Bình Dương, Hồng quân LX đã tiến hành cuộc diễn tập hiệp đồng quân binh chủng có bắn đạn thật với quy mô lớn chưa từng thấy.

Lực lượng tham gia tập trận lên tới 250.000 quân, 2.600 xe tăng, 900 máy bay và 80 chiến hạm.

Trong quá trình diễn tập, có thời điểm Liên Xô sử dụng tới 10 trung đoàn không quân hoạt động mạnh ở tuyến 1 giáp biên giới TQ với 5.000 giờ bay, dùng tới hơn 1.000 quả bom và tên lửa để bắn đạn thật. Bắc Kinh đã phải huy động tới 1,5 triệu quân dàn trận để đối phó với Lực lượng vũ trang Xô Viết ở hướng Bắc.

Trên Biển Đông, 30 tàu chiến Liên Xô (có cả tàu ngầm) đã tiến vào, ngăn chặn mọi hành động của hạm đội Nam Hải.

Chiến tranh BGPB 1979: Đại tướng Liên Xô trực tiếp lên Lạng Sơn, yêu cầu Moscow viện trợ khẩn cấp cho VN lượng lớn vũ khí - Ảnh 5.
Tên lửa phòng không S-125 Pechora của Việt Nam sau khi nâng cấp lên chuẩn S-125-2TM Pechora-2TM.

“Trước kia, họ cũng đã từng gọi chúng tôi là đồng chí!”

Trong những năm công tác với chuyên gia, cố vấn Liên Xô của thời kỳ chiến tranh biên giới chống quân TQ xâm lược này, chúng tôi thường tâm sự với các bạn Nga về chiến tranh và hòa bình, về tình hữu nghị và tình đồng chí.

Đại tá V.Titarenko, chuyên gia về kỹ thuật tên lửa phòng không, hay trò chuyện với tôi sau những buổi làm việc: “Cùng là người châu Á nhưng hình như họ lại khác hẳn Việt Nam. Việc Trung Quốc gây chiến đánh VN thật ra cũng không có gì mới lạ.

Trước kia họ cũng gọi người Nga chúng tôi là đồng chí đấy, ‘đồng chí tốt’ nữa cơ khi Hồng quân Liên Xô giúp Trung Quốc đánh tan 1 triệu quân Quan Đông của Nhật rồi lại hào phóng trao toàn bộ số vũ khí chiến lợi phẩm khổng lồ từ đội quân ấy cho Trung Quốc ‘làm vốn’ để đối đầu với quân Tưởng Giới Thạch”…

Vào những năm đầu xây dựng lại đất nước Trung Quốc, Liên Xô đã hết lòng giúp đỡ họ cả về kinh tế và quốc phòng, viện trợ toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó có cả những chuyên ngành quân sự hiện đại nhất như kỹ thuật tên lửa chẳng hạn.

Loại TLPK đầu tiên của Liên Xô “xuất ngoại” là sang TQ: vào cuối năm 1958, 5 tiểu đoàn S-75 (SAM-2) với các kíp chiến đấu Liên Xô được triển khai để bảo vệ 1 số khu vực quan trọng ở TQ (trong đó có Bắc Kinh).

Và ngày 7/10/1959, họ đã bắn rơi 1 máy bay do thám tầng cao RB-57 của Mỹ trang bị cho Đài Loan bay vào không phận TQ. Khi ấy sự kiện này đã không được công bố để giữ bí mật cho loại tên lửa S-75 mới ra lò chưa lâu.

Chiến tranh BGPB 1979: Đại tướng Liên Xô trực tiếp lên Lạng Sơn, yêu cầu Moscow viện trợ khẩn cấp cho VN lượng lớn vũ khí - Ảnh 6.
Pháo phản lực BM-21 Grad.

Nhưng rồi sau đấy họ lại dùng chính các loại vũ khí mà Liên Xô đã viện trợ để bắn vào lực lượng Biên phòng Xô Viết, giết hại hàng chục chiến sĩ Hồng quân trong vụ tranh chấp đảo Đamanski của Liên Xô trên sông Usury năm 1969. Đại tá Titarenko trầm ngâm:

“Họ đưa tới cả vạn quân, định dùng “chiến thuật biển người” để lấn át nhưng rồi đã phải tháo chạy tan tác, mất hơn 1.000 quân sau khi nếm mùi ‘Kachiusa 40 nòng’ của Liên Xô khi ấy mới được đưa vào trang bị.

Vị Đại tá Liên Xô nói với tôi như vậy trước khi lên đường về nước: “Không ai muốn chiến tranh cả, nhưng muốn có hòa bình thì phải luôn luôn cảnh giác! Đó là bài học xương máu cho cả hai đất nước chúng ta đấy!”.

Cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa và tàn bạo của Trung Quốc đã lùi xa 40 năm.

Chúng ta nhắc lại hôm nay không phải là để khơi lại hận thù với những kẻ đã gây ra cuộc chiến ngày ấy mà là để nhắc nhở các thế hệ con cháu mai sau không bao giờ được lãng quên rằng mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi quê hương mình đều thấm đẫm máu xương của bao anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự trường tồn của Đất nước Việt Nam.

Con đường phía trước của dân tộc Việt Nam sẽ vẫn còn muôn vàn chông gai, thử thách nhưng quyết không có thế lực nào có thể ngăn được bước tiến của cả một dân tộc yêu chuộng hòa bình và kiên cường đấu tranh cho độc lập, tự do và hạnh phúc của mình.

Đại tá Nguyễn Thụy Anh – Cục Khoa học Quân sự / Soha News

Bài mới
Đọc nhiều