Chiến thuật đàm phán dích dắc của anh em ông Kim Jong Un
Đe dọa, sau đó là một nhánh ô liu. Khiêu khích, rồi đến những lời xoa dịu. Chiến thuật của Bình Nhưỡng có mục đích, báo The Interpreter bình luận.
Kim Yo Jong người em gái quyền lực của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tuần trước ra tuyên bố thẳng thừng về tình trạng đàm phán hạt nhân Mỹ Triều. Tuyên bố của bà, được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải, là để đáp trả đề xuất mới đây của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In về một hội nghị thượng đỉnh Trump Kim nữa trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Bà Kim bác bỏ một triển vọng như vậy, khẳng định một hội nghị nữa là “không ích lợi gì”, đồng thời cáo buộc Washington lợi dụng các cuộc gặp trước đó phục vụ ý đồ riêng và không chịu thay đổi yêu sách.
Theo The Interpreter, tất cả dường như đều có thể đoán trước. Nhưng điểm đáng chú ý trong tuyên bố của Kim Yo Jong, đó là bà ngụ ý “điều bất ngờ vẫn có thể xảy ra” và phi hạt nhân hóa không phải là không thể.
Tuyên bố của bà Kim lần này thân thiện hơn nhiều so với đe dọa hồi tháng 6 là trả đũa quân sự nhằm vào Hàn Quốc vì Seoul không ngăn người đào tẩu rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới. Tháng trước, bà thậm chí gọi Hàn Quốc là “kẻ thù” và phá bỏ văn phòng liên lạc chung giữa hai bên, dọa sẽ hủy thảo thuận giảm căng thẳng quân sự ký năm 2018.
Sự thay đổi bất ngờ trong giọng điệu tuần trước có thể là do phản ứng mạnh của Seoul đối với việc Bình Nhưỡng phá văn phòng liên lạc, khiến Chủ tịch Kim Jong Un ra quyết định dừng hành động quân sự chống Hàn Quốc. Đáng chú ý, hai tuần sau đó, Triều Tiên cũng kiềm chế khi không chỉ trích Mỹ Hàn nhân dịp 70 năm cuộc chiến Triều Tiên.
Bình Nhưỡng từ lâu vẫn được biết đến là hay thay đổi. Nhưng hành xử gần đây cho thấy cách tiếp cận “dích dắc” mà nước này đang theo đuổi một cách chủ ý. Chiến thuật thể hiện bằng một loạt động thái trái ngược nhau để đạt được những nhượng bộ tối đa, với cái giá phải trả thấp nhất. Trong trường hợp này, Triều Tiên đang thử phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc, để tìm một sự nhượng bộ hoặc ít nhất là chấp nhận hiện trạng.
Chiến thuật này cho phép Triều Tiên có được sự linh hoạt, nhưng nó cũng rất rủi ro, đặc biệt là sự bất trắc trong tương lai sau cuộc bầu cử ở Mỹ. Mặc dù Tổng thống Trump tỏ ý sẵn sàng gặp lại Chủ tịch Kim Jong Un, nhưng ông cũng thể hiện rất ít mong muốn có một hội nghị nữa trong năm nay (kể cả trước khi bị hạn chế vì đại dịch Covid-19). Trong khi đó, ứng viên dân chủ Joe Biden tuyên bố sẽ lật ngược chính sách Triều Tiên của ông Trump.
Điều này đặt Bình Nhưỡng vào một thế tiến thoái lưỡng nan hoặc là dấn vào một thỏa thuận kiểm soát vũ khí với ông Trump ngay lúc này, hoặc có nguy cơ phải đàm phán lại với một Biden cứng rắn hơn. Hơn thế nữa, Bình Nhưỡng có vẻ như đã tính toán sai khi cho rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẵn sàng tiếp tục bỏ qua khiêu khích.
Thông điệp của bà Kim Yo Jong tuần trước là sự tiếp nối chiến thuật dích dắc với một mục đích. Những gì Triều Tiên muốn không đơn thuần là xóa bỏ cấm vận mà còn là “rút lại sự thù địch” một triển vọng làm việc hướng tới bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều theo Tuyên bố Singapore và chấm dứt triển khai các tài sản chiến lược của Mỹ xung quanh bán đảo. Tất cả điều đó đều trước khi diễn ra bất kỳ sự bàn bạc nào về phi hạt nhân hóa.
Nếu Washington không nhượng bộ, Bình Nhưỡng sẵn sàng chịu đựng sức ép kinh tế và răn đe Mỹ bằng cách phát triển vũ khí chiến lược.
Thế giới được cho là sẽ tiếp tục chứng kiến hành xử kiểu dích dắc của Triều Tiên trong phần còn lại của năm 2020.
Thanh Hảo/VNN