+
Aa
-
like
comment

Chiến thuật “vùng xám” và sự kiện Hoàng Sa

08/12/2021 06:01

Trong thời gian qua, cụm từ “vùng xám” (grey zone) xuất hiện nhiều trong các phân tích của giới chuyên gia về Biển Đông để chỉ những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong đó, lực lượng dân quân biển hay các tàu dân quân biển được Trung Quốc sử dụng triệt để trong việc hiện thực hóa chiến thuật này.

Cho tới tháng 4/2021, sự hiện diện của lực lượng dân quân biển ở quần đảo Trường Sa biến động liên tục nhưng không thuyên giảm về số lượng. Gần đây nhất, vào giữa tháng 6/2021 có khoảng 240 tàu ở Đá Tư Nghĩa và 70 tàu ở Đá Gaven (thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ về vấn đề này.

TS Trần Công Trục là người đầu tiên ở Châu Á dịch Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc. Ông cũng trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán biên giới Việt Nam với Trung Quốc ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, với tư cách là Phó đoàn đàm phán cấp Chính phủ; nhiều lần đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm chuyên gia đàm phán biên giới, đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và các vấn đề trên biển.

Ảnh chụp tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu ngày 23/3. Ảnh: Maxar
Ảnh chụp tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu ngày 23/3.

“Lách luật” để tránh bị lên án

PV: Theo ông, chiến thuật “vùng xám” mà Trung Quốc đang ráo riết thực hiện đóng vai trò như thế nào trong tham vọng của nước này tại Biển Đông?

Ông Trần Công Trục: Gần đây, trong các cuộc hội thảo quốc tế, trên một số phương tiện thông tin, nhiều học giả, chuyên gia, nhà báo, đã sử dụng thuật ngữ “vùng xám” để ám chỉ một vùng biển đang trong trạng thái “bên miệng hố chiến tranh”, do một quốc gia nào đó triển khai các hoạt động đe dọa, ức hiếp, gây sức ép, tạo ra môi trường bất ổn, nhằm hợp thức hóa những yêu sách trên biển của mình.

Như vậy, có thể thấy rằng thuật ngữ “vùng xám” trên biển không phải là một thuật ngữ pháp lý mà chỉ là một thuật ngữ được dùng để ám chỉ hay chỉ trích tình trạng căng thẳng đươc tạo nên bởi hoạt động có chủ ý của con người, mang tên “chiến thuật vùng xám”. “Chiến thuật vùng xám” thường được các nước lớn sử dụng nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự.

“Chiến thuật vùng xám” là hoạt động có chủ đích nhằm “lách luật” để tránh bị lên án. Theo định nghĩa của chuyên gia Michael Green thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (SCIS), “Chiến thuật vùng xám” là những hành vi cao hơn hoạt động răn đe thông thường nhằm đạt được các mục tiêu an ninh, nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng có thể gây ra các phản ứng vũ trang”.

Trong Biển Đông, Trung Quốc đang tạo ra “vùng xám” bằng cách sử dụng Lực lượng Dân quân biển vũ trang (PAFMM), các hạm đội đánh cá có vũ trang, làm “người lính xung kích” trong “chiến thuật vùng xám” nhằm tranh giành và hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với phần lớn Biển Đông, thông qua yêu sách “đường chín đoạn”, chiếm hơn 90% vùng biển và các thực thể địa lý ở Biển Đông.

Chiến thuật “vùng xám” và sự kiện Hoàng Sa

PV: Vào tháng 6/2021, khoảng 240 tàu, nghi là tàu của Lực Lượng dân quân biển Trung Quốc điều khiển đã neo đậu gần đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hàng trăm chiếc thuyền này bật đèn cả đêm mà không có hoạt động đánh bắt nào. Ông đánh giá thế nào về động thái này?

Ông Trần Công Trục: Để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông bằng “Chiến thuật vùng xám”, Trung Quốc đã thành lập Dân quân Biển thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân dân (PAFMM) và bắt đầu sử dụng khi họ tổ chức đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào các thời điểm năm 1956, 1959, 1974. Những tàu đánh cá thuộc lực lượng PAFMM này được huy động làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, quấy nhiễu tạo cớ để lực lượng vũ trang tiến hành xâm lược dưới chiêu bài “phản công tự vệ”, hoặc bí mật đổ bộ lên các đảo mà đối phương chưa đủ sức kiểm soát hoàn toán để che đậy hành động sử dụng vũ lực bất hợp pháp.

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ.

Sự kiện các tàu chiến Trung Quốc ngụy trang thành những tàu cá để lính giả dạng ngư dân đổ bộ lên một số đảo ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa, bị Hải quân Việt Nam Cộng hòa tóm gọn đưa về giam tại Đà Nẵng năm 1959 và sau đó được phóng thích qua đường Hồng thập tự quốc tế là một minh chứng sống động về “chiến thuật vùng xám”. Tiếp đến, vào thời điểm năm 1975, trước khi lực lượng Hải quân Quân Giải phóng nhân dân miền Nam Việt Nam ra tiếp quản quần đảo Trường Sa, nhiều tàu cá của Trung Quốc cũng được huy động tiến xuống hoạt động quanh quẩn để sẵn sàng bí mật đổ bộ xâm chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, kế hoạch đổ bộ của họ không thành. Bởi vì, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa niềm Nam Việt Nam đã được Hải quân Quân giải phóng miền Nam Việt Nam phất cao ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản các đảo do lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, quản lý. Tiếp đến, để thực hiện một bước tiến mới về phía Nam Biển Đông, năm 1985, Trung Quốc đã thành lập lực lượng dân quân biển ở thị trấn Tân Môn, tỉnh Hải Nam, để tham gia chiến dịch đánh chiếm các bãi cạn ở phía Tây quần đảo Trường Sa năm 1988 và bãi cạn Scarborough năm 2012, với khẩu hiệu “Phát triển Trường Sa, đánh bắt cá đi đầu”.

Năm 1988, ngay sau khi đánh chiếm các bãi cạn phía Tây quần đảo Trường Sa, Trung Quốc triển khai đầu tư xây dựng biến các bãi cạn thành các đảo nhân tạo và xây dựng các căn cứ hậu cần cho các tàu thuộc lực lượng dân quân biển của họ thường xuyên hoạt động ở khu vực Trường Sa.

Năm 1991, nhiều tàu cá Trung Quốc được huy động xuống hoạt động tại khu vực được gọi là “ngư trường phía Tây Nam”, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Năm 1994, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc xuất bản tập bản đồ ngư trường, trong đó có 10 ngư trường ở Biển Đông.

Năm 2000, Lực lượng Dân quân biển của Trung Quốc được huy động xuống Biển Đông nhiều hơn các năm trước đây; như tham gia vào vụ điều hướng di chuyển của tàu USNS Impeccable của Hải quân Mỹ; cắt cáp tàu thăm dó dầu khí Việt Nam, Viking2 và Bình Minh 02; là lực lượng chủ yếu của chiến dịch đánh chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012,…

Năm 2013, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm và động viên lực lượng dân quân biển ở Tanmen, được coi la hình mẫu để các đơn vị khác noi theo… Kể từ đó vai trò của lực lượng dân quân biển được nâng cao cả về số lượng và chất lượng…để trở thành đội quân “tiên phong” tiến xuống phía Nam Biển Đông bằng “chiến thuật vùng xám”….

Và, tháng 6/2021, khoảng 240 tàu cá  của Lực lượng Dân quân biển Trung Quốc đã neo đậu gần đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, số tàu này bật đèn cả đêm mà không có hoạt động đánh bắt nào; đặc biệt là gần đây, tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến hành uy hiếp bằng cách phun vòi rồng váo các tàu của Philippines đang làm nhiêm vụ ở trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, chính là những bước tiến mới trong việc triển khai “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc….

Bàn đạp tranh giành vị thế siêu cường quốc tế

PV: Ông đánh giá chiến thuật này của Trung Quốc ảnh hưởng ra sao đến Việt Nam nói riêng và các nước có liên quan ở Biển Đông nói chung?

Ông Trần Công Trục: Để thực hiện quyết tâm chiến lược trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc sử dụng các loại “vũ khí mềm” để thực thi “chiến thuật vùng xám”. Lực lượng xung kích của “chiến thuật vùng xám” chủ yếu là lực lượng dân quân biển, lực lượng hải cảnh, lực lượng tàu chiến được cải trang thành tàu đánh cá… Để biện minh cho những “mũi tiến công mềm” này, Trung Quốc còn đẩy mạnh công tác truyền thông quốc tế và đặc biệt tiến hành hợp thức hóa bằng các quy định, quyết định hành chính….của các cơ quan quản lý nhà nước.

Vì vậy, điều hiển nhiên là “chiến thuật vùng xám” mà Trung Quốc đang thực hiện trong Biển Đông trong bối cảnh hiện nay, đã khẳng định  chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp vươn lên tranh giành vị thế siêu cường quốc tế, trong cuộc đối đầu chiến lược Mỹ- Trung, là nhất quán và không hề thay đổi. Điều này rõ ràng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông; có tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển của các nước trong khu vực…

Tàu cá Trung Quốc luôn ra khơi theo từng nhóm lớn. Ảnh chụp màn hình SCMP
Tàu cá Trung Quốc luôn ra khơi theo từng nhóm lớn. Ảnh chụp màn hình SCMP

PV: Trước những diễn biến mới ở Biển Đông, Việt Nam cần có sách lược ra sao để bảo vệ và thực thi các quyền hợp pháp của mình ở Biển Đông, thưa ông?

Ông Trần Công Trục: Trong bối cảnh hiện nay, để bảo vệ và thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; đồng thời đóng góp vào sứ mệnh bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác, phát triển của khu vực, chúng ta nên tìm cách vô hiệu hóa “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc, bằng các giải pháp:

Một là, tăng cường sức mạnh của lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, dân quân tự vệ biển…không những chỉ về quân số, trang thiết bị, mà còn cả về trình độ chính trị, pháp lý, cách ứng xử…khi tiến hành các hoạt động trên các vùng biển với những quy chế pháp lý khác nhau.

Hai là, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin và tiến hành phân tích đánh giá mọi diễn biến để có phương án chủ động đấu tranh tại thực địa, cũng như trên mặt trận ngoại giao, pháp lý, truyền thông một cách khách quan, có lý, có tình… Cảnh giác không để bị động trong ứng xử, tạo cớ để Trung Quốc thực hiện “chiến thuật vùng xám”…

Ba là, đóng góp để xây dựng ASEAN trở thành nhân tố trung tâm trong xử lý các vấn đề Biển Đông, bằng cách củng cố khối đoàn kết, xây dựng lòng tin chiến lược dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế…; không để bị lợi dụng biến thành “con tốt” trong ván bài tranh chấp địa-chính trị, địa – chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, đang diễn ra trong phạm vi khu vực và quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!.

Thi Uyên 

Bài mới
Đọc nhiều